Biên phòng - Sáng 19-3, tại thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị, Bộ Quốc phòng phối hợp với Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971: Giá trị lịch sử và hiện thực”. Các ý kiến tham gia hội thảo đã làm rõ những vấn đề cơ bản như: thành công xuất sắc trong lãnh đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị...

Chủ trì hội thảo có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Lê Quang Tùng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị, đồng Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo; Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Nguyễn Doãn Anh, Tư lệnh Quân khu 4. Chủ trì hội thảo còn có Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện lịch sử Quân sự Việt Nam.
Cùng tham dự có các đồng chí: Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Trung tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; cùng các đại biểu là lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo, chỉ huy các: Quân khu, Quân đoàn, Tổng cục, quân, binh chủng; Học viện, trường sĩ quan trong Quân đội; các nhà khoa học trong và ngoài quân đội...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Chỉ đạo hội thảo nêu rõ: Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là một sự kiện quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, có ý nghĩa chiến lược to lớn trực tiếp đánh bại cuộc thử nghiệm khả năng chiến đấu của quân đội ngụy Sài Gòn, góp phần phá tan mưu đồ ngăn chặn tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh, đánh dấu bước trưởng thành của quân đội ta trong tác chiến hiệp đồng binh chủng quy mô lớn. Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào 1971 là minh chứng sống động cho tình đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào.

Chiến dịch Đường 9 - Nam Lào bắt đầu từ đầu năm 1971, phía chính quyền ngụy quyền Sài Gòn lúc đó gọi là Chiến dịch Lam Sơn 719. Mục tiêu của chính quyền ngụy quyền Sài Gòn đặt ra là cắt đứt tuyến đường mòn Hồ Chí Minh chi viện cho chiến trường miền Nam, phá vỡ hệ thống hậu cần. Phía Mỹ xem đây là một bước thử nghiệm chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Phía chính quyền Sài Gòn đã tung vào chiến dịch trên 31.000 quân, phía Mỹ là trên 10.000 quân. Tuy nhiên, chiến dịch này đã gặp thất bại nặng nề, hơn một nửa quân số thương vong, tử trận và bị bắt. Một viên tướng Mỹ đã nhận xét: “chiến dịch Lam Sơn 719 đã phá hủy mất phần tinh nhuệ của quân lực Việt Nam Cộng Hòa”.
Các tham luận tham gia hội thảo đã tập trung đi sâu nghiên cứu, phân tích, khẳng định tầm nhìn chiến lược, chủ trương đúng đắn và sự lãnh đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương; sự chỉ đạo, chỉ huy, điều hành chiến dịch xuất sắc của các cơ quan tham mưu chiến lược thuộc Bộ Quốc phòng; sự chủ động, sáng tạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trong việc huy động nhân lực, vật lực, phối hợp cùng bộ đội chủ lực thực hiện thắng lợi chiến dịch; Chiến thắng Đường 9 - Nam Lào đánh dấu bước phát triển về nghệ thuật chiến dịch trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; biểu hiện sinh động liên minh đoàn kết chiến đấu đặc biệt giữa quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam - Lào...
Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Khuất Duy Tiến (nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 64 trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào), nhân chứng trực tiếp tham gia trận đánh cho biết, trong trận đánh này, quân ta đã bắt sống được Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ. Sau khi lấy lời khai Lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ, cán bộ, chiến sĩ ta vẫn đối xử tử tế, bắt tay và nói “mấy phút trước thì chúng ta giết nhau, nhưng bây giờ thì tôi với anh cũng là người Việt Nam”. Và sự nhân đạo đó cũng đã làm cho quân thù nể phục, đồng thời tạo nên sức mạnh cho những người lính giải phóng trên chiến trường.
Lê Văn Chương