Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ năm, 08/06/2023 05:35 GMT+7

Hội tụ liên kết an ninh giữa các nước

Biên phòng - Để nhận thức được sâu sắc các nguy cơ và giải quyết được các vấn đề đe dọa an ninh toàn cầu, các nước cần đoàn kết, liên kết chặt chẽ với nhau tạo nên sức mạnh tổng hợp. Đó chính là thông điệp mà Hội nghị An ninh Quốc tế Moskva lần thứ 8 (MCIS-2019) diễn ra tại Thủ đô Moskva của Nga, từ ngày 23 đến 25-4 muốn truyền tải.

hit1_26b
Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov phát biểu tại hội nghị. Ảnh: AZ

Tham gia hội nghị có hơn 1.000 đại biểu đến từ 111 quốc gia và các tổ chức quốc tế, trong đó có đoàn đại biểu quân sự cấp cao Việt Nam do Thượng tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu. Đoàn Việt Nam tham dự tất cả các phiên họp của hội nghị.

Các nguy cơ

Các đại biểu tham gia hội nghị đặc biệt quan tâm đến các vấn đề như những cuộc chiến tranh ủy nhiệm, các mối đe dọa an ninh mạng, phòng thủ tên lửa và quân sự hoá không gian. Mối quan tâm cũng tập trung vào kế hoạch của Mỹ rời khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung và tầm ngắn và Hiệp ước về các biện pháp hạn chế và cắt giảm hơn nữa các vũ khí tấn công chiến lược. Các văn kiện quan trọng này là công cụ để ngăn chặn nguy cơ Chiến tranh thế giới thứ ba, nhưng chúng đang nằm trong diện có nguy cơ bị vô hiệu hóa.

Nguy cơ đó cũng là những tư tưởng thống trị thế giới, sẵn sàng gây ra hỗn loạn để nhận được lợi thế chính trị ngắn hạn. Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga Nikolai Patrushev đã nói về những nguy cơ này khi phát biểu tại lễ khai mạc vào ngày 24-4: “Trong đa số trường hợp, hàng chục cuộc xung đột cục bộ và các điểm nóng ở khắp mọi nơi trên thế giới đều là hậu quả trực tiếp của những cuộc phiêu lưu quân sự và nỗ lực của một số nước nhận về mình vai trò dẫn dắt khu vực và thậm chí toàn cầu, để ép buộc các thành viên khác trong cộng đồng thế giới phải hành động theo lệnh của họ”.

Nói về an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các đại biểu nhận xét rằng, trong khu vực này còn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. Thư ký Hội đồng An ninh Liên bang Nga cũng lưu ý đến nguy cơ này như sau: “Tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gia tăng những hoạt động nhằm thành lập và củng cố các khối quân sự-chính trị. Trên lời nói, những khối này được gọi là liên minh phòng thủ, nhưng trên thực tế, một số nước đang gia tăng tiềm lực các khối liên minh để tổ chức những hành động khiêu khích nguy hiểm và mở rộng hoạt động tuyên truyền”.

Bộ trưởng Bộ quốc phòng Nga, Đại tướng Sergey Shoigu cũng đề cập đến các vấn đề an ninh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt là ở Đông Nam Á. Theo lời Bộ trưởng, dưới vỏ bọc tạo ra một hệ thống an ninh mới tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhiều nước đang cố gắng ngăn chặn sự tương tác giữa các quốc gia. Bộ trưởng Quốc phòng Nga cho rằng, một trong những phương pháp tăng cường an ninh trong khu vực là việc phát triển tương tác giữa Quân đội Nga và các lực lượng từ cả các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Đại tướng Sergey Shoigu nói: “Sự hợp tác cả song phương và đa phương với các cơ quan quân sự của các quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang phát triển năng động. Các cơ quan quân sự của Nga và Trung Quốc đang thực hiện quyết định chính trị về mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước. Mối quan hệ đối tác chiến lược đặc quyền Nga-Ấn Độ cũng đang được mở rộng trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự dựa trên nhiều năm tương tác”.

Cần liên kết để giải quyết

Trên thực tế, cuộc đối thoại trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng của các quốc gia thành viên ASEAN với Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và các đối tác đối thoại khác (ADMM+) góp phần lớn vào việc ổn định tình hình ở Đông Nam Á. Đây là một cơ chế độc đáo để tích lũy và áp dụng trong thực tiễn những kinh nghiệm quân sự tốt nhất của các cơ quan quốc phòng của các nước ASEAN và các đối tác trên nhiều khía cạnh khác nhau của nền an ninh.

Về phần mình, mỗi quốc gia cần tích cực góp phần vào quá trình hình thành một kiến trúc mở, đáng tin cậy, liên kết về an ninh bình đẳng và không thể chia cắt trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu. Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đề cập đến chủ đề đảm bảo sự ổn định trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương và sự tham gia ngoại giao của Moskva trong quá trình này. Ông Sergey Lavrov nói: “Chúng tôi đang hợp tác với Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và các nước khác trong những vấn đề này. Chúng tôi mời tất cả các đối tác tham gia và kêu gọi phối hợp nỗ lực tại các cơ chế khác nhau trong khu vực”.

snf5_26a
Đại biểu các nước dự hội nghị. Ảnh: MNA

Ngày 24-4, Tổng Tham mưu trưởng quân đội, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng Nga, Thượng tướng Valery Gerasimov đã có cuộc gặp với Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thượng tướng Phan Văn Giang. Thượng tướng Valery Gerasimov nhấn mạnh: “Hợp tác quân sự và kỹ thuật quân sự, gần đây tăng cường rõ rệt, vẫn là yếu tố quan trọng nhất của quan hệ đối tác chiến lược toàn diện”.

Đúng như lời Tổng thống Nga Vladimir Putin đã phát biểu, hội nghị được tổ chức nhằm mang tính xây dựng và đóng góp to lớn vào việc đẩy mạnh cuộc chiến chống khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, giải quyết xung đột khu vực và đảm bảo an ninh toàn cầu, thực hiện các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình thế giới. Rõ ràng đây là mục tiêu chung và để thực hiện được mục tiêu này thì rất cần sự hội tụ của các mối liên kết an ninh.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO