Biên phòng - Ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945) có ý nghĩa sâu sắc trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, sự kiện lịch sử này đã để lại nhiều bài học quý báu cho Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ngày Nam Bộ kháng chiến là sự kiện thể hiện rõ nét nhất tinh thần giàu lòng vì nước, quyết chống giặc ngoại xâm của nhân dân Nam Bộ khi “sơn hà nguy biến” để góp sức “Xây giang sơn hạnh phúc muôn đời/ Nền độc lập khắp nước Nam” (trích ca khúc “Nam Bộ kháng chiến” của nhạc sĩ Tạ Thanh Sơn, sáng tác ngày 25-9-1945, tại chiến khu Đồng Tháp). Vào ngày 23-9 cách đây 76 năm, được quân Anh giúp đỡ, 6.000 quân Pháp đánh úp trụ sở Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ và các cơ quan tự vệ thành phố Sài Gòn, mưu toan chiếm lại miền Nam nước ta trong vòng một tháng, làm bàn đạp chiếm lại cả Đông Dương. Ngay sau đó, Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã phát động quân và dân Nam Bộ mở đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược.
Ngày Nam Bộ kháng chiến đã để lại nhiều bài học quý báu. Đầu tiên, đó là bài học về sự lãnh đạo của Đảng, nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Ngay trong sáng 23-9-1945, với tinh thần nhạy bén, chủ động, kiên quyết của Xứ ủy Nam Bộ, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã được thành lập do đồng chí Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ làm Chủ tịch. Đồng chí Trần Văn Giàu sau đó đã ra thay mặt Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ kêu gọi nhân dân Nam Bộ; nhân dân thành phố Sài Gòn; anh chị em công nhân, nông dân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược.
Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ kêu gọi: “Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược... Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước. Cuộc kháng chiến bắt đầu!”[1]. Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ cũng kêu gọi “Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng” và thực hiện bao vây, cầm chân địch trong thành phố. Dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, quân và dân Nam Bộ, trước hết là quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn đã anh dũng chiến đấu với tinh thần và ý chí sôi sục.
Bài học thứ hai là về xây dựng “thế trận lòng dân”, ý chí quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc cho toàn dân - nhân tố quan trọng xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân. “Thế trận lòng dân” được xây dựng trong Ngày Nam Bộ kháng chiến thể hiện rõ nhất là tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập, tự do của nhân dân Sài Gòn và nhân dân Nam Bộ được hội tụ, kết tinh, thống nhất dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.
Đầu tháng 9-1945, Tổng chỉ huy quân đội Anh ở Nam Đông Dương Douglas Gracey đã đòi Ủy ban Hành chính lâm thời Nam Bộ giải giáp lực lượng vũ trang, cấm quần chúng xuống đường biểu tình. Nhưng ngay trong ngày 23-9-1945, Xứ ủy Nam Bộ và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ đã tổ chức 320 đội tự vệ chiến đấu, bố trí 16 khu vực tác chiến trong thành phố Sài Gòn và một số tiểu đội vũ trang tập trung tuần tra, canh gác các công sở.
Hưởng ứng lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, các tầng lớp nhân dân Sài Gòn đã bãi công, bãi khóa, bãi thị, tản cư ra khỏi thành phố, triệt phá các đường tiếp tế lương thực, thực phẩm. Khắp đường phố đều được dựng các chiến lũy bằng các vật dụng: Bàn, ghế, giường, tủ... Công sở, chợ búa, giao thông, trường học trong thành phố đều ngưng hoạt động. Công nhân các nhà máy đều nghỉ việc; nhà máy đèn, nhà máy nước và nhiều công trình khác bị phá hủy. Khu ngoại thành và các tỉnh lân cận được tổ chức những đội tự vệ chiến đấu và du kích làm nhiệm vụ giữ gìn an ninh, trật tự xã hội và bảo vệ chính quyền. Bởi vậy, ngay trong chiều 23-9-1945, quân Pháp đã bị lâm vào tình trạng khốn đốn: Không điện, không nước, thiếu vũ khí, thiếu lương thực, thực phẩm và luôn bị quân dân ta tập kích, tiêu diệt.
Đảng và Nhà nước ta cũng đã khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để chi viện cho nhân dân Nam Bộ kháng chiến. Chính phủ đã thành lập các đoàn quân Nam tiến. Quỹ Nam Bộ kháng chiến cũng ra đời. Nhân dân đã quyên góp tiền, quần áo, gạo, thuốc men động viên, cổ vũ đồng bào Nam Bộ kháng chiến. Đảng và Chính phủ ta cũng đã cử các tướng lĩnh cấp tốc vào miền Nam chỉ huy quân và dân ta chiến đấu. Vào ngày 30-9-1945, quân Pháp trong thế túng quẫn phải nhờ đại diện của quân Anh xin điều đình với Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ.
Tháng 2-1946, trong đợt tôn vinh chiến công vang dội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tặng quân và dân Nam Bộ 4 chữ “Thành đồng Tổ quốc”. Sau này, Người nhận định: “Sự đồng tâm của đồng bào đúc thành bức tường đồng xung quanh Tổ quốc”[2]. Người cũng khẳng định: “Không quân đội nào, không khí giới nào có thể đánh ngã được tinh thần hy sinh của toàn thể một dân tộc”[3].
Nguyễn Văn Toàn
[1] Viện Khoa học xã hội thành phố Hồ Chí Minh, “Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh thế kỷ XX”, Nhà xuất bản Trẻ, thành phố Hồ Chí Minh, 2000, tr.74.
[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.151.
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.89.