Biên phòng - Ngày 25-10, tại Tây Ninh, Bộ Quốc phòng tổ chức tọa đàm, hội thảo góp ý dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam (BPVN). Trung tướng, PGS.TS Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tư lệnh BĐBP, Phó trưởng Ban Thường trực Ban soạn thảo Luật BPVN và đồng chí Phạm Văn Tân, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh đồng chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có lãnh đạo Bộ Tư lệnh BĐBP, Quân khu 7, Quân khu 9; đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; đại biểu đại diện các tỉnh: Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Long An, Đồng Tháp, An Giang và TP Hồ Chí Minh.
Báo cáo đề dẫn tại hội thảo, Thiếu tướng Bùi Đức Hạnh, Phó Tư lệnh BĐBP cho biết, nội dung nhiệm vụ xây dựng Luật BPVN đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và kế hoạch soạn thảo của Bộ Quốc phòng. Một số nội dung công việc đã được Ban soạn thảo đẩy nhanh tiến độ so với kế hoạch. Hồ sơ dự thảo Luật BPVN được chuẩn bị công phu, chất lượng. Ban Soạn thảo đã tiếp thu đầy đủ, triệt để, hợp lý, khoa học các ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Quân đội; các chuyên gia, nhà khoa học. Đến thời điểm này, hồ sơ dự thảo Luật cơ bản đã được chỉnh lý, bổ sung, từng bước hoàn thiện.
Trước đó, từ ngày 22-9 đến ngày 4-10-2019, Ban soạn thảo đã tiến hành khảo sát, tổ chức tọa đàm, hội thảo tại tỉnh Lào Cai và Thừa Thiên Huế với sự tham gia của đại diện lãnh đạo HĐND, UBND, Đoàn Đại biểu Quốc hội, Bộ Chỉ huy Quân sự 10 tỉnh, thành và các đơn vị như: Bộ Tư lệnh Quân khu 2, Quân khu 4, Quân khu 5, Vùng Cảnh sát Biển 2... Đến nay, đã có hàng chục ý kiến đóng góp sâu sắc, tâm huyết của các các chuyên gia, nhà khoa học, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố có biên giới đối với dự thảo Luật BPVN.
Tại hội thảo diễn ra ở Tây Ninh, tham luận của các đại biểu đã tập trung làm rõ cơ sở lý luận, thực tiễn về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của lực lượng chuyên trách, nòng cốt; các cơ quan, lực lượng chức năng ở khu vực biên giới và mối quan hệ phối hợp trong thực thi nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, đảm bảo an ninh, trật tự ở khu vực biên giới.
Cụ thể, các tham luận đã tập trung vào một số nội dung quan trọng của dự thảo Luật BPVN có liên quan đến: Hoạt động cơ bản về Biên phòng; Vị trí, chức năng, quyền hạn của BĐBP (Điều 8, Điều 9); Về phối hợp thực thi nhiệm vụ Biên phòng (Điều 17) và nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức về hoạt động Biên phòng (Điều 24 đến Điều 30).
Đại diện các ban, bộ, ngành cũng bày tỏ sự cần thiết ban hành Luật BPVN để nâng cao hiệu quả xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới; thực hiện đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Là địa phương được chọn tổ chức hội thảo, đồng chí Phạm Văn Tân, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cho rằng: Trước tình hình thế giới, khu vực và trong nước tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, nguy cơ và thời cơ đan xen, việc ban hành Luật BPVN góp phần thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc, Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới, phù hợp với hiến pháp và pháp luật hiện hành của nước CHXHCN Việt Nam.
Việc ban hành Luật BPVN là cơ sở để xác lập nền tảng cơ sở pháp lý xuyên suốt, đồng bộ, thống nhất về thực thi nhiệm vụ Biên phòng, giúp các cấp, ngành, lực lượng triển khai thực hiện có hiệu quả chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, phạm vi, trách nhiệm của mình trong thực hiện chức năng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia và xây dựng BĐBP; xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn biên giới nói riêng, cả nước nói chung, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
“Tôi cho rằng việc xây dựng Luật BPVN là một xu thế tất yếu và khách quan”. - đồng chí Phạm Văn Tân khẳng định.
Phát biểu kết luận hội thảo, Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cảm ơn những ý kiến đóng góp tâm huyết, thiết thực của đại biểu vào dự thảo Luật BPVN. Trung tướng Hoàng Xuân Chiến cho biết, trên cơ sở các ý kiến tham luận, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu tối đa để hoàn chỉnh toàn bộ dự thảo Luật, làm nổi bật nhiệm vụ, quyền hạn, chức trách của BĐBP.
Đồng chí Tư lệnh BĐBP lưu ý Ban soạn thảo cần đẩy nhanh tiến độ, phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng của Quốc hội, Bộ Tư pháp… tranh thủ ý kiến chuyên gia, có sự đóng góp chuyên sâu, phù hợp với thực tiễn công tác xây dựng, bảo vệ biên giới, để sớm đưa Luật BPVN thông qua vào Kỳ họp thứ X năm 2020.
Đặc biệt, sau hội thảo, Ban soạn thảo cần tổ chức rút kinh nghiệm thực hiện để tổ chức thành công các hội thảo tại các tỉnh vào thời gian tới.
Đăng Bảy