Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:09 GMT+7

Hứng khởi nhịp trống đôi Chăm H’roi

Biên phòng - Với người Chăm H’roi, múa trống đôi (còn gọi là Ktoang) là di sản văn hóa độc đáo. Đây là hình thức song tấu trống, kết hợp khéo léo, tài tình giữa âm nhạc và hình thể, tạo nên một không khí tràn đầy hứng khởi, cả nhạc cụ và người chơi cùng toát lên cái phóng khoáng, ngẫu hứng, độc đáo. Qua múa trống đôi, người Chăm H’roi có thể trò chuyện, tâm tình, trao gửi tâm tư, tình cảm, khát vọng và kết nối cả cộng đồng, kết nối quá khứ với tương lai…

trme_9a
Hai nghệ nhân múa trống tung hứng nhịp nhàng. Ảnh: Thanh Thuận 

Nghệ thuật múa trống bằng tay

Hứng khởi và chỉ muốn lắc lư theo nhịp trống là cảm giác khi chúng tôi xem buổi tổ chức Lễ mừng lúa mới (Quai Pthăi Brău) của đồng bào Chăm H’roi huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định, trong đó có màn múa trống đôi với dàn cồng 3 và chiêng 5 đặc sắc. Hai người múa trống vừa nhún nhảy, lắc lư, vừa dùng tay vỗ vào mặt trống tạo ra âm thanh hòa quyện với tiếng chiêng, tiếng cồng. Tiếng trống lúc trầm, lúc bổng, khi nhịp nhàng, lúc lại dồn dập, sôi nổi, gửi tới các vị thần linh lời cầu an, cầu phúc, cầu sức khỏe cho cả buôn làng. Đây là một loại hình nghệ thuật dân gian của dân tộc Chăm H’roi, thể hiện sự cầu khấn thần linh, gửi gắm lòng biết ơn và những khát vọng về cuộc sống ấm no, bình an và khỏe mạnh của người Chăm H’roi. 

Người Chăm H’roi là một nhánh của dân tộc Chăm, sống tập trung chủ yếu ở huyện Vân Canh (Bình Định) và huyện Đồng Xuân, Sơn Hòa (Phú Yên). Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nền văn hóa Chăm H’roi vẫn tồn tại, trong đó có múa trống đôi. Trống đôi là nhạc cụ có từ lâu đời của người Chăm H’roi, được làm bằng thân cây khoét rỗng, bịt da bò, hoặc da ngựa. Múa trống đôi là hình thức diễn tấu theo cặp (gồm trống đực và trống cái). Các động tác múa trống thường được mô phỏng theo dáng đi, kiểu chạy nhảy của muông thú. 

Nghệ nhân Thanh Văn Huấn ở huyện Vân Canh cho biết: “Trong những dịp lễ hội lớn của người Chăm H’roi như lễ đâm trâu, lễ cưới, lễ mừng sức khỏe... không thể thiếu màn múa trống đôi với dàn cồng 3 và chiêng 5. Trong những lễ hội quan trọng của buôn làng, trống đôi được diễn tấu suốt đêm. Từng cặp thay phiên nhau diễn tấu. Cứ thế, cặp này mệt, cặp khác thay, cuộc “đấu trống” diễn ra suốt đêm”.

Khi diễn tấu trống đôi, hai người đứng đối diện nhau, trống được đeo nằm ngang trước bụng. Người Chăm H’roi không dùng dùi trống gõ vào mặt trống mà dùng bốn đầu ngón tay, bàn tay để ve, vuốt, vỗ trên bề mặt trống, tạo ra các âm sắc và tiết tấu phức tạp. Đây là sự sáng tạo đặc biệt của người Chăm H’roi khi múa trống đôi. Trong khi chân nhún nhảy theo nhịp, hai tay người múa trống vỗ vào mặt trống liên hồi, cùng nhau tạo sự ăn ý, nhịp nhàng. Người diễn tấu vừa đeo trống nặng 5-6kg vừa phải nhảy múa liên tục, thân mình luôn di chuyển, nhảy múa liên hồi. Vì vậy, ngoài sự khéo léo, khả năng thẩm âm tốt, người diễn tấu cần phải có sức khỏe, sự dẻo dai, bền bỉ để tạo nên những âm thanh mạnh mẽ, linh hoạt.

Âm thanh hai trống hòa với nhau rất linh hoạt. Trống này ngừng, trống kia đánh, trống này chậm rãi, trống kia dồn dập. Có cảm giác như một cuộc đối thoại, người này hỏi, người kia trả lời. Tiết tấu lúc mau, lúc thưa, khi nhịp nhàng, rồi bỗng dồn dập liên hồi. Chỉ hai người với hai chiếc trống mà làm nên cả không khí sôi động của hội hè. Ngoài ra, trống đôi còn thường được đem ra thi tài giữa các trai làng với nhau như là môn thể thao nghệ thuật hay vui văn nghệ.  

Sự kết hợp đầy ngẫu hứng

Để tạo nên màn diễn tấu trống đôi sôi động, cuốn hút người xem, cặp đôi múa trống phải có kỹ năng múa trống thực thụ, thậm chí có cặp đạt đến tầm “nghệ thuật”. Bởi khi diễn tấu, người chơi trống hoàn toàn ngẫu hứng, không theo một khuôn mẫu, một trường độ, cao độ nhất định nào. Từ sự nắm vững nhịp điệu, tiết tấu, khả năng cảm nhận tinh tế để hòa âm, người chơi trống biến tấu nhịp điệu, lúc thì nhẹ nhàng như lời tâm sự, lúc hưng phấn, sôi nổi tột độ tùy theo tâm trạng hứng khởi của người múa, gợi lên trong trí nhớ người nghe sự tưởng tượng âm điệu róc rách của suối, bập bùng của lửa và mưa nguồn thác đổ của đại ngàn...

Nghệ thuật múa trống đôi còn đòi hỏi người diễn tấu phải là một cặp ăn ý, hiểu ý nhau. Bởi có hiểu ý nhau mới tung hứng cùng nhau, tạo ra những khúc biến tấu nhịp điệu trống vô cùng sinh động, uyển chuyển. Người Chăm H’roi cho rằng, đánh trống đôi là một cách trò nói chuyện sâu lắng nhất. Khi hai người song diễn luôn có một người nêu câu hỏi và buộc người cùng chơi phải đối đáp; tiếng trống thay cho lời, điệu múa nói lên cách ứng xử. 

“Khi hai người múa trống đồng điệu, thích nhau thì âm trống, điệu múa hòa quyện nghe rất "sướng tai”, còn không ưa nhau thì tiếng trống nghe đốp chát, giật cục. Do đó, hai người múa trống đôi phải là một cặp “ngang sức, ngang tài” người tung, kẻ hứng, hiểu ý nhau để tiếng trống ăn nhập, không bị lỗi nhịp. Phải biết chờ nhau, lựa nhau, tạo nên âm điệu nhịp nhàng, giữ cho cuộc chơi được trọn vẹn. Thậm chí, ngoài đời, họ còn là bạn thân của nhau” - Nghệ nhân Lê Văn Ru ở huyện Vân Canh tâm sự.

Âm thanh của tiếng trống đôi còn là sự kết nối cộng đồng, hóa giải những khúc mắc, bất hòa giữa những người dân trong buôn làng, được người Chăm H’roi gìn giữ từ xưa đến nay. Mỗi khi tiếng trống vang lên báo hiệu mùa lễ hội, báo hiệu những cuộc vui của cả cộng đồng, những tâm tình, những buồn vui và những mâu thuẫn, bất hòa cũng theo âm điệu tiếng trống mà được hóa giải...

Điệu múa trống đôi của dân tộc Chăm H’roi gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, vì vậy, để bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa này, các cấp, các ngành ở địa phương không chỉ phục hồi, truyền dạy cho các thế hệ trẻ, mà còn phải phát huy các điệu múa trống trong cộng đồng để vừa bảo tồn được nguyên giá trị, vừa tạo nên sản phẩm văn hóa, du lịch độc đáo...

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO