Biên phòng - Ngày 12-6, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hội thảo “Giải pháp phát triển sâm Ngọc Linh” nhằm đánh giá thực trạng về cây sâm Ngọc Linh và đề xuất các chính sách đặc thù, giải pháp thiết thực phát triển sâm Ngọc Linh thành dược liệu hàng hóa. Hội thảo có sự tham gia của nhiều đại biểu đến từ các Bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ cùng các nhà khoa học, nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ sở y tế trong và ngoài nước.
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, nêu rõ thực trạng bảo tồn, phát triển cây sâm Ngọc Linh tại tỉnh Quảng Nam và Kon Tum cũng như những khó khăn, hạn chế trong việc bảo tồn, phát trển cây sâm Ngọc Linh tại 2 địa phương trên. Qua đó, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, các chính sách đặc thù để phát triển cây dược liệu này xứng tầm là quốc bảo của ngành dược liệu Việt Nam.
Thời gian tới, một số đại biểu cho cho rằng, cần phải tiến hành đồng thời các giải pháp về quảng bá thương hiệu gắn với xây dựng một doanh nghiệp khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh giống sâm Việt Nam; gắn việc lưu giữ, bảo tồn nguồn gen với phát triển trồng sâm dưới tán rừng tự nhiên theo hướng trồng phân tán, trồng theo hốc không cuốc lớp đất nền rừng; giữ gìn và bảo vệ đa dạng sinh học và môi trường rừng vùng sản xuất; khuyến khích đầu tư phát triển sâm gắn với phát triển các cây thuốc đặc hữu có giá trị kinh tế cao như đẳng sâm, ngũ vị tử Ngọc Linh, nữ lang… trên vùng trồng sâm.
Ngoài các ý kiến trên, nhiều đại biểu cũng phân tích sâu hơn về tính dược liệu và công năng cũng như điều kiện, mô hình quản lý, sản xuất, chế biến các sản phẩm dược liệu từ cây sâm Ngọc Linh. Hiện nay, nền tảng nguồn giống, kỹ thuật, môi trường xã hội và địa bàn có điều kiện sinh thái phù hợp cho phát triển cây sâm Việt Nam đã hội tụ đầy đủ, cùng với sự quan tâm của các bộ, ngành. Đây chính là những thuận lợi căn bản, nền tảng để phát triển cây sâm Ngọc Linh trong thời gian tới.
Trúc Hà - Đình Tăng