Biên phòng - Sáng 11-11, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai tổ chức họp thông tin về cơn bão số 6 và mưa lũ sau bão. Ông Nguyễn Đức Quang, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai, Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì cuộc họp.

Tại cuộc họp, theo Đại tá Trần Văn Đình, Trưởng phòng Cứu hộ-cứu nạn, Bộ Tham mưu BĐBP, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên triển khai phương án ứng phó với bão số 6 và mưa lũ, sạt lở, ngập lụt trước, trong và sau bão. Đồng thời, duy trì thông tin liên lạc, thông báo kêu gọi tàu thuyền tránh trú, thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm, không cho người ở lại tàu thuyền, lồng bè, chòi canh, nuôi trồng thủy sản và giúp dân sơ tán ra khỏi vùng trũng thấp, nơi cửa sông ven biển đến nơi an toàn.
BĐBP các tỉnh, thành phố từ Thừa Thiên Huế đến Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức duy trì trực 6.231 cán bộ, chiến sỹ/291 phương tiện thường trực sẵn sàng tham gia xử lý các tình huống khi có yêu cầu.
Tính đến 12 giờ ngày 10-11, các đơn vị BĐBP đã phối hợp cùng địa phương sắp xếp neo đậu tàu thuyền an toàn và vận động, cưỡng chế người trên các lồng, bè chòi canh lên bờ an toàn. Song, do tài sản lớn, có 7 người đã trốn ra lồng bè trông coi tài sản.
Trực tiếp tham gia công tác ứng phó với bão số 6, các đơn vị BĐBP đã cử 1.118 lượt cán bộ, chiến sỹ/29 phương tiện các loại phối hợp với địa phương, lực lượng chức năng giúp dân ứng phó bão số 6, vận động di dời 2.050 hộ/7.143 khẩu có nguy cơ bị ngập lụt, sạt lở đến nơi trú tránh an toàn; chằng néo 752 phương tiện và 296 nhà dân, 5 trường học; đưa 275 thuyền máy, thúng máy lên bờ; đưa 356 hộ/1.235 khẩu vào trú tránh tại các đồn, trạm Biên phòng.

Cũng tại cuộc họp, ông Nguyễn Đức Quang cho biết, theo đánh giá sơ bộ ban đầu thiệt hại do bão số 6 gây ra không lớn. Thời gian tới, Phó Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đề nghị các lực lượng và các địa phương tiếp tục kiểm tra, đánh giá thiệt hại do bão gây ra; khẩn trương khôi phục hệ thống điện bị sự cố ở Phú Yên và vệ sinh môi trường sau bão.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, ngập sâu để chủ động sơ tán người dân và thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn; theo dõi sát diễn biến mưa lũ, tổ chức vận hành các hồ chứa theo đúng quy trình, đảm bảo an toàn công trình và hạ du cũng như đảm bảo nguồn nước phát điện, phục vụ sản xuất.
Bên cạnh đó, các địa phương căn cứ tình hình thực tiễn cho người dân ra biển và đưa người dân từ nơi sơ tán trở về.
Thùy Trang