Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 11:15 GMT+7

Hợp lực vươn khơi làm giàu, giữ biển

Biên phòng - Tàu thuyền liên kết làm ăn theo hình thức tổ, nhóm trên ngư trường là lối hoạt động khá phổ biến của ngư dân các tỉnh Nam Trung Bộ trong thời gian gần đây. Mô hình này không chỉ giúp ngư dân tự tin bám biển, mang về những khoang thuyền đầy cá, mà còn phát huy hiệu quả trong công cuộc bảo vệ an ninh trật tự và gìn giữ chủ quyền vùng biển đảo của đất nước.

p1ik_16b-1.JPG
Những con tàu của ngư dân đàn 19 (tổ trật tự an toàn Phú Lạc) luôn sát cánh bên nhau trên ngư trường, cùng làm giàu và giữ chủ quyền biển đảo.
"Cánh tay" giữ biển

Tổ tàu thuyền Sinh Tồn thuộc ngư đội Trường Sa, Khánh Hòa được thành lập năm 2012, có 6 tàu đánh bắt cá ngừ đại dương xa bờ, công suất từ 340 đến 500CV, hoạt động trên ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa. Giữa năm 2013, khi đang thả câu tại khu vực quần đảo Trường Sa, tàu KH 96615 do ông Lê Văn Huy làm Thuyền trưởng đã bị một số tàu cá nước ngoài đến uy hiếp, lấn ngư trường. Trong lúc bị ép, đuổi, ông Huy lên máy đàm báo tin về cho cán bộ, chiến sỹ Trạm BPCK cảng Cầu Đá, đồng thời gọi 6 phương tiện trong tổ Sinh Tồn của mình đến hỗ trợ. Qua đàm thoại trao đổi với BĐBP, Thuyền trưởng Huy xác định tọa độ vùng biển phương tiện ông đang hoạt động thuộc chủ quyền Việt Nam. Vậy là ông Huy nhất quyết "bám" ngư trường chứ không gỡ câu. Một lúc sau, nhiều tàu cá treo cờ Việt Nam từ các hướng xuất hiện, tiến về ngư trường này. Thấy đội tàu quá hùng hậu đến yểm trợ cho phương tiện ông Huy, các tàu cá nước ngoài đã lảng ra dần, rồi nổ máy rời khu vực.

 Ông Huy cho biết, tổ Sinh Tồn là một trong 6 tổ đánh bắt thuộc ngư đội Trường Sa được Hội Nghề cá Khánh Hòa phối hợp với các ngành chức năng tỉnh thành lập hồi tháng 2-2012. Với phương thức ngư dân liên kết hỗ trợ nhau làm ăn trên biển, hai năm qua, anh em trong tổ Sinh Tồn và các tổ trong ngư đội Trường Sa đã kiên trì bám biển làm ăn, thu nhập mỗi ngày một khá. "Có lúc bị tàu lớn của các nước uy hiếp, nhưng nhờ liên kết, biết bên cạnh mình luôn có đồng đội, ngư dân chúng tôi đã yên tâm bám biển đánh bắt chứ không phải bỏ chạy khỏi ngư trường như trước" - Ông Huy khẳng định.

"Tổ Đoàn Kết của làng biển Ca Công (xã Hoài Nhơn, huyện Hoài Hương, tỉnh Bình Định) có 35 tàu thuyền với gần 300 ngư dân tham gia hoạt động nghề lưới mành ven bờ. Mô hình tổ Đoàn Kết không chỉ là điểm tựa để bà con chúng tôi vươn lên làm ăn, phát triển, mà còn thúc đẩy ý thức đấu tranh bảo vệ ngư trường" - Tổ trưởng Cao Văn Nghiệp bộc bạch. Theo ông Nghiệp, ngày trước, thấy ghe đánh cá bằng thuốc nổ vào địa bàn, ngư dân thường làm ngơ chứ ít mạnh dạn đấu tranh. Từ khi có tổ Đoàn Kết, ngư dân đã sát cánh cùng nhau bảo vệ ngư trường và hỗ trợ BĐBP truy quét các đối tượng vi phạm pháp luật. Ông Cao Văn Nghiệp kể, một lần đang thả lưới trên biển, anh em trong tổ nghi một phương tiện có dấu hiệu sử dụng thuốc nổ đã báo cho ông biết. Đang trong bờ, Tổ trưởng Cao Văn Nghiệp đã điện ngay về đồn rồi cùng đồng đội dùng thuyền cải trang, chở anh em Đồn BP Tam Quan Nam ra tận hiện trường để mật phục. Các đối tượng vừa quăng quả thuốc nổ xuống biển cũng là lúc tàu chở cán bộ, chiến sĩ BĐBP bất ngờ ập đến, vây bắt quả tang. "Nhờ sự liên kết mà ngư dân mạnh mẽ hơn trong cuộc đấu tranh bảo vệ biển. Từ ngày đó đến giờ, ngư trường nơi đây không còn tiếng thuốc nổ. Biển bình yên, cá tụ về nhiều hơn, bà con Ca Công làm ăn ngày một khấm khá nên càng đoàn kết, gắn bó với nhau và yêu quý BĐBP" - Ông Nghiệp thổ lộ.

Hùng mạnh giữa khơi xa

Bước vào mùa biển năm nay, những ngư dân đàn 19 (thôn Phú Lạc, xã Hòa Hiệp Nam, huyện Đông Hòa) đã mở biển với niềm phấn khởi bởi có thêm hai chiếc tàu 700CV và 500CV của anh Huỳnh Tấn Anh và Nguyễn Văn Bế vừa mới hạ thủy gia nhập "đàn" của mình. Như vậy, với 15 phương tiện, tổng công suất gần 7.000CV, trên mỗi phương tiện được trang bị đầy đủ 9 loại máy móc hiện đại của nghề cá, đội tàu đàn 19 đã là một trong những ngư đội hùng hậu, dũng mãnh nhất của nghề lưới vây vùng biển Nam Trung Bộ. Tổ trưởng Huỳnh Tấn Anh "giải mã" tên đàn: Khởi phát là một tổ trật tự an toàn do Đồn BP Hòa Hiệp Nam vận động thành lập từ năm 2004. Khi ra biển, các phương tiện trong tổ luôn gọi nhau qua tần số 19, lâu dần mọi người gọi tắt tổ này là "đàn 19". Hàng chục năm qua, đàn 19 tổ chức sản xuất theo sự liên kết, phân công 10 chiếc đánh bắt, 5 chiếc làm công tác hậu cần, chuyên chở dầu, nước và buôn bán cá. Khi xuất bến, các tàu tỏa ra các hướng, tìm ngư trường. Tìm thấy luồng cá, anh em lên máy đàm, gọi nhau đến đánh bắt. Cách làm này đã giảm được khoản chi phí tiền dầu rất lớn cho các tàu khi chạy tìm luồng cá. Thu nhập từ những chuyến đánh bắt tăng lên rất lớn. Khi có tàu thuyền bị hư máy, phá nước, anh em gọi điện báo cho anh em trong tổ khắc phục hay cắt cử tàu lai dắt phương tiện bị nạn về bờ sửa chữa. Sau một thời gian xây dựng phương cách làm ăn liên kết này, ba, bốn năm gần đây, cả 15 phương tiện hành nghề lưới rút của đàn 19 luôn thắng lớn trong những chuyến biển với thu nhập một năm cho chiếc đạt cao nhất gần 4 tỉ đồng, chiếc thấp cũng trên 1 tỉ đồng. "Sẽ không có được kết quả ngày hôm nay nếu anh em chúng tôi không liên kết, đồng lòng cùng hỗ trợ nhau làm ăn trên biển" - Tổ trưởng Huỳnh Tấn Anh khẳng định.

Khi làm ăn thắng lợi, anh em động viên, giúp nhau về vốn để nâng máy tàu, đóng tàu to, mở rộng giàn lưới cụ để vươn ra ngư trường xa nên đánh bắt được nhiều cá hơn. "Bây giờ cả 15 tàu, chiếc yếu nhất cũng có công suất trên 300CV. Tàu nào cũng có máy dò cá, máy định vị, máy báo bão và cả laptop để hỗ trợ tìm hiểu thông tin thị trường... Với cách làm ăn này, chúng tôi đã tự tin hơn trong công cuộc chinh phục biển khơi, làm giàu cho mình và tham gia giữ chủ quyền Tổ quốc giữa Biển Đông" - Ngư dân Nguyễn Văn Bế tự tin bày tỏ.

Theo ông Võ Thiên Lăng, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam, Chủ tịch Hội Nghề cá Khánh Hòa, với nhiều nỗ lực vận động của lực lượng BĐBP và các ngành chức năng, đến nay, 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đã thành lập được khoảng 350 nhóm, tổ tàu thuyền, có hơn 4.000 phương tiện và hàng chục ngàn ngư dân tham gia các tổ liên kết làm ăn trên biển. Ngư dân tham gia vào mô hình là những quần chúng ưu tú, chấp hành tốt các quy định, quy chế hành nghề trên biển, đồng thời tương trợ nhau làm ăn khá hiệu quả và góp phần tích cực vào việc bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền vùng biển.
"Trên tuyến biển, hễ nơi nào có ngư dân hoạt động, thì nơi đó công tác bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc luôn thuận lợi. Với ngư trường gần 1 triệu km2, lượng tàu thuyền trên 130.000 chiếc và khoảng 4 triệu lao động nghề cá, ngư dân chính là lực lượng hùng hậu trong việc thực hiện mục tiêu: Gắn khai thác, chế biến thủy sản với sự nghiệp bảo vệ an ninh - quốc phòng. Mô hình liên kết theo tổ, nhóm tàu thuyền làm ăn thực sự có ý nghĩa trong việc giúp ngư dân vững tin, mạnh dạn vươn khơi, bám biển làm ăn và tham gia bảo vệ an ninh trật tự, chủ quyền biển đảo. Chúng tôi xem việc giúp đỡ ngư dân, xây dựng những nhóm, tổ ngư dân làm ăn cũng là nhiệm vụ mà cán bộ, chiến sỹ BĐBP nhất định phải quan tâm" - Đại tá Nguyễn Trọng Huyền, Chỉ huy trưởng BĐBP Phú Yên khẳng định.
Phương Oanh

Bình luận

ZALO