Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ ba, 03/10/2023 07:15 GMT+7

Hợp tác quốc tế trong phòng, chống tội phạm mua bán người xuyên quốc gia

Biên phòng - Những năm gần đây, tình hình tội phạm mua bán người (MBN) diễn biến rất phức tạp và tinh vi, xảo quyệt; các đối tượng phạm tội trong nước và ngoài nước cấu kết với nhau rất chặt chẽ, gây khó khăn cho công tác điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.

1h4
Đồn BPCK Trà Lĩnh, BĐBP Cao Bằng giải cứu 11 công dân Indonesia bị bán sang Trung Quốc. Ảnh: Trần Đức

Thủ đoạn mua bán người ngày càng tinh vi, phức tạp

Những năm qua, tội phạm MBN trên các tuyến biên giới diễn biến phức tạp, có chiều hướng gia tăng. Nạn nhân từ khắp các địa phương trong cả nước (tập trung các tỉnh Tây Nam bộ và các tỉnh Tây Bắc, Bắc miền Trung) chủ yếu bị bán sang Trung Quốc, khoảng 25% nạn nhân bị bán sang Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia. Địa bàn trung chuyển là các tỉnh tuyến biên giới Việt - Trung, trọng tâm là các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Lào Cai.

Thủ đoạn quen thuộc của bọn tội phạm là lợi dụng hoàn cảnh kinh tế khó khăn, trình độ nhận thức hạn chế của nạn nhân để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân bán qua biên giới. Nạn nhân bị bán ra nước ngoài chủ yếu vì mục đích bóc lột tình dục, hôn nhân trái pháp luật, bóc lột sức lao động...

Theo điều tra, đối tượng phạm tội chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự về MBN, cấu kết với các đối tượng ở vùng sâu, vùng xa, biên giới tạo thành đường dây khép kín để lôi kéo, lừa gạt đưa nạn nhân ra nước ngoài bán. Đối tượng phạm tội là người nước ngoài ngày càng gia tăng. Lợi dụng chính sách mở cửa của Việt Nam, các đối tượng vào thăm thân, du lịch, liên kết làm ăn kinh tế để lừa phụ nữ, trẻ em dưới dạng đưa đi làm việc ở nước ngoài, cho nhận con nuôi, kết hôn rồi đưa ra nước ngoài bán. Nhiều người đã từng là nạn nhân bị bán sang Trung Quốc làm gái mại dâm hoặc lấy chồng bất hợp pháp, sau đó quay về Việt Nam thăm thân lại cấu kết với các đối tượng khác để lừa các nạn nhân bán sang Trung Quốc (kể cả người thân trong gia đình).

Bên cạnh đó, tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc cũng diễn biến phức tạp ở các tỉnh biên giới phía Bắc như Hà Giang, Lào Cai... Đặc biệt, thời gian gần đây, phát hiện một số phụ nữ dân tộc Mông ở Điện Biên sang Trung Quốc lấy chồng trở về móc nối với số đối tượng là người dân tộc Mông Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hóa lợi dụng quan hệ thân tộc vượt biên sang Hủa Phăn, Phong Sa Lỳ... (Lào) để lừa phụ nữ Mông (Lào) đưa sang Trung Quốc bán vào các động mại dâm hoặc hôn nhân trái phép. Một số đối tượng xấu giả danh là Công an, Biên phòng trên mạng Zalo, Facebook để kết bạn làm quen phụ nữ, hứa hẹn yêu thương, sau đó lừa bán sang Trung Quốc... Điển hình, tháng 2-2017, thông qua mạng Zalo, đối tượng người Trung Quốc có tên Liu đã làm quen và hứa hẹn yêu đương với Mùa Thị Thanh (sinh năm 1988) trú tại Sông Mã, Sơn La. Sau đó, Liu đã thuê người đưa dẫn Thanh vượt biên trái phép qua biên giới tỉnh Lào Cai sang Trung Quốc. Tại đây, Thanh bị đối tượng Liu ép bán cho một người Trung Quốc làm vợ. Lợi dụng lúc chúng sơ hở, Thanh đã chạy trốn và được Công an Trung Quốc trao trả về Việt Nam.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế

Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phòng, chống MBN giai đoạn 2016 - 2020, trong những năm qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã ký Biên bản hợp tác phòng, chống tội phạm, chú trọng hợp tác quốc tế phòng, chống MBN xuyên quốc gia với 3 nước Trung Quốc, Lào, Campuchia. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị BĐBP trong toàn lực lượng phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước và các nước tiếp giáp tổ chức giao ban định kỳ và đột xuất theo quy định để thống nhất đánh giá tình hình, kết quả thực hiện các nội dung được ghi trong Quy chế phối hợp, Biên bản ghi nhớ.

Đến nay, công tác phối hợp giữa BĐBP với các lực lượng chức năng đã được triển khai toàn diện với các nội dung như trao đổi thông tin tình hình, phối hợp thực hiện công tác nghiệp vụ, trong đó, chú trọng công tác vận động quần chúng tham gia phòng, chống tội phạm MBN; phối hợp tiến hành các kế hoạch nghiệp vụ; chủ động xác lập các chuyên án, vụ án đấu tranh; phối hợp xác minh, truy bắt các đối tượng phạm tội lẩn trốn tại địa bàn biên giới.

Kết quả, từ năm 2016 đến nay, BĐBP đã chủ động xác lập đấu tranh thành công 27 chuyên án; bắt giữ, xử lý 167 vụ với 125 đối tượng, trong đó, khởi tố và bàn giao cho Cơ quan Cảnh sát điều tra các tỉnh 53 vụ với 81 đối tượng; tổng số 430 nạn nhân, trong đó, giải cứu 206 nạn nhân, tiếp nhận 110 nạn nhân, tự trở về 114 nạn nhân. Hằng năm, công tác phối hợp và hợp tác quốc tế giữa lực lượng BĐBP Việt Nam với lực lượng đấu tranh phòng, chống MBN 3 nước tiếp giáp trên 10 chuyên án, vụ án MBN. Các đơn vị BĐBP đã tổ chức hội đàm 231 lần; quan hệ gián tiếp, trao đổi, thông báo tình hình 538 lần với 616 thư.

Bên cạnh việc phối hợp với các lực lượng trong nước và hợp tác với lực lượng chức năng của các nước có chung đường biên giới, Bộ Tư lệnh BĐBP còn hợp tác chặt chẽ với Cơ quan Biên phòng Liên bang Nga, Cơ quan Biên phòng Australia trong tập huấn nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát biên giới; xây dựng, quản lý dữ liệu xuất nhập cảnh qua các cửa khẩu. Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP phối hợp với các tổ chức Liên hợp quốc, tổ chức phi Chính phủ như: UNODC, UNICEF, UNIAP, WV, IOM... trong khuôn khổ kế hoạch hợp tác quốc tế trong phòng, chống ma túy, phòng chống MBN của Ban chỉ đạo 138/CP. Qua đó, nâng cao trình độ về luật pháp quốc tế, nghiệp vụ chuyên sâu về kiểm soát MBN và năng lực đấu tranh phòng, chống tội phạm được nâng lên, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống MBN trên các tuyến biên giới.

Trần Đức

Bình luận

ZALO