Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 06/06/2023 07:06 GMT+7

Hướng đến phát triển nền kinh tế sáng tạo

Biên phòng - Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ mang đến cơ hội cho nước ta phát triển theo hướng nền kinh tế sáng tạo. Nếu như không nắm bắt cơ hội và vận dụng triệt để, 15 - 20 năm sau, Việt Nam sẽ bị tụt hậu rất lớn so với các quốc gia khác. Vì thế, ngay từ bây giờ, chúng ta phải đào tạo lực lượng lao động trẻ có trình độ cao để “vận hành” nền kinh tế sáng tạo.

7t2k_10a
Ông Phạm Nhật Vượng (thứ 2 từ phải sang), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup luôn đi đầu và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào kinh doanh tại Việt Nam. Ảnh: Hải Luận

Tạo ra thị trường sáng tạo

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt vấn đề tại Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017 (VBS), tại Đà Nẵng: “Với quy mô dân số xấp xỉ 95 triệu người, cấu trúc dân số trẻ, với gần 60% dưới 35 tuổi...; trong tầm nhìn thập niên tới, Việt Nam sẽ hướng đến một nền kinh tế năng động dựa trên nền tảng sáng tạo”.

Việt Nam chuyển từ nền kinh tế quan liêu bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng XHCN từ năm 1986, tiếp tục đẩy mạnh cải cách kinh tế và mô hình tăng trưởng, từ nông nghiệp sang công nghiệp, du lịch và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, kỹ thuật số đang len lỏi vào từng ngành nghề, từng lĩnh vực kinh tế. Trước thực tế này, Chính phủ đã triển khai nhiều biện pháp sáng tạo, đổi mới và tích cực cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm 2017, Việt Nam cắt bỏ khoảng 5.000 thủ tục hành chính, mang lại lợi ích rất lớn về thời gian và chi phí, giảm các loại thuế phí, lãi suất ngân hàng, tạo điều kiện kinh doanh... và đạt mức tăng trưởng 6,7%.

Trước áp lực cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiện hữu ở mọi châu lục, Chính phủ Việt Nam đã có chiến lược phát triển lâu dài. Điểm mấu chốt và quan trọng nhất là phát huy tính sáng tạo của toàn dân. Tiến sĩ Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế lý giải: “Nhật Bản, một đất nước công nghiệp phát triển, nhưng họ liên tục sáng tạo và cải tiến cái mới. Việt Nam cũng có rất nhiều sáng tạo, nhưng đưa vào khai thác thực tiễn còn rất hạn chế. Đất nước ta có gần 95 triệu dân, mỗi ngày có muôn vàn ý tưởng mới nảy sinh trong lao động, sản xuất. Cần tập hợp những ý tưởng - sáng tạo lại và đưa vào sản xuất ra hàng hóa. Cần tạo ra một thị trường mua bán ý tưởng - sáng tạo sôi động, có như vậy mới kích thích con người sáng tạo nhiều hơn. Có ý tưởng - sáng tạo, cái thì bán trong nước, cái bán ra nước ngoài, cái hợp tác đôi bên có lợi”.

Lịch sử phát triển của các nền kinh tế tiên tiến như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh... đều xuất phát từ những ý tưởng - sáng tạo trong dân, sau đó, họ nghiên cứu và phát triển ở quy mô nền kinh tế và xuất khẩu toàn cầu.

Đào tạo lớp trẻ để vận hành nền kinh tế số

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 là gì? Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT tóm tắt: “Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển dựa trên nền tảng công nghệ học của máy móc. Quy mô tác động của nó không chỉ về công nghiệp, mà còn ảnh hưởng đến các ngành nghề, dịch vụ, kinh tế tài chính, kể cả nông nghiệp và quản lý Nhà nước...”

Nói một cách dễ hiểu, tập trung ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất, vận hành hệ thống hoàn toàn tự động. Ví dụ, trước đây, một dây chuyền sản xuất cần 100 công nhân đứng dàn hàng ngang ra làm, công nghiệp 4.0 chỉ cần 1 người đứng ra vận hành, thâm chí không có người nào đứng trực, nó hoàn toàn tự động. Hay trong sản xuất nông nghiệp, làm theo cách cũ, người nông dân không biết lúc nào cây trồng thiếu nước, thiếu độ ẩm, thiếu dinh dưỡng... Bây giờ ứng dụng công nghiệp 4.0 vào diện tích canh tác, hằng ngày, hệ thống tự động phân tích dữ liệu và tự ra lệnh máy bơm nước tưới cho cây, phun cung cấp dinh dưỡng dưới gốc và trên lá, đo độ chín của trái... Thu hoạch và tiêu thụ ở thị trường có hệ thống máy tính theo dõi, cung cấp cho khách hàng thông tin tổng thể.

piy4_10b
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn (bên trái), Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, trao đổi kinh nghiệm đào tạo công nghệ tiên tiến với các đại biểu dự Hội nghị thượng đỉnh kinh doanh Việt Nam 2017, tại Đà Nẵng. Ảnh: Hải Luận

Muốn nắm bắt và đưa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 vào đời sống kinh tế của nước ta một cách nhanh chóng và căn cơ bền vững, cần có đội ngũ lao động có trình độ vận hành nó. Chỉ có lớp trẻ mới nhanh chóng tiếp nhận công nghệ  mới. Ông Philipp Rösler, nguyên Phó Thủ tướng Cộng hòa Liên bang Đức, hiện là Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) chia sẻ kinh nghiệm: “Kinh tế kỹ thuật số tạo ra cơ hội lớn giải quyết nhiều công ăn việc làm mới, đồng thời cũng là thách thức mất nhiều việc làm truyền thống. Việt Nam có một tài sản quan trọng, đó là thanh niên, nhân tố này sẽ thu hút đầu tư nước ngoài. Do đó, khu vực công và tư cần phối hợp với nhau vì lợi ích của thanh niên. Tài sản lớn nhất của Việt Nam cho đến nay không phải là dầu khí, cơ sở hạ tầng... mà chính là giới trẻ”.

Theo kinh nghiệm của vị Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, cần tập trung đào tạo nghề chính và có trình độ cao cho thanh niên. Ông Philipp Rösler nêu kinh nghiệm: "Ở Đức, ngoài những ngày làm việc chính, các nhân viên dành một vài ngày để tham gia các khóa đào tạo nghề, trong suốt 3 năm như vậy sẽ nâng cao kỹ năng và tiếp cận những công nghệ, dây chuyển sản xuất mới. Nâng cao kỹ năng của thanh niên Việt Nam chính là cách tốt nhất để nâng cao năng lực kinh tế và năng suất lao động của Việt Nam".

Theo các chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bắt đầu song hành cùng hệ thống giáo dục. Nếu như các trường đại học, cao đẳng không tận dụng cơ hội và ứng dụng công nghiệp 4.0 thì làm sao sản sinh ra đội ngũ lao động vận hành hệ thống tự động hóa?

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ: “Nhà nước nên đầu tư mạnh mẽ cho các viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng công nghệ mới. Đây sẽ là “cái nôi” đào tạo các giảng viên trường đại học, sau đó lan tỏa vào các trường đại học, cao đẳng. Công nghiệp 4.0 còn chưa biết, chưa rõ, thì lấy gì mà dạy cho học trò? Trường đại học là nơi tiếp cận và lan truyền công nghệ nhanh chóng nhất. Chính phủ cần khẩn trương đẩy mạnh chiến lược đưa công nghiệp 4.0 vào hệ thống giáo dục. Có như vậy, 10 năm sau, đất nước ta mới có một đội ngũ lao động trẻ có tay nghề cao vận hành được nền kinh tế kỹ thuật số”.

Hải Luận

Bình luận

ZALO