Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:12 GMT+7

Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm”

Biên phòng - Thiết thực chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh (24/4/1972-24/4/2022), sáng ngày 22-4 tại thành phố Kon Tum (tỉnh Kon Tum), Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Tỉnh ủy Kon Tum tổ chức Hội thảo khoa học “Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh - Giá trị lịch sử và bài học kinh nghiệm".

Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo. Ảnh: Thái Kim Nga

Các đồng chí: Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; Dương Văn Trang, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Kon Tum đồng chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có lãnh đạo Bộ tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; đại diện lãnh đạo các Quân khu, Quân đoàn, quân, binh chủng thuộc Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các tỉnh, thành trên địa bàn miền Trung, Tây Nguyên; các nhân chứng lịch sử và đại diện các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Cách đây tròn nửa thế kỷ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, trực tiếp là Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, quân và dân ta đã mở cuộc tiến công cụm phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở Đăk Tô-Tân Cảnh và giành thắng lợi.

Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đợt 1 chiến dịch Bắc Tây Nguyên. Đây cũng là trận chiến đấu đầu tiên của lực lượng vũ trang Tây Nguyên tiến công địch bằng hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, có tốc độ nhanh, đánh bại một sư đoàn, đập tan cụm phòng ngự then chốt, vững chắc nhất trong hệ thống phòng thủ của quân đội Sài Gòn ở Bắc Tây Nguyên, mở ra khả năng có thể đánh tiêu diệt lớn, tiến tới giải phóng hoàn toàn Tây Nguyên.

Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Thái Kim Nga

Phát huy sức mạnh hỏa lực của pháo binh và xe tăng, chỉ chưa đầy 1 ngày (từ chiều tối ngày 23 đến trưa 24-4-1972), ta đã làm chủ trận địa, đánh bại Sư đoàn 22 của địch, loại khỏi vòng chiến đấu gần 2.000 tên, bắn rơi 8 bay, thu 9 xe tăng và xe thiết giáp, 8 khẩu pháo, gần 100 xe quân sự, giải phóng một vùng rộng lớn từ Võ Định lên Tân Cảnh và Đăk Tô về Đăk Mót với hơn 25 ngàn đồng bào, làm tan rã phần lớn lực lượng kìm kẹp của địch trong vùng.

Chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh là minh chứng cho sự lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, sự chỉ đạo nhạy bén, linh hoạt, sáng tạo của Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên được thể hiện qua từng trận đánh, từ mũi, hướng tiến công… Để giành thắng lợi quan trọng này, hàng vạn đồng bào, chiến sĩ, trong đó có bộ đội, nhân dân các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Kon Tum nói riêng đã phải chịu đựng gian khổ, hy sinh, chiến đấu vì chân lý “không có gì quý hơn độc lập, tự do” và cho mục tiêu thiêng liêng “giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước”

Tại Hội thảo, các đại biểu và nhân chứng lịch sử đã tham gia phát biểu tham luận nêu rõ tầm vóc, ý nghĩa lịch sử cũng như những bài học kinh nghiệm của chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh có giá trị thực tiễn đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Cuộc Hội thảo cũng là dịp để thế hệ hôm nay ôn lại truyền thống đấu tranh anh dũng của thế hệ cha anh đi trước; tưởng nhớ, tri ân đồng bào, đồng chí đã chiến đấu, hy sinh trong cuộc kháng chiến trường kỳ để giành và giữ độc lập dân tộc, tự do và thống nhất Tổ quốc.

Thủ trưởng Bộ Quốc phòng và lãnh đạo tỉnh Kon Tum viễng Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đăk Tô. Ảnh: Thái Kim Nga

Trước đó, các đồng chí Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, lãnh đạo chính quyền địa phương và đại biểu về dự Hội thảo đã tổ chức dâng hương, tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ huyện Đăk Tô (Kon Tum) và tượng đài chiến thắng Đăk Tô-Tân Cảnh; thăm, tặng quà các gia đình chính sách, người có công trên địa bàn huyện Đăk Tô.

Thái Kim Nga

Bình luận

ZALO