Biên phòng - Quảng Trị hiện có hơn 600 di tích, cụm di tích lịch sử cách mạng. Đây cũng là vùng đất giàu lịch sử, văn hóa với rất nhiều lễ hội. Ngoài ra, Quảng Trị cũng được thiên nhiên ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh hoang sơ, nhiều bãi biển đẹp. Một lợi thế khác nữa là Quảng Trị nằm trên các trục đường giao thông huyết mạch của quốc gia và kết nối với Hành lang kinh tế Đông - Tây chạy qua Lào - Thái Lan - Myanmar và Campuchia. Khai thác tiềm năng du lịch sẵn có, tỉnh Quảng Trị đang đẩy mạnh liên kết với các địa phương trong vùng và các tỉnh giáp biên giới Việt - Lào để phát triển du lịch xuyên biên giới.

Khai phá tiềm năng du lịch
Quảng Trị nằm ở điểm giữa của nước ta, phía Tây giáp 2 tỉnh Savannakhet và Salavan (nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào) và ở điểm đầu phía Việt Nam trên tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây (kết nối với Lào - Thái Lan - Myanmar qua cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và kết nối với Lào - Thái Lan - Campuchia qua cửa khẩu quốc tế La Lay). Nhờ có vị thế địa chính trị - kinh tế đặc biệt này, Quảng Trị có nhiều thuận lợi trong mở rộng hợp tác kinh tế, phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch với các địa phương trong nước và các nước trong khu vực.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Trị cho biết, tận dụng ưu thế sẵn có và mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Lào, tỉnh Quảng Trị đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác toàn diện với 2 tỉnh Savannakhet, Salavan. Đồng thời thường xuyên duy trì các hoạt động giao lưu hữu nghị với các địa phương khác của Lào như Champasak, Sekong, Bolykhamxay…
Trên lĩnh vực du lịch, Quảng Trị cùng với tỉnh Savannakhet đã có nhiều hoạt động liên kết hợp tác, phát triển du lịch, nhất là du lịch biên mậu khu vực cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavan. Cụ thể, hai bên đã kết nối đưa vào khai thác tour du lịch Bảo tàng Bản Đông, Đường Hồ Chí Minh (phía Lào), sân bay Tà Cơn, Nhà tù Lao Bảo (phía Việt Nam). Đặc biệt, Quảng Trị cùng với tỉnh Savannakhet và Mukdahan (Thái Lan) tổ chức nhiều tour du lịch Caravan hấp dẫn khám phá tuyến Hành lang kinh tế Đông - Tây. Đến nay, 3 địa phương Quảng Trị - Savannakhet - Mukdahan đã luân phiên tổ chức được 14 kỳ hội nghị hợp tác thương mại, đầu tư, du lịch, lao động và truyền thông, phạm vi hợp tác mở rộng ra 11 tỉnh của Thái Lan, 7 tỉnh miền Trung Lào và 7 tỉnh miền Trung Việt Nam.
Triển khai các nội dung hợp tác, Quảng Trị cùng với Savannakhet và các địa phương trên Hành lang kinh tế Đông - Tây đã tổ chức nhiều hội thảo, hội chợ triển lãm quốc tế, các chương trình khảo sát điểm đến, phối hợp cùng nhau phát triển du lịch. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cũng đã chỉ đạo các đơn vị lữ hành nghiên cứu tổ chức các tour du lịch khai thác các điểm du lịch giữa Quảng Trị và Salavan (đây là địa phương xuất cà phê lớn nhất của Lào; có lễ hội Lapup, làng nghề dệt lụa nổi tiếng Katang, huyện Toumlane, có thác Tatlo tuyệt đẹp).
Năm 2019, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị đã tổ chức khảo sát tour du lịch qua cửa khẩu quốc tế La Lay nối với tỉnh Salavan, Champasak (Lào) và Ubon Ratchathani, Nakhon Phanom, Mukdahan (Thái Lan) để kết nối với các tỉnh bạn đưa nguồn khách đến Quảng Trị và đưa khách du lịch từ Quảng Trị đến các tỉnh của Lào - Thái Lan nhằm tạo ra một trục du lịch song song với Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Tăng cường hợp tác và đầu tư để bứt phá
Tuy vậy, so với tiềm năng và lợi thế hoạt động hợp tác trên lĩnh vực du lịch giữa Quảng Trị và hai tỉnh Salavan, Savannakhet vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng và mong muốn của hai bên. Hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch nhìn chung quy mô còn nhỏ, trang thiết bị chất lượng chưa cao; các dịch vụ bổ trợ, vui chơi giải trí còn thiếu và đơn điệu, chưa đáp ứng được hết các nhu cầu của khách du lịch.
Hai cặp cửa khẩu quốc tế La Lay và Lao Bảo - Densavan là những cửa khẩu quan trọng nhất của Việt Nam, đóng vai trò tiêu thụ hàng hóa chủ yếu của các doanh nghiệp sản xuất cũng như là nơi mua sắm chủ yếu của người dân tại biên giới hai nước Việt - Lào, nhưng vẫn còn nhiều bất cập, hiệu quả đạt được chưa cao. Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị, hiện, việc đưa du khách qua tham quan khu vực biên giới còn thiếu linh hoạt (theo quy định phải có hộ chiếu) phần nào hạn chế các đơn vị lữ hành đưa vào khai thác phát triển tour du lịch này. Thêm vào đó, dịch bệnh Covid-19 làm gián đoạn nhiều hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Trị và hai tỉnh Salavan, Savannakhet.
Để khai thác, phát huy tiềm năng du lịch vùng biên giới Việt - Lào, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh hợp tác xúc tiến, quảng bá du lịch, các ngành chức năng mỗi bên nghiên cứu cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các rào cản, tăng cường đầu tư trang thiết bị, nâng cao chất lượng các dịch vụ phục vụ nhằm tạo thuận lợi cho du lịch, thương mại, đầu tư và giao thương qua biên giới.
Cơ quan này cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào sớm triển khai việc xây dựng Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới Lao Bảo - Densavan và nâng cấp cơ sở hạ tầng cửa khẩu quốc tế La Lay để tạo động lực phát triển kinh tế nói chung và du lịch nói riêng ở khu vực biên giới Quảng Trị và hai tỉnh Salavan, Savannakhet.
Để kích cầu, tạo điều kiện thuận lợi khai thác phát triển du lịch khu vực biên giới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Trị đề xuất cho phép khách du lịch qua tham quan khu vực biên giới bằng Giấy thông hành thay vì hộ chiếu như hiện nay. Thực tế, tiềm năng hợp tác với các tỉnh Trung, Nam Lào và Quảng Trị để phát triển du lịch đường bộ là rất lớn, cần có chính sách cụ thể để khuyến khích doanh nghiệp phát triển loại hình du lịch đường bộ, Caravan, nghỉ dưỡng biển.
Bên cạnh đó, tỉnh Quảng Trị cũng sẽ tăng cường liên kết, hợp tác, phối hợp với tỉnh Salavan thực hiện khảo sát, phối hợp với tỉnh Quảng Trị nghiên cứu mở các tour du lịch qua cửa khẩu quốc tế La Lay nhằm tạo thành một trục hành lang du lịch song song với du lịch Hành lang kinh tế Đông - Tây; đồng thời kết nối du lịch khu vực Nam Lào, Đông Bắc Thái Lan với khu vực Bắc Trung Bộ, duyên hải miền Trung Việt Nam.
Bích Nguyên