Biên phòng - Bình Phước được mệnh danh là thủ phủ chế biến hạt điều của Việt Nam và thế giới, vì vậy, sản lượng nhập khẩu từ Campuchia sang Việt Nam tăng hay giảm đều tạo ra những chuyển động ở thị trường hạt điều của thế giới. Đầu tháng 9, những đoàn xe chở hạt điều thô từ Campuchia tấp nập sang Việt Nam đã thưa thớt khi hạt điều đã vào cuối mùa. Theo báo cáo của Hiệp hội điều Campuchia, từ đầu năm tới tháng 7/2022, Campuchia đã xuất khẩu 670.000 tấn hạt điều thô sang Việt Nam và con số này được đánh giá là giảm khá sâu.

Điều nhập khẩu vì sao giảm?
Năm 2022, lượng hạt điều từ Campuchia xuất khẩu sang Việt Nam đã giảm rất mạnh so với năm 2021. Cách đây 1 năm, các nguồn tiêu thụ hạt điều từ Campuchia đổ đi các ngả đều bị kẹt bởi cả thế giới đang chìm trong đại dịch Covid-19, hạt điều từ thị trường này đã tràn sang Việt Nam. Chỉ trong 4 tháng đầu năm 2021, Campuchia đã xuất khẩu sang Việt Nam 840.000 tấn hạt điều thô và Hiệp hội điều Việt Nam lúc đó đã đánh giá “là mức xuất khẩu sốc, tăng đột biến, cao nhất từ trước đến nay”. Bởi cả năm 2020, Việt Nam chỉ nhập từ Campuchia 161.000 tấn hạt điều.
Bước sang năm 2022, thị trường xuất khẩu hạt điều sang Việt Nam đã giảm khá nhanh bởi nhiều lý do. “Hạt điều năm nay mất mùa, thu hoạch sản lượng thấp” - đó là tâm sự của bà Tu Kim Toan, ở ấp Chơn Khu Lu, xã Pitanu, huyện Snoul, tỉnh Kratie, Vương quốc Campuchia. Bà con nông dân mô tả, có những vườn điều trơ trọi, chỉ có cành và lá, còn quả điều không đậu được mấy trái trên cây nên bị thất thu.
Tỉnh Bình Phước là công xưởng chế biến hạt điều của thế giới, vì vậy, sản lượng hạt điều nhập khẩu từ Campuchia sang Việt Nam tụt giảm lên tới 37% so với cùng kỳ năm 2021 luôn được giới doanh nghiệp tìm hiểu nguyên nhân. Người nông dân Campuchia thì than vãn chuyện hạt điều mất mùa, còn Hiệp hội điều của Campuchia thì cho rằng, nỗi lo “được mùa, mất giá” khiến nông dân bắt đầu thu hẹp diện tích trồng điều.
Ông Aun Silot, Chủ tịch Hiệp hội điều Campuchia trả lời báo chí và cho rằng, từ đầu năm tới nay, thời tiết không thuận lợi khiến sản lượng hạt điều giảm và chất lượng hạt điều cũng bị giảm. Bên cạnh đó là nhiều gia đình bắt đầu thu hẹp diện tích trồng điều nên diện tích trồng điều chỉ còn khoảng 700.000ha, giảm khoảng 100.000ha so với vụ điều năm trước.
Lý do sản lượng hạt điều thô nhập khẩu sang Việt Nam tụt giảm còn được đánh giá ở một góc nhìn khác. Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, trong quý 1/2022, Campuchia đã xuất khẩu 272.000 tấn hạt điều thô, giảm tới 40%; trong khi đó, hạt điều đã qua chế biến được xuất khẩu 213 tấn (tăng 312%) sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan và Nhật Bản.
Bình Phước có hơn 1.400 cơ sở chế biến hạt điều, 30 doanh nghiệp vừa, 110 doanh nghiệp nhỏ, hơn 1.200 doanh nghiệp siêu nhỏ. Campuchia là thị trường cung cấp hạt điều gần nhất cho các xưởng chế biến tại đây và nếu lượng cung giảm thì các doanh nghiệp phải vươn tới những thị trường ở tận châu Phi để thu mua hạt điều thô.
Tại Khu kinh tế cửa khẩu Hoa Lư, các công ty Trung Nam Hải, Việt Thành, Nam Anh, Hoàng Sơn 1… phần lớn chỉ làm công đoạn phơi và lựa hạt điều nhập khẩu từ Campuchia. Các chủ doanh nghiệp cho biết, ngành điều ở địa phương phải vươn ra tìm nguồn cung cấp hạt điều thô tận các quốc gia ở tận châu Phi như: Bờ Biển Ngà, Ghana, Tanzania, Nigeria, Guinea, Burkina Faso, Benin, Senegal, Mozambique...
Để hạt điều vươn xa
Sở Công thương tỉnh Bình Phước thông tin, mỗi năm, Việt Nam cần hơn 1 triệu tấn nguyên liệu điều nhân để sản xuất, chế biến. Trong khi đó, sản lượng thu hoạch trong nước mới chỉ đạt khoảng 300.000 tấn, số còn lại vẫn phải nhập khẩu điều từ nước ngoài, đặc biệt là từ các nước châu Phi. Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, cao điểm nhất, tổng diện tích trồng điều của tỉnh là hơn 200.000ha, nhưng đến nay tụt xuống còn 141.595ha, với sản lượng hạt điều thô hơn 200.000 tấn/năm.

Bên cạnh việc duy trì các vùng nguyên liệu, thâm canh cây điều tại Bù Đăng, Bù Gia Mập, Phú Riềng, Bù Đốp..., các doanh nghiệp còn phải “xoay xở” để có đủ nguồn sản xuất, chế biến cho thủ phủ hạt điều, đồng thời liên tục tìm kiếm thị trường xuất khẩu để hạt điều từ Việt Nam vươn xa ra các thị trường thế giới. Vừa qua, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước đã phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình, Báo Bình Phước tổ chức Talk show “Hạt điều Bình Phước vươn ra biển lớn”.
Ông Khoa Phan, nguyên Phó tổng Thư ký Hội Doanh nhân Việt Nam tại Australia, Chủ nhiệm Hội Doanh nhân trẻ tại thành phố Melbourne (Australia) - Cố vấn Phát triển Doanh nghiệp Việt tại Australia chia sẻ tầm nhìn về việc doanh nghiệp hạt điều cần chú trọng tới chất lượng. Ông Phan cũng đề cập việc chú trọng vào mẫu mã bao bì và phải nghiên cứu về thị trường xuất khẩu để đáp ứng yêu cầu của các công ty nhập khẩu nước ngoài, nói chung và tại Australia nói riêng.
Còn ông Trần Quốc Duy, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Bình Phước chia sẻ, đơn vị luôn tích cực hỗ trợ các startup trong tỉnh từ việc hỗ trợ đào tạo, đến khâu tập huấn về kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp cho đến việc tổ chức các hội thảo trực tuyến giữa những startup Bình Phước với Hội Doanh nhân trẻ tại thành phố Melbourne; đây là những chương trình rất có ích để giúp cho các doanh nghiệp tìm đầu ra cho nông sản, đặc biệt là các sản phẩm hạt điều.
Ông Trần Văn Sơn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Bảo, là doanh nghiệp thành công trên thương trường, gắn với thương hiệu “hạt điều Bà Tư Bình Phước”. Ông Sơn nhấn mạnh việc các doanh nghiệp tại Bình Phước không nên chỉ xuất khẩu hạt điều thô. Theo ông, phải đưa được giá trị thật sự của hạt điều ra thế giới, phải ghi trên bao bì cho người tiêu dùng biết đây là đặc sản của Bình Phước, Việt Nam.
Ông Sơn chia sẻ kinh nghiệm đưa hạt điều Bà Tư của công ty ông ra thế giới, đó là phải tìm hiểu văn hóa cho đến khẩu vị khác nhau của người tiêu dùng ở mỗi quốc gia. Nếu xuất khẩu sang những nước có người Hồi giáo sinh sống thì phải có in rõ chứng nhận Halal trên bao bì. Bên cạnh đó, các sản phẩm phải được xuất khẩu chính ngạch mới có thể bền vững.
Lê Văn Chương