Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ hai, 29/05/2023 12:14 GMT+7

Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng miền núi:

Hướng đến mục tiêu khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo

Biên phòng - Sáng 2-11, phát biểu trong phiên thảo luận về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2017; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, đại biểu Quốc hội (QH) Bế Minh Đức (Cao Bằng) cho rằng, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi, biên giới cần hướng đến mục tiêu khuyến khích người dân vươn lên thoát nghèo.

be-minh-duc
Đại biểu Bế Minh Đức phát biểu trong phiên thảo luận. Ảnh: Văn Bình

Theo đại biểu Bế Minh Đức: “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm và đã có nhiều chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển kinh tế, xã hội vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới. Kết quả đạt được từ thực hiện những chính sách này rất lớn, nhờ đó kinh tế, xã hội vùng này từng bước phát triển, đời sống, vật chất, tinh thần của đồng bào ngày càng được cải thiện”.

Tuy nhiên, vùng đồng bào DTTS, miền núi vẫn còn chậm phát triển, tỷ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước. Theo kết quả điều tra năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo vùng DTTS còn ở mức khá cao, vùng Tây Bắc 34,52%, vùng Đông Bắc 20,74%, khu vực Tây Nguyên 17,14%. Hiện khu vực này vẫn còn trên 50 nghìn hộ thiếu đất ở, 74 nghìn hộ thiếu đất sản xuất, 357 nghìn hộ thiếu nước sinh hoạt hợp vệ sinh. 

Đại biểu Bế Minh Đức cho rằng, nguyên nhân có rất nhiều, ngoài điều kiện tự nhiên, hạ tầng chưa phát triển, thì việc thu hút đầu tư, đặc biệt là các dự án lớn vào vùng này rất hạn chế, chưa đủ nguồn lực, vật lực để giải quyết triệt để đói nghèo. Mặc dù, Đảng, Nhà nước có rất nhiều chính sách đầu tư, trợ giúp các huyện nghèo, xã nghèo nhưng vẫn chưa đồng bộ và không có tính đột phá.

Đại biểu Bế Minh Đức đề xuất các giải pháp như: Chính phủ cần quan tâm dành nguồn lực đầu tư nhiều hơn cho vùng DTTS, miền núi, biên giới, trong đó tập trung ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo sự liên kết giữa các vùng, phát huy lợi thế của mỗi vùng để tạo ra đột phá. "Thực tiễn cho thấy, vùng nào có đường giao thông thuận lợi thì vùng đó có điều kiện phát triển nhanh hơn, ổn định hơn. Rất mong Chính phủ quan tâm, bố trí nguồn vốn đầu tư phát triển giao thông miền núi. Đồng thời, rà soát tích hợp các chính sách, đầu tư hỗ trợ sát thực với đời sống. Trước mắt, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu, ổn định sản xuất lâu dài. Tránh việc hỗ trợ trực tiếp nhỏ lẻ, phân tán, manh mún không khuyến khích được người dân vươn lên thoát nghèo” – Đại biểu Bế Minh Đức nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, đại biểu Bế Minh Đức cũng cho rằng: Các chính sách mới phải hướng đến việc giúp nhân dân về những giải pháp áp dụng kỹ thuật, công nghệ, phương tiện sản xuất, hỗ trợ về thị trường tiêu thu… để người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Viết Hà

Bình luận

ZALO