Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 25/03/2023 05:30 GMT+7

Hơn 32.000 phương tiện được hướng dẫn tránh trú bão số 6 an toàn

Biên phòng - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, vào chiều tối nay, 16-9, bão số 6 (tên gọi quốc tế là Mangkhut) sẽ đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc sau đó suy yếu nhanh. Do ảnh hưởng hoàn lưu phía Nam của bão Mangkhut, khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa to, nhiều địa phương có khả năng xảy ra lũ quét, sạt lở đất.

jyegk1df3s-4647_f_jm4azyyc1_quang_ninh_cam_ket_di_do
Người dân Quảng Ninh ký cam kết di chuyển phương tiện vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Báo Quảng Ninh

25.899 phương tiện đã vào nơi tránh trú an toàn

Theo báo cáo của Cơ quan thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai- tìm kiếm cứu hộ Bộ Tư lệnh BĐBP các tỉnh, thành ven biển từ Quảng Ninh tới Hà Tĩnh đã phối hợp với địa phương, gia đình chủ tàu, thuyền trưởng thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 32.101 phương tiện/109.709 người và 11.951 lồng bè, lều chòi nuôi trồng thủy sản biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động di chuyển, vòng tránh thoát khỏi khu vực nguy hiểm.

Cụ thể, đến sáng 16-9, có 25.899 tàu/87.268 lao động đã neo đậu tại các bến. 5.582 tàu/22.441 lao động hoạt động ở khu vực biển khác. Không có phương tiện nào nằm trong khu vực nguy hiểm.

Ngoài ra, có 1.151 lồng, bè, lều, chòi canh nuôi trồng thủy sản/1.354 người đã nắm được thông tin và có kế hoạch di dời vào nơi an toàn.

BĐBP các tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác xuống địa bàn kiểm tra công tác phòng chống bão đồng thời duy trì nghiêm kíp trực 24/24, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng cứu khi có sự cố.

Đề phòng mưa to, lũ có khả năng lên từ 2-5m

Hồi 4 giờ sáng nay, 16-9, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,2 độ Vĩ Bắc; 116,2 độ Kinh Đông, trên khu vực Đông Bắc Biển Đông, cách Ma Cao (Trung Quốc) khoảng 400km về phía Đông Đông Nam.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 25-30km, từ khoảng chiều tối nay (16-9) bão số 6 sẽ đi vào đất liền phía Nam tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) và suy yếu nhanh. Đến 4 giờ ngày 17-9, vị trí tâm bão ở khoảng 22,4 độ Vĩ Bắc; 109,8 độ Kinh Đông, trên đất liền phía Nam các tỉnh Quảng Đông-Quảng Tây (Trung Quốc). Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (80km/giờ), giật cấp 11.

Do ảnh hưởng của bão, ở vùng biển Bắc Biển Đông trong ngày hôm nay còn có mưa bão, gió mạnh cấp 11-12, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 13-14, giật cấp 16; biển động dữ dội.

Từ tối nay 16-9, ở vùng biển Đông Bắc Vịnh Bắc Bộ có mưa bão, gió mạnh dần lên cấp 6-7, đêm tăng lên cấp 8, giật cấp 10; sóng biển cao từ 3-4m.

Vùng nguy hiểm trên Biển Đông trong 24 giờ tới (vùng gió mạnh cấp 6 trở lên): phía Bắc vĩ tuyến 17,0 độ Vĩ Bắc; phía Đông kinh tuyến 110,0 độ Kinh Đông.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu phía Nam bão số 6, từ sáng sớm ngày 17-9 đến ngày 18-9 ở khu vực Đông Bắc có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Lạng Sơn, Cao Bằng 150-200mm. Các khu vực khác thuộc Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa.
Trên thượng lưu hệ thống sông Hồng-Thái Bình sẽ xuất hiện 1 đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2-5m.

Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh miền núi Bắc Bộ và Thanh Hóa, đặc biệt là các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu; Ngập úng tại vùng trũng, vùng thấp và các đô thị thuộc các tỉnh: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Giang.

Không còn khách du lịch trên đảo Cô Tô

Tính đến 16 giờ ngày 15-9, các lực lượng chức năng huyện Cô Tô đã kêu gọi 434 tàu thuyền, bè, mảng vào nơi neo đậu, còn 31 phương tiện khách đang di chuyển vào các vị trí neo đậu. Huyện Cô Tô yêu cầu các chủ phương tiện ký cam kết di chuyển vào nơi tránh trú để đảm bảo an toàn về tính mạng và tài sản.

Lực lượng chức năng huyện Cô Tô cũng đã vận động 59 du khách trở về đất liền (trong đó 45 khách lưu trú từ ngày 14-9 và 14 khách ra sáng ngày 15-9). Hiện tại không còn khách lưu trú trên đảo.

Nhằm giảm thiểu thiệt hại do bão số 6, trong ngày 15-9, huyện Cô Tô đã tổ chức kiểm tra, rà soát các hồ đập, đê kè, đồng thời lập phương án di dân, sơ tán dân đến nhà văn hóa, các trường học nếu cần thiết.

Móng Cái lên phương án di dời hơn 2.500 người dân

Ứng phó với bão số 6, Móng cái đã kêu gọi, hướng dẫn 1.295 tàu thuyền khai thác thủy sản; 400 chiếc đò trên sông biên giới; 358 lồng bè, 23 chòi nuôi trồng thủy sản di chuyển về nơi an toàn.

Với mục tiêu tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản, TP Móng Cái đã rà soát, lên phương án sẵn sàng di dời 2.572 người dân khi bão đến. Các công trình xung yếu có nguy cơ cao bị ảnh hưởng đã được kiểm tra gia cố đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN thành phố đã phân công lịch trực bão 24/24h. Các lực lượng thường trực PCTT&TKCN thành phố đã chuẩn bị sẵn sàng theo phương châm “4 tại chỗ”.

Riêng hai xã đảo Vĩnh Thực, Vĩnh Trung, TP Móng Cái đã phân công tiểu ban đảm bảo an toàn trên đảo, duy trì lực lượng tại chỗ để sẵn sàng các phương án xử lý tình huống. Thành phố Móng Cái cũng đã lên phương án cụ thể để bảo vệ cầu phao Thành Đạt và các công trình phía hạ lưu sông Ka Long.

UBND thành phố đã chỉ đạo Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông và các xã, phường có hồ chứa bố trí người trực 24/24h, tiến hành xả nước đệm để đảm bảo an toàn hồ chứa và an toàn tài sản, tính mạng cho nhân dân vùng hạ du.

Hải phòng thành lập 6 đoàn kiểm tra, chỉ đạo chống bão số 6

Không chủ quan với bão số 6, TP Hải Phòng đã thành lập 6 đoàn kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão số 6 và ban hành công văn số 734-CV/TU về việc tăng cường chỉ đạo chủ động phòng chống cơn bão MangKhut.  

Để chủ động phòng chống bão hiệu quả, Thường trực Thành ủy Hải Phòng yêu cầu các đồng chỉ Ủy viên Ban Thường vụ phụ trách các địa bàn thường xuyên bám sát cơ sở, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo để bảo đảm việc phòng, chống bão được chủ động, hiệu quả.

UBND thành phố tiển khai công tác phòng chống bão theo chỉ đạo của Trung ương. Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố thường trực theo dõi chặt chẽ tình hình bão, mưa, lũ; chỉ đạo đôn đốc các sở, ngành, địa phương triển khai hiệu quả các biện pháp ứng phó; kịp thời báo cáo, đề xuất chỉ đạo xử lý các tình huống cấp bách.

Cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, giúp nhân dân nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động ứng phó với diễn biễn bão. Lực lượng vũ trang thành phố chủ động phương án bảo đảm an ninh trật tự, chủ động phối hợp với các địa phương làm tốt công tác phòng chống bão, cứu hộ, cứu nạn.

Các quận, huyện theo dõi diễn biến bão, thực hiện nghiêm chỉ đạo của Trung ương và thành phố, phối hợp thường xuyên, chặt chẽ với các đơn vị có liên quan chỉ đạo công tác phòng chống bão theo phương châm “4 tại chỗ”.

Chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất cho công tác phòng chống bão và có phương án sơ tán dân nếu cần thiết, bảo đản an toàn về người và tài sản của nhân dân và khách du lịch…

 Nhóm PV

Bình luận

ZALO