Biên phòng - Trần Văn Trí (tức Khăm Sình) sinh năm 1934, quê xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An, là trinh sát ngoại biên của Công an nhân dân vũ trang Nghệ An được cử sang Lào giúp bạn tiễu phỉ và xây dựng cơ sở cách mạng. Hơn 10 năm (1960-1973), anh đã nhiều lần vào tận hang ổ phỉ vận động chúng ra hàng và cùng với đồng đội và lực lượng vũ trang Pha-thét Lào chiến đấu dũng cảm, giải phóng 2 xã Sảm Chè và Long Mô, huyện Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng (Lào) khỏi sự kìm kẹp của kẻ thù. Ngày 3-9-1973, Trần Văn Trí được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, khi đó anh mang quân hàm Trung úy.

Tháng 10-1960, Trần Văn Trí (tên gọi khác Trần Văn Trung) được cấp trên giao nhiệm vụ sang Lào giúp bạn củng cố và đẩy mạnh phong trào cách mạng tại vùng Mường Mộc, tỉnh Xiêng Khoảng. Đây là vùng địch tạm chiếm, sát biên giới Việt-Lào, có 2 đồn phỉ ở bản Mô (Đầu Rồng) và Na Khôn. Mỗi đồn có khoảng hơn 100 tên phỉ, chúng hầu hết là người dân tộc Mông, sống ở những bản lân cận đồn.
Những ngày đầu mới sang nước Bạn, tiếng Lào chưa thạo, cơ sở chưa có, phong tục tập quán chưa quen, Trí phải ăn ngủ ngoài rừng, nhiều hôm nhịn đói. Qua nhiều ngày đêm chịu đựng gian khổ, ngày ở ngoài rừng, đêm Trí tìm đến một số gia đình tốt để nắm tình hình và tuyên truyền giác ngộ quần chúng. Dần dần, nhân dân địa phương hiểu và tin yêu Trí, che chở cho anh và đồng đội. Bà con trìu mến gọi anh bằng cái tên: Khăm Sình (tiếng Lào có nghĩa là đẹp như vậy). Trí đi đến đâu, ở đâu cũng được đồng bào mến phục, coi như con em ruột thịt trong gia đình.
Khi đã nắm vững được tình hình địch và được nhân dân yêu mến, Trí bàn với Bạn vạch kế hoạch tiêu diệt 2 đồn phỉ trên. Được Bạn đồng ý, Trí và đội công tác tuyên truyền giải thích để nhân dân Bạn thấy được âm mưu thâm độc của Mỹ dùng “người Lào đánh người Lào”; đồng thời, vận động bà con ra rừng gọi chồng, con, bỏ hàng ngũ địch về nhà làm ăn lương thiện.
Để xóa bỏ 2 cụm phỉ này, trước tiên, Trí quyết định phải thuyết phục được tên trùm phỉ Khăm Sùng, người cùng họ với anh, đang chỉ huy ở đồn Đầu Rồng. Khăm Sùng được mệnh danh là một “con gấu đực” khét tiếng tàn ác, chinh phục hắn không dễ dàng gì. Đây là câu hỏi hóc búa bắt Trí phải tìm ra câu trả lời.
Một hôm, cơ sở bí mật báo Khăm Sùng chỉ huy bọn lính vào bản càn quét. Khăm Sình (Trí) thấy đây là cơ hội tốt để chinh phục hắn bằng trận đánh đặc biệt. Khăm Sình cho đơn vị bí mật triển khai đội hình mật phục, chờ cho Khăm Sùng và bọn lính vào hẳn trận địa phục kích rồi mới ra lệnh đồng loạt nổ súng. Trận địa là thành đá dựng đứng, phía trước là vực thẳm chặn lại. Bị đánh bất ngờ, bọn chúng nháo nhác, hoảng hốt. Qua ống nhòm, Khăm Sình thấy Khăm Sùng ngồi trên một hòn đá cao, mặt mày ủ rũ, rút súng ngắn lên đạn...
Bị thất bại nặng nề, hắn định tự sát đây! Phút giây quyết định, Khăm Sình ra hiệu cho các chiến sĩ ngừng nổ súng. Có đường thoát rồi. Khăm Sùng vội chạy như bay về bên kia biên giới. Thế là xong. Nhưng là một tên trùm phỉ già đời, hắn phải nghĩ đến cái gì sâu sắc hơn nữa... “Tại sao Khăm Sình lại để cho ta sống? Hắn thương ta ư? Không! Hắn chỉ là người cùng họ với ta thôi, chứ hắn không thể thương ta được!”.
Trong lúc Khăm Sùng đang băn khoăn chưa tìm ra nguyên nhân vì sao Khăm Sình lại ngừng bắn súng để cho mình chạy thoát, thì hắn nhận được bức thư do Sình gửi tới. Trong thư, Khăm Sình viết: “Khăm Sùng, mày với tao là người cùng họ, nên súng của anh em tao không muốn ngắm trúng vào ngực mày là muốn mày trở về với dân bản, với họ Khăm ta như con chim lạc bầy về với tổ ấm. Nếu mày không muốn như thế thì đúng là cái bụng của mày không còn là người Mông nữa rồi. Mày có hiểu không? Cách mạng không thù oán ai. Cách mạng chỉ đánh gục kẻ thù để làm lại cuộc đời cho tất cả. Có thế thôi. Mày có hiểu không?”.
Khăm Sùng đọc xong, miệng lẩm bẩm: “Cách mạng không thù oán ai. Cách mạng chỉ đánh gục kẻ thù để làm lại cuộc đời cho tất cả. Có thật không? Có thật như mày nói trong thư không hở Khăm Sình?”.
Mấy hôm sau, vào một đêm sương lạnh, Khăm Sùng bỏ đồn đến gặp Khăm Sình. Bên bếp lửa bập bùng soi rõ khuôn mặt Khăm Sùng, xanh, hốc hác, hai hàng lông mày đen giao nhau - dấu hiệu của một sự suy nghĩ căng thẳng. Khăm Sùng đột ngột hỏi:
- Bây giờ, Khăm Sình, mày bảo tao phải làm gì?
- Cách mạng có nhiều việc. Nhưng cái lời mày nói đã chắc như cái bụng mày nghĩ chưa? – Khăm Sinh nói.
Khăm Sùng đưa bàn tay lên miệng, cắn ngón tay, rỏ máu vào hai chén rượu, đưa cho Khăm Sình một chén, nói:
- Tao thề với mày. Tao là “con gấu dữ”, nhưng đây là giọt máu của người Mông chúng ta.
Chỉ chờ có vậy, Khăm Sình nói như ra lệnh:
- Bây giờ, mày phải trở về đồn ở núi Đầu Rồng, nếu bọn Mỹ chở súng, đạn, gạo, thịt đến thì bao nhiêu cũng nhận.
Khăm Sùng ngơ ngác, vì hắn cho rằng làm như thế là lại làm điều ác. Vì chúng cung cấp gạo, thịt, vũ khí cho lính ăn để rồi lại đi đánh bộ đội, giết nhân dân, làm thám báo, chụp ảnh trục đường giao thông chiến lược, kho tàng, cầu cống, nơi bộ đội đóng quân, phục vụ cho máy bay của Mỹ bắn phá.
Hiểu được nỗi băn khoăn của Khăm Sùng, Khăm Sình nói:
- Mày đừng lo, việc làm đó cũng giống như việc mày đi săn thôi mà, muốn bắt được con thú thì phải khéo tay gài bẫy, phải có mồi ngon cho chúng dễ mắc lừa, có đúng không nào?
Sau đêm đó, Khăm Sùng trở về xây dựng thêm cứ điểm án ngữ trên hành lang biên giới. Từ đó trở đi, máy bay trực thăng Mỹ ngày đêm rậm rịch đi về, lúc đổ quân, khi tiếp tế, lúc phái đoàn quân sự đến kiểm tra. Bên trong, súng nhỏ, súng to, lô cốt hầm ngầm, bên ngoài, dây thép gai, mìn định hướng..., quả là một căn cứ phỉ bất khả xâm phạm. Nhưng với Khăm Sình thì mọi hoạt động ở căn cứ phỉ này lại do anh điều khiển. Bởi vì anh đã chinh phục được Khăm Sùng, một trùm phỉ gian ác chỉ huy căn cứ này.
Có lần, Khăm Sình nhận được một mẩu thư viết vắn tắt của Khăm Sùng ở “hộp thư chết”. Trong mẩu giấy viết: “Ngày N, máy bay Mỹ sẽ oanh tạc vùng kho trên tọa độ X.Y... Tao phải cử một tiểu đội thám báo đi phối hợp pháo kích ở mặt đất. Báo để Sình biết...”.
Còn một tuần nữa là đến ngày N. Chuyển kho, bảo vệ hàng là việc phải làm gấp, nhưng bí mật nguồn tin để bảo vệ cho cơ sở bí mật hoạt động lâu dài là một việc quan trọng, không thể sơ suất được. Mặc cho những đêm mưa tầm tã, Sình và các lực lượng vũ trang đã bí mật chuyển hết hàng đến nơi an toàn. Công việc xong xuôi thì ngày N cũng đã đến. Trên các mỏm núi, từng đàn máy bay Mỹ kéo đến giội bom, bắn phá. Pháo kích từ căn cứ “thám báo” trên mỏm Đầu Rồng trút xuống, cả “vùng kho” ngập trong khói lửa, thỉnh thoảng một vài thùng xăng nổ, lửa cháy bốc cao hơn cả ngọn cây rừng. Bọn giặc lái Mỹ có lẽ hả hê. Nhưng chúng làm sao biết được, đây là những trò chơi “ú tim” của đối phương. Những trò chơi “ú tim” đó đối với không quân Mỹ - như Khăm Sình nói - đã diễn ra suốt 3 năm ròng trên địa bàn anh chiến đấu. Vì thế mà Bạn phong cho anh chức “Vua nắm tình hình” và mỗi chiến công nở rộ trên chiến trường đều có công lao đóng góp của Khăm Sình. Còn đối với binh lính địch đóng trong căn cứ Đầu Rồng thì khâm phục, nể sợ Khăm Sình và coi anh như người cứu mạng.
Một hôm, có tên cố vấn Mỹ đi máy bay đến kiểm tra căn cứ Đầu Rồng, hắn hạ lệnh lấy hai phần ba quân số cụm phỉ này đi càn quét. Tin ấy đến tai binh lính và gia đình họ như một tiếng sét. Đi càn quét tức là đi vào chỗ chết, nhưng làm thế nào cưỡng lại cái lệnh quái ác ấy. Họ đề nghị Khăm Sùng đến gặp Khăm Sình để tính kế. Sau khi gặp Sình trở về, Sùng rất phấn chấn. Binh lính nháo nhác hỏi:
- Khăm Sình bảo chúng ta phải làm thế nào, thủ lĩnh?
- Đêm nay, Khăm Sình sẽ cho bộ đội Pha-thét Lào đánh vào đồn này.
- Thế thì chết hết chúng ta?
- Các người anh em hãy bình tĩnh. Súng đạn của Khăm Sình “có mắt” đấy, không nhằm vào chúng ta đâu. Và đêm nay, chúng ta từ căn cứ cũng phải bắn ra, bắn nhiều. Nhưng bắn vào đâu? Các người anh em hiểu rồi chứ?
Trong toán lính có tiếng xì xào: “Hiểu, bắn vào rừng không người!”
– Làm như vậy mới có cớ để đấu tranh chống càn quét. Bây giờ, chúng ta hãy bắt tay vào chuẩn bị cho trận đánh đêm nay, nhất là nơi ẩn nấp tránh xa chỗ bắn pháo của Khăm Sình.
Đúng giờ G, súng của quân giải phóng Pha-thét Lào dồn dập giội vào căn cứ Đầu Rồng, nhà bạt, kho đạn bốc cháy rừng rực. Súng trong căn cứ Đầu Rồng cũng bắn ra như vãi đạn. Giữa lúc ác liệt ấy thì Khăm Sình và Khăm Sùng yên trí ngồi làm việc tại nhà mẹ Xây Pâu. Khăm Sình đưa cho Khăm Sùng 6 bộ quần áo quân giải phóng Pha-thét Lào, mấy khẩu súng gẫy và nói:
- Mày đưa mấy bộ quần áo dính máu lợn này về đồn làm “chiến lợi phẩm”. Được thưởng thì nhớ mở tiệc cho binh lính “ăn mừng thắng lợi”. Nếu chúng cứ bắt đi càn quét thì nói rằng, đồn đầy đủ quân lính còn bị quân giải phóng Pha-thét Lào tấn công, suýt mất đồn. Nay lấy bớt quân để đi càn, khác nào dâng đồn cho cộng sản.
Và sau đó, mọi diễn biến đúng như dự kiến của Khăm Sình.
Những cuộc chiến đấu như thế kéo dài mãi cho đến khi toàn bộ quân địch bị lực lượng cách mạng Lào đẩy lùi vào tận hang ổ của chúng, Khăm Sình mới hướng dẫn cho sĩ quan, binh lính đồn Đầu Rồng làm binh biến, mang toàn bộ gần 100 khẩu súng, khí tài, đạn dược về với nhân dân và cách mạng. Sau đồn bản Mo (Đầu Rồng) binh biến thì cụm phỉ đồn Na Khôn cũng sợ hãi rút chạy, xã Lông Mô được giải phóng hoàn toàn.
Hơn 10 năm công tác trên đất bạn Lào, Khăm Sình (Trần Văn Trí) luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết quốc tế, khắc phục khó khăn, chiến đấu mưu trí, dũng cảm, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được phân công. Ngày 3-9-1973, Trung úy Trần Văn Trí đã được Chủ tịch nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Phát huy thành tích đã đạt được, từ một chiến sĩ trinh sát giỏi, anh đã vươn lên giữ các chức vụ cao như Phó Cục trưởng Cục Trinh sát BĐBP (1988 – 1991), Chỉ huy trưởng BĐBP Nghệ An, với quân hàm Đại tá.
Tạ Vũ