Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:43 GMT+7

Hướng đến phát triển lâm nghiệp bền vững

Biên phòng - Thực hiện “Tái cơ cấu lĩnh vực lâm nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, tỉnh Phú Yên đang thu hút các thành phần kinh tế, đặc biệt là các nhà đầu tư tham gia phát triển lâm nghiệp, nhân rộng mô hình liên kết theo chuỗi giá trị gia tăng, đầu tư trồng rừng sản xuất và thu mua, chế biến gỗ rừng trồng.

whzj_17
Người dân Phú Yên đưa giống cây gỗ lớn về trồng trên đất rừng. Ảnh: Ngọc Chung

Nâng cao giá trị sản xuất

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) Phú Yên, hiện, tỉnh có diện tích rừng trồng khoảng 90.206ha; trong đó, rừng đặc dụng hơn 1.435ha, rừng phòng hộ 8.265ha, rừng sản xuất hơn 59.455ha, rừng ngoài quy hoạch lâm nghiệp khoảng 21.050ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt 43,43%. Hiện, trữ lượng gỗ rừng trồng bình quân khoảng 90m3/ha, năng suất rừng trồng tăng bình quân 15m3/ha/năm.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, năng suất và chất lượng rừng trồng ở Phú Yên vẫn còn ở mức trung bình, thâm canh tăng năng suất rừng trồng trong nhân dân còn hạn chế, ngành công nghiệp chế biến lâm sản phát triển chậm.

Năm 2017, UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt 8 dự án quy hoạch trồng rừng kinh tế cho các doanh nghiệp với tổng diện tích hơn 3.700ha. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, tỉnh luôn tạo điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế tham gia phát triển lâm nghiệp, nhằm thúc đẩy liên kết, đầu tư trồng rừng sản xuất và thu mua, chế biến gỗ rừng trồng. Đồng thời cũng vận động các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực lâm nghiệp tiếp tục hỗ trợ và chuyển giao các giống cây lâm nghiệp đạt chất lượng cao, xây dựng mô hình phát triển lâm nghiệp bền vững, hỗ trợ kỹ thuật lâm sinh. 

Thời gian qua, Sở NN-PTNT Phú Yên đã phối hợp với Viện Tài nguyên - Môi trường thuộc Đại học Huế và tổ chức UNIQUE (Cộng hòa Liên bang Đức) tổ chức khóa tập huấn kỹ năng quản lý lâm sinh trong kinh doanh rừng gỗ lớn cho các đơn vị lâm nghiệp, chủ rừng trên địa bàn tỉnh. Thời gian qua, nhờ chú trọng áp dụng quy trình, kỹ thuật trồng rừng thâm canh, chọn giống có chất lượng nên sản lượng gỗ rừng trồng khai thác hàng năm đều tăng.

Ngoài ra, hiện, Phú Yên đang xây dựng mô hình điểm trồng rừng gỗ lớn tại Tiểu khu 307 (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh), do Trường Đại học Nông lâm Huế chuyển giao kỹ thuật, với diện tích 6,6ha. Mô hình này tập trung trồng các loại cây sao đen, dầu rái, với thời gian thực hiện 8 năm. 

Ở Phú Yên, Công ty TNHH MTV Bảo Châu là đơn vị tiên phong của tỉnh phát triển trồng rừng kinh tế theo hướng bền vững. Ông Trần Đăng Khoa, Giám đốc công ty cho biết, Công ty Bảo Châu được thành lập từ năm 2003, bắt đầu trồng rừng từ năm 2010. Ngoài hoạt động lâm nghiệp, công ty còn khai thác, sản xuất và chế biến gỗ trồng phục vụ các thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hiện, công ty đã trồng hơn 3.000ha rừng, tập trung chủ yếu ở các huyện Phú Hòa, Sơn Hòa, Tuy An và thị xã Sông Cầu. Năm 2016, công ty đầu tư 100 tỷ đồng xây dựng nhà máy chế biến nguyên liệu gỗ dăm và lắp đặt phân xưởng sản xuất viên nén gỗ, có công suất 30.000 tấn/năm, phục vụ xuất khẩu tại khu Công ty Đông Bắc Sông Cầu.
Theo Giám đốc Trần Đăng Khoa, ngay từ buổi đầu thành lập, công ty đã định hướng, hướng tới phát triển rừng bền vững, chú trọng trong chế biến để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm phục vụ xuất khẩu. 

Đáng kể là năm 2017, công ty được Sở NN-PTNT giới thiệu với Tổng cục Lâm nghiệp (Bộ NN-PTNT) tham gia dự án RAFT3. Đây là điều kiện tốt để công ty có hướng đi mới trong trồng rừng và chế biến, xuất khẩu. Theo đó, công ty đã được các chuyên gia của Quỹ quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) tập huấn quản lý rừng bền vững cho cán bộ, công nhân viên trực tiếp quản lý rừng.

Tháng 9-2018, WWF đã chính thức kết nạp công ty trở thành thành viên mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu. “Muốn trở thành thành viên, đơn vị phải đi tiên phong phát triển lâm nghiệp có trách nhiệm với xã hội và môi trường nhằm giúp bảo tồn rừng. Khi các khu rừng do mình quản lý đạt được các tiêu chuẩn bền vững về môi trường do mạng lưới kinh doanh lâm sản toàn cầu tạo dựng, giá trị sản phẩm sản xuất sẽ được nâng cao, doanh nghiệp và những người phụ thuộc vào rừng sẽ được nhiều lợi ích kinh tế, xã hội” - Ông Châu nói. 

Hiện, Công ty TNHH MTV Bảo Châu có diện tích vùng nguyên liệu gỗ được chứng nhận FSC (chứng nhận rừng đảm bảo được tiêu chí về phát triển bền vững) là  4.000ha trên tổng số vùng nguyên liệu khoảng 9.000ha. Nhờ áp dụng những tiến bộ khoa học, công nghệ trong khâu tuyển chọn giống cây trồng mà trữ lượng bình quân rừng trồng đạt từ 80-100m3/ha, đáp ứng khoảng 60% nhu cầu sản xuất, chế biến của công ty. 

Sản phẩm gỗ chế biến của công ty được xuất khẩu sang thị trường các nước Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước thuộc liên minh châu ÂU (EU), với khối lượng hàng năm khoảng 100.000 tấn nguyên liệu, thu về hàng chục triệu USD. 

Hiện, Bảo Châu đang xây dựng chuỗi hành trình sản phẩm trong lâm nghiệp nhằm thực hiện quản lý rừng bền vững, tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị sản phẩm gỗ rừng trồng.

Xã hội hóa phát triển rừng sản xuất 

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế, năm 2017, trên cơ sở quy hoạch chi tiết vùng trồng rừng kinh tế được phê duyệt, các doanh nghiệp được tỉnh giao đất trồng rừng đã hình thành được vùng nguyên liệu với gần 13.000ha; cùng với đó, đã hoàn thiện việc giao rừng và đất lâm nghiệp cho các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội và hộ gia đình, cá nhân. 

Các ngành chức năng của tỉnh đã tiến hành khảo sát, điều tra thực địa, chọn loại cây trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng, nên cây trồng sinh trưởng tốt, bảo đảm độ che phủ, phát triển bền vững. Đáng chú ý, các vùng quy hoạch trồng rừng gắn với trục đường liên thôn, liên xã thuận lợi giao thông, vận chuyển, phòng cháy, chữa cháy rừng,  tổ chức quản lý, bảo vệ rừng có hiệu quả.

Tỉnh cũng chú trọng thực hiện hình thức xã hội hóa trong trồng rừng, đã “kéo” các doanh nghiệp có tiềm năng về vốn, kỹ thuật vào cuộc, các doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn đầu tư. “Để người dân, nhất là bà con dân tộc thiểu số thực sự sống được bằng nghề rừng, giảm sức ép lên rừng tự nhiên, tỉnh Phú Yên xác định doanh nghiệp là mắt xích quan trọng trong chuỗi hình thành từ phát triển rừng đến bảo vệ rừng và lợi nhuận hợp pháp từ rừng. Doanh nghiệp phối hợp với chính quyền địa phương, phối hợp với người dân trong việc phát triển, khai thác nguồn lợi của rừng” - Ông Thế chia sẻ. 

Đến nay, nhiều doanh nghiệp trồng rừng, chế biến gỗ đã liên kết với người dân trong tỉnh trồng, chăm sóc, thu hoạch rừng theo phương thức ăn chia thỏa thuận đôi bên cùng có lợi. Việc liên kết này không chỉ giải quyết lao động nhàn rỗi sau mùa vụ, mà còn giúp nông dân gắn bó với núi rừng, tăng thu nhập. Rừng kinh tế được trồng trên đất canh tác bạc màu, phần diện tích rừng bị hủy hoại trước đây và đất trống, đồi núi trọc. Nhiều hộ chỉ có vài ngàn mét vuông đất cũng tận dụng để trồng rừng, mở ra hướng phát triển kinh tế lâm nghiệp, góp phần cải thiện đời sống một cách bền vững. 

Theo tính toán của những người trồng rừng, trung bình mỗi héc-ta trồng cây keo lai cần chi phí ban đầu từ 20-25 triệu đồng và sau từ 5-7 năm, thu lãi từ 40 triệu đồng/ha trở lên. 

Hiện, Phú Yên có diện tích đất rừng sản xuất được quy hoạch gần 154.00ha, chiếm hơn 54% đất lâm nghiệp. Ngành chức năng của tỉnh xác định, mỗi năm sẽ trồng tập trung 6.000ha rừng, bao gồm trồng mới và trồng thay thế, phấn đấu nâng tỉ lệ độ che phủ rừng từ 42,2% hiện nay lên 45% vào năm 2020.

Phương Oanh

Bình luận

ZALO