Biên phòng - Với sự sụp đổ của Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, các thế lực thù địch cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, lạc hậu. Nói vậy là họ đã “quên” lịch sử phát triển của nhân loại. Bởi, chủ nghĩa Mác-Lênin ra đời là quá trình đấu tranh giữa cái mới, cái tiến bộ, cái phù hợp với quy luật phát triển với cái cũ, cái bảo thủ, lạc hậu. Dù ra đời trước nhưng tiến bộ, phù hợp với quy luật phát triển thì vẫn là cái mới.

Bởi, bất cứ sự vật hiện tượng nào trong thế giới đều phải trải qua quá trình sinh ra, tồn tại, phát triển và diệt vong. Mọi sự vật tồn tại đều có hai mặt vừa thống nhất, vừa đấu tranh giữa các mặt đối lập của nó. Quá trình đấu tranh giữa các mặt đối lập làm cho sự vật cũ mất đi được thay bằng sự vật mới. Sự thay thế đó là tất yếu của quá trình vận động và phát triển của sự vật. Sự ra đời của sự vật mới thông qua một hoặc một số lần phủ định cái cũ, cái mới mới được ra đời. Cái mới ra đời phù hợp với quy luật là cái tất thắng, chứa yếu tố tích cực đối với sự tồn tại của sự vật, sức sống của cái mới sẽ ngày càng lớn và là cái được khẳng định.
Cái cũ là cái đã tồn tại, nhưng không còn phù hợp quy luật phát triển nữa. Bởi nó chứa yếu tố tiêu cực đối với sự phát triển của sự vật, nên nó sẽ ngày càng lụi tàn và là cái bị phủ định. Mới, cũ ở đây được hiểu như vậy, chứ không phải theo nghĩa thông thường: cứ cái ra đời sau là cái mới.
Cái mới ra đời còn non trẻ, yếu ớt, chưa được sự ủng hộ nhiều; trong khi cái cũ đã tồn tại lâu, bám rễ sâu vào hiện thực đời sống xã hội. Cho nên, ban đầu, cái mới có thể thất bại tạm thời, nhưng vì hợp quy luật, hợp thời, nên dần dần được ủng hộ và ngày càng phát triển mạnh mẽ, cái mới cuối cùng sẽ thắng cái cũ; còn cái cũ do không hợp thời nên ít được ủng hộ, ngày càng suy yếu.
Quá trình đấu tranh này diễn ra không phải một sớm một chiều, mà là quá trình khó khăn, lâu dài, phức tạp. Bởi đó không đơn thuần là đấu tranh giữa hai cá thể, mà sự đấu tranh giữa hai phe, hai thế lực đối lập nhau. Một lực lượng ra sức duy trì cái cũ, một lực lượng bảo vệ, phát triển cái mới. Nhưng giữa cái mới và cái cũ không có ranh giới rõ ràng, không tách bạch, rạch ròi mà chúng quyện vào nhau, nên gây ra sự khó khăn trong phân biệt. Do cái mới ra đời từ cái cũ, nên nó còn chứa đựng tàn dư của cái cũ, còn cái cũ có thể ngụy trang, có vẻ giống cái mới, khiến ta nhầm lẫn. Vì thế, cuộc đấu tranh giữa cái mới và cái cũ rất khó khăn.
Thực tiễn cho thấy, ngay trong nhận thức của con người cũng là quá trình đấu tranh giữa nhận thức mới và nhận thức cũ, lạc hậu. Lịch sử đã ghi lại, xưa kia, người ta cứ nghĩ rằng trái đất là trung tâm của vũ trụ, đứng yên một chỗ, còn mặt trời, mặt trăng và muôn ngàn vì sao phải quay xung quanh cái tâm này. Người đầu tiên bác bỏ ý kiến sai lầm đó là nhà thiên văn học người Ba Lan Nicolaus Copernicus. Năm 1543, Copernicus cho xuất bản một cuốn sách chứng minh rằng chính trái đất mới là một hành tinh quay xung quanh mặt trời. Phát hiện của nhà thiên văn học làm cho mọi người sửng sốt, thậm chí nó còn bị coi là tà thuyết vì nó ngược với những lời phán bảo của Chúa trời.
Phải gần một thế kỷ sau, năm 1632, nhà thiên văn học Galileo Galilei mới lại cho ra đời một cuốn sách mới cổ vũ cho ý kiến của Copernicus. Lập tức, tòa án quyết định cấm cuốn sách ấy và mang Galilei ra xét xử. Khi đó, nhà bác học đã gần 70 tuổi. Bị coi là tội phạm, nhà bác học già buộc phải thề từ bỏ ý kiến cho rằng trái đất quay. Nhưng vừa bước ra khỏi tòa án, ông đã bực tức nói to: Dù sao trái đất vẫn quay!
Nhà bác học Galilei mặc dù phải trải qua những năm cuối đời trong cảnh tù đày, nhưng cuối cùng, ý kiến của ông đã thắng. Tư tưởng của hai nhà bác học dũng cảm đã trở thành chân lý giản dị trong đời sống ngày nay. Nhưng để có được nhận thức giản dị ấy, nhân loại phải trải qua cuộc đấu tranh trong nhận thức kéo dài cả trăm năm.
Một ví dụ khác, Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 là cuộc cách mạng lần đầu tiên trong lịch sử làm xuất hiện nhà nước kiểu mới - nhà nước XHCN. Đó là hình thái kinh tế - xã hội tiến bộ hơn so với hình thái kinh tế - xã hội TBCN.
Cách mạng Tháng Mười Nga thắng lợi, nước Nga Xô Viết được thành lập, sau đó là hàng loạt các nước XHCN ở Đông Âu, ở Việt Nam, Trung Quốc, Cuba... ra đời. Chủ nghĩa xã hội (CNXH) trở thành một hệ thống trên thế giới, tuy nhiên, không có nghĩa là CNXH đã thắng hoàn toàn chủ nghĩa tư bản (CNTB). Cho nên, các nước XHCN phải dựa vào chính mình, hỗ trợ lẫn nhau để chống lại tất cả những gì cũ kỹ, lạc hậu ở xã hội mà mình vừa “thoát thai” và phải chống lại CNTB đang tìm đủ mọi cách, dùng nhiều hình thức để tiêu diệt CNXH.
Cuộc đấu tranh này rất cam go, nên sau hơn 80 năm phát triển, năm 1991, Liên Xô sụp đổ, kéo theo các nước XHCN ở Đông Âu cũng sụp đổ. Đây là bước lùi của CNXH trên toàn thế giới. Nhưng không vì thế mà vội vã cho rằng, chủ nghĩa Mác-Lênin đã lỗi thời, không phải lý luận khai sáng nhân loại như Đảng ta khẳng định.
Bởi do tính hợp quy luật, nên CNXH cho thấy nhiều ưu việt, nên nó không bị diệt vong hoàn toàn mà còn một bộ phận vẫn phát triển, ngày càng vững chắc và lớn mạnh. CNTB - đại diện cho cái cũ - dù ngụy trang, biến đổi dưới nhiều hình thức nhưng vẫn bộc lộ nhiều khuyết tật. Nó là cái cũ. Vì vậy, CNTB nhất định sẽ bị hình thái kinh tế - xã hội tốt đẹp hơn - CNXH - thay thế trong tương lai. Quá trình thay thế đó phải trải qua cuộc đấu tranh cam go, phức tạp, không thể giành thắng lợi trong ngày một ngày hai mà đòi hỏi phải có một quá trình lâu dài.
Thực tế đó cũng giống như cuộc đấu tranh giữa CNTB và chế độ phong kiến. Dù CNTB tiến bộ hơn chế độ phong kiến, nhưng phải trải qua cuộc đấu tranh lâu dài có lúc tưởng như thất bại, nhưng cuối cùng CNTB đã thắng. Lịch sử đã ghi, CNTB ra đời sớm nhất tại Hà Lan (năm 1648) và ở Anh (năm 1688). Cuộc cách mạng tư sản diễn ra ở Hà Lan, Anh giữa thế kỷ XVII là cuộc tấn công vào thành trì của xã hội cũ, nhằm lật đổ quan hệ sản xuất phong kiến lạc hậu, để mở đường cho CNTB phát triển - xây dựng xã hội mới. Nhưng vì mới ra đời, nên CNTB lúc đó còn non yếu, phong kiến còn mạnh, cho nên sau khi cách mạng tư sản Anh thắng lợi, vào năm 1660, Charles II (con của Charles I) phục hồi chế độ phong kiến.
Sau khi nắm chính quyền, Charles II khủng bố những người tham gia cách mạng, cai trị hết sức phản động. Năm 1685, Charles II qua đời, em là James II lên thay, tiếp tục củng cố thế lực phong kiến. Do vậy, phải đợi đến cuối thế kỷ XVIII, cách mạng tư sản Pháp thành công (năm 1789), CNTB mới được xem là thắng lợi hoàn toàn. Cuộc cách mạng tư sản Pháp mở ra thời đại thắng lợi và củng cố quyền thống trị của giai cấp tư sản trên phạm vi toàn thế giới. Lịch sử đã ghi lại rõ ràng như vậy, thế mà họ đã cố tình lờ đi, “quên” để đặt câu hỏi mà chính lịch sử đã trả lời câu hỏi ấy.
Nguyễn Phù Nghĩa