Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:03 GMT+7

Huồi Sơn mùa Xuân về

Biên phòng - Hơn 10 năm về trước, BĐBP Nghệ An đã vận động hàng chục hộ đồng bào dân tộc Mông sống du canh, du cư trong rừng già về Huồi Sơn định cư, lập bản mới. Trải qua quá trình dài, với sự nỗ lực của nhân dân và người lính Biên phòng, bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương đang không ngừng đổi thay, khởi sắc. Khi mùa Xuân về, bản làng Huồi Sơn đẹp tựa bức tranh.

p3j2_12
Thiếu tá Lê Văn Hà vui đùa cùng em nhỏ ở bản Huồi Sơn. Ảnh: Viết Lam

Trong sáng sớm của ngày Xuân, bản làng biên giới Huồi Sơn còn chìm trong sương mờ. Nhiều ngôi nhà gỗ của đồng bào dân tộc Mông vẫn còn sáng ánh đèn điện, tiếng nhạc từ loa đài, ti vi vọng ra đâu đó rất vui nhộn. Hai bên con đường bê tông nội bản, những căn nhà gỗ kiên cố được dựng san sát. Trong những khu vườn trồng rau và nhiều loại cây ăn quả của các hộ dân nhuốm màu xanh ngắt. Sáng sớm, những đứa trẻ trong bộ quần áo mới tung tăng đến trường.

Điện, đường, trường, nhà văn hóa... là những hạng mục công trình được Nhà nước đầu tư xây dựng cho Huồi Sơn trong những năm gần đây. Cùng với sự đầu tư mạnh mẽ đó, với sự hỗ trợ của cán bộ Biên phòng cắm bản làm cho ý thức lao động sản xuất của người dân nơi đây có nhiều tiến bộ. Hầu như nhà nào trong bản cũng chăn nuôi trâu, bò, dê, lợn, gà. Anh Xồng Lầu Tó, bản Huồi Sơn chia sẻ: “Khoảng 3 năm trước, Đồn Biên phòng Tam Hợp tặng gia đình tôi một cặp dê sinh sản và cử cán bộ cắm bản trực tiếp hướng dẫn chăm sóc. Đến nay, gia đình tôi đã có đàn dê gồm 16 con lớn, nhỏ. Vừa rồi, tôi đã bán 6 con dê lớn, có tiền mua được ti vi, máy xát gạo. Trong bản còn nhiều hộ khác cũng có chung niềm vui như gia đình tôi”.

Cùng với triển khai nhiều biện pháp chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, BĐBP Nghệ An cũng chú trọng xây dựng, củng cố cơ sở chính trị tại bản. Chỉ sau 2 năm về định cư, Chi bộ Đảng Huồi Sơn được thành lập, ban đầu chỉ có 5-6 đảng viên gồm cả cán bộ Biên phòng và giáo viên cắm bản sinh hoạt ghép. Sau một thời gian, những đảng viên là cán bộ Biên phòng ở tổ công tác Huồi Sơn đã phát hiện, bồi dưỡng, giới thiệu cho chi bộ làm các thủ tục kết nạp đảng viên mới. Đến nay, Chi bộ Đảng bản Huồi Sơn đã có 14 đảng viên là con em của đồng bào Mông, trong đó có 2 đảng viên là nữ. Điều đáng mừng, thế hệ trẻ ở Huồi Sơn ngày càng được học tập tốt, lực lượng đảng viên trẻ ngày một nhiều hơn. Ngoài chi bộ Đảng, các tổ chức đoàn thể như Thanh niên, Phụ nữ... đều hoạt động hiệu quả.

Thiếu tá Lê Văn Hà, nhân viên Đội Vận động quần chúng Đồn Biên phòng Tam Hợp là một trong những cán bộ gắn bó với bản làng của đồng bào Mông từ ngày lập bản cho đến nay. Anh cùng đồng đội ở Tổ công tác Biên phòng Huồi Sơn trở thành điểm tựa vững vàng cho nhân dân trong bản. Qua câu chuyện của cán bộ Biên phòng với già làng Tồng Và, ký ức về Huồi Sơn hiện lên rõ nét. Bản làng của đồng bào Mông được thành lập vào năm 2006, trên cơ sở BĐBP Nghệ An vận động, di dời hai cụm dân cư Huồi Sến và Tân Sơn về định cư. Trước đó, hơn 40 hộ đồng bào dân tộc Mông sống du canh, du cư trong những cánh rừng già sát với biên giới Việt – Lào. Họ phải chịu cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, con cái thất học, bệnh tật đe dọa đến sự tồn vong. Đặc biệt, có nhiều người trong bản bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo vào các hoạt động vi phạm pháp luật như tái trồng cây thuốc phiện, chặt phá rừng bừa bãi, vượt biên trái phép... Sau khi vận động nhân dân về Huồi Sơn định cư, BĐBP Nghệ An đã quyết định xây dựng nơi đây làm bản điểm củng cố cơ sở chính trị, an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội.

Để thực hiện kế hoạch, BĐBP Nghệ An đã lựa chọn những cán bộ ưu tú thực hiện “bốn cùng” với nhân dân (cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng dân tộc). Cùng với cán bộ “cắm bản” lâu dài, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung tâm huấn luyện BĐBP Nghệ An đã được điều động về giúp dân làm đường dân sinh, cải tạo đất hoang ruộng lúa nước. Đặc biệt đến năm 2008, thực hiện cuộc vận động “Mái ấm biên cương”, BĐBP Nghệ An đã vận động kinh phí, thành lập một tổ thợ Biên phòng thi công giúp nhân dân bản Huồi Sơn làm nhà kiên cố. Sau gần 1 năm lao động cật lực, tổ thợ Biên phòng cùng những người đàn ông khỏe mạnh trong bản đã hoàn thành được 41 căn nhà cho các hộ dân trong bản. Cho đến bây giờ, những công trình ở Huồi Sơn đều mang dấu ấn bộ đội (nhà bộ đội, đường bộ đội, ruộng lúa bộ đội).

Sau hơn 10 năm, với sự nỗ lực của nhân dân, sự giúp sức của bộ đội Biên phòng, bản làng Huồi Sơn đang thay da đổi thịt. Cuộc sống đồng bào ở bản làng biên giới ngày một no ấm. Họ đang sát cánh cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia.

Viết Lam

Bình luận

ZALO