Biên phòng - Với nhiều nỗ lực của các ngành chức năng tỉnh Khánh Hòa trong việc tăng cường quản lý hoạt động khai thác thủy sản trên biển và nâng cao nhận thức cho ngư dân, nghề cá của địa phương này đang có những bước chuyển đổi tích cực, cùng với cả nước thực hiện mục tiêu sớm đưa thủy sản Việt Nam thoát khỏi thẻ vàng của Ủy ban châu Âu (EC).

Nói không với đánh bắt bất hợp pháp
Cảng cá Hòn Rớ, tỉnh Khánh Hòa, những ngày mở biển sau Tết Mậu Tuất khá nhộn nhịp với sự tất bật của những người đi biển. Trong sắc nắng vàng dịu nhẹ của tiết trời vào Xuân, từng nhóm ngư dân hối hả đưa các ngư cụ, dầu, đá lạnh, lương thực, thực phẩm, nước uống xuống tàu để chuẩn bị rời bến ra khơi, bắt đầu mùa vụ làm ăn mới.
Sau khi điều hành các thuyền viên chuyển hết số hàng hóa xuống tàu, Thuyền trưởng trẻ Trần Văn Trung đến ngay Trạm Kiểm soát Biên phòng (KSBP) Hòn Rớ để đăng ký kiểm chứng trước khi xuất bến.
Tiếp nhận sổ hành trình của Thuyền trưởng Trung, Đại úy Nguyễn Ngọc Sơn, Trạm phó Trạm KSBP Hòn Rớ phân công hai cán bộ tổ công tác của mình ra tàu, kiểm tra thực tế tàu cá chuẩn bị xuất bến. Theo trình tự, Đội kiểm soát Biên phòng tiến hành rà soát, đối chiếu số thuyền viên trên tàu, kiểm tra lượng nhu yếu phẩm, dầu đá và các máy móc hàng hải, thiết bị an toàn. Công tác kiểm tra hoàn tất. Trước khi rời tàu cá, cán bộ kiểm soát gọi điện báo cáo về trạm xác nhận tàu anh Trung đã đảm bảo điều kiện hoạt động trên biển. Tại trạm kiểm soát, Đại úy Nguyễn Ngọc Sơn liền ký, đóng dấu xác nhận tàu được xuất bến rồi bàn giao sổ hành trình cho ngư dân Trung.
Trạm phó Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, đó là trình tự cụ thể trong quy trình kiểm soát tàu cá hiện nay, đã được cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Hòn Rớ triển khai nhiều tháng qua tại cảng cá Hòn Rớ. “Để quản lý hành trình đi đánh bắt của ngư dân trên địa bàn sau khi EC giơ thẻ vàng, ngoài thực hiện công tác kiểm tra theo quy định từ trước, trong quá trình giám sát trước khi phương tiện xuất bến, chúng tôi chú trọng thực hiện các khuyến nghị về chống đánh bắt bất hợp pháp như kiểm tra thiết bị giám sát hành trình, rà soát cơ số nhiên liệu, lượng lương thực, thực phẩm dự trữ đủ cho mỗi chuyến biển. Đáng nói, chỉ sau một thời gian ngắn khi lực lượng BĐBP, các ngành chức năng tuyên truyền và siết chặt kiểm tra, giám sát, ngư dân đã có chuyển biển tích cực về thực hiện các quy định khi ra biển” - Đại úy Sơn nói.
Thuyền trưởng Trung cũng chia sẻ, nhiều tháng qua, anh cùng các ngư dân khác luôn được cán bộ, chiến sĩ Trạm KSBP Hòn Rớ tuyên truyền, nhắc nhở tuân thủ luật pháp, đồng thời cam kết không đánh bắt bất hợp pháp. “Mỗi lần xuất bến ra biển, chúng tôi đều ký vào bản cam kết, gửi lại trạm một bản, một bản chúng tôi mang theo trên tàu. Bản cam kết là lời nhắc nhở chúng tôi không được lơ là, bỏ qua việc thực hiện các quy định. Mỗi khi xuất hiện ý nghĩ liều tìm vận may, chúng tôi nghĩ tới tờ cam kết này lại thôi” - Anh Trung nói.
Cũng như anh Trung, ngư dân Nguyễn Hải, chủ một tàu cá ở Hòn Rớ (thành phố Nha Trang) thông tin, mỗi khi xuất bến, các tàu đánh bắt cá ngừ đại dương đều phải lắp thiết bị định vị vệ tinh để trạm bờ (Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản) theo dõi hành trình. Ngoài việc khai báo về nghề đánh bắt, công suất máy chính, số thuyền viên, loại ngư cụ, nơi xuất bến như lâu nay vẫn thực hiện, mỗi tàu về cập bến đều phải trình sổ ghi chép cụ thể tọa độ nơi tàu hoạt động; địa điểm thả lưới, thu lưới, thời gian thả lưới, tổng số mẻ lưới trong chuyến biển. Đối với các sản phẩm đánh bắt được, ngoài ghi nhật ký khai thác, sản lượng của chuyến biển, ngư dân còn phân rõ sản lượng từng loại cá. “Những yêu cầu khắt khe của EC về khai báo nguồn gốc hải sản hay thực hiện các thủ tục khác tuy bước đầu khiến chúng tôi thấy phiền phức, nhưng ai cũng biết đó là việc cần làm. Cung cách làm ăn minh bạch, rành mạch sẽ làm cho mình tự tin hơn, sản phẩm mình làm ra có giá trị hơn” - Anh Hải thổ lộ.
Giám sát sản phẩm
Đến chợ cá Nam Trung bộ, tại bến cảng Hòn Rớ trong buổi sớm, khi những chuyến tàu khai thác vừa về cập cảng, chúng tôi cũng dễ nhận ra nhiều đổi thay tích cực của ngư dân, doanh nghiệp trong việc mua bán hay chế biến thủy sản.
Khi các phương tiện chuẩn bị mở hầm chứa cá đưa lên bán, toàn bộ khu vực đón hàng trên bờ, cầu cảng đã được các cơ sở thu mua trải bạt, vệ sinh sạch sẽ, nhân viên thu mua hải sản đều đeo khẩu trang, mang ủng, trang phục gọn gàng, tươm tất. Tổ công tác liên ngành tại cảng gồm hai nhân viên Ban quản lý cảng, nhân viên Chi cục Thủy sản thành phố Nha Trang, cán bộ Trạm KSBP cảng Hòn Rớ cũng có mặt túc trực giám sát. Từng lô hàng thủy sản khai thác đưa vào khu vực thu mua của các doanh nghiệp đều có sự theo dõi, kiểm tra của bộ phận này.
Ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ còn cho biết, công tác quản lý an ninh trật tự, giữ vệ sinh công cộng bến bãi vốn đã được cảng chú trọng nên đã tạo lập được nề nếp từ nhiều năm nay. Hiện nay, trên cơ sở rà soát các khuyến nghị của EC, Ban quản lý cảng củng cố, chấn chỉnh thêm một số vấn đề trong công tác giám sát tại cảng. Trong đó, ngoài việc cùng với BĐBP thực hiện công tác truy suất nguồn gốc sản phẩm, vấn đề quản lý an toàn vệ sinh sản phẩm sau khai thác được Ban quản lý cảng giám sát, siết chặt hơn. “Hiện nay, khi đưa cá lên bán, ngư dân phải bơm nước sạch từ trong bờ để rửa cá thay cho việc rửa cá bằng nước biển được bơm tại nơi neo đậu trong cảng. Ngoài ra, cảng khuyến khích ngư dân, doanh nghiệp sử dụng các dụng cụ đảm bảo vệ sinh trong quá trình bảo quản, chế biến sản phẩm, như dùng máy xay đá bằng điện chứ không dùng loại máy chạy bằng dầu, các công cụ như xẻng xúc đá, khay đựng đá đều được làm bằng inox, thay cho dùng thùng nhôm, tôn như trước dễ gây rỉ sét” - Ông Hiếu nói.
Ông Hiếu cũng phấn khởi thông tin: “Mới đây, đoàn công tác của EU đã kiểm tra tại các cảng cá trên địa bàn tỉnh, làm việc với các doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn. Qua 2 lần kiểm tra, đoàn xác định: Khánh Hòa cơ bản đảm bảo các quy định của EU về nguồn gốc hải sản xuất khẩu vào thị trường của họ”.
Đồng thời với mục tiêu xóa thẻ vàng của EC, để hướng đến một nghề cá có trách nhiệm, đảm bảo phát triển bền vững, các ngành chức năng và cả hệ thống chính trị cần phải tích cực hơn nữa trong việc tháo gỡ những vướng mắc, bất cập trong quản lý khai thác thủy sản..., trong đó chú trọng việc rà soát, củng cố và tăng cường năng lực thực thi của các ngành chức năng, triển khai bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình của tàu cá, kết nối với đài bờ. Bên cạnh đó là việc xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết trong khai thác, chế biến, tiêu thụ hải sản.
Cũng theo ông Hiếu, hiện nay, Khánh Hòa đã có hơn 60 tàu cá xa bờ của Tổ hợp tác nghề cá Phước Đồng tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH Thịnh Hưng trong khai thác, chế biến, tiêu thụ cá ngừ đại dương; hơn 30 tàu cá của Tổ hợp tác nghề cá Vĩnh Phước tham gia chuỗi liên kết với Công ty TNHH Tín Thịnh trong khai thác, chế biến, xuất khẩu cá ngừ sọc dưa. Trên cơ sở thành công của các chuỗi liên kết, Chi cục Thủy sản Khánh Hòa đang tiếp tục xây dựng, nhân rộng các mô hình chuỗi liên kết mới. “Việc hình thành chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp và ngư dân trong khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ hải sản là vấn đề tất yếu cần được quan tâm, giải quyết được những bài toán cốt lõi hiện nay trong nghề khai thác là truy suất nguồn gốc, nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho ngư dân” - Ông Hiếu khẳng định.
Phương Oanh