Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 02/04/2023 06:14 GMT+7

Hồi sinh dòng tranh “Đỏ” thất truyền

Biên phòng - Trước đây, nhắc đến tranh dân gian Kim Hoàng, rất ít người già biết đến, còn giới trẻ thì tuyệt nhiên không biết. Thời gian gần đây, tranh Kim Hoàng đã được “hồi sinh”, xuất hiện trở lại sau gần một thế kỷ “mất tích”. Đến làng Vân Canh - cái nôi của tranh Kim Hoàng những ngày đầu năm, chứng kiến không khí nhộn nhịp nơi đây, chúng tôi càng thấy rõ hơn sự hồi sinh của dòng tranh “Đỏ” độc đáo một thời.

0f87_18b
Bức tranh “Thần Kê” nổi tiếng của dòng tranh Kim Hoàng. Ảnh: Thanh Thuận

Chắt lọc tinh hoa

Dòng tranh dân gian Kim Hoàng (thuộc làng Vân Canh, huyện Hoài Đức, Hà Nội) được hình thành vào nửa sau thế kỷ XVIII. Theo sử sách cũ còn ghi, dân làng này di cư từ Thanh Hóa ra Bắc năm 1701, gồm hai làng Kim Bảng và Hoàng Bảng. Sau đó, hai làng đã hợp nhất lại thành làng Kim Hoàng. Nhận thấy tranh Đông Hồ chỉ đủ cung ứng cho vùng Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Nam Định, còn tranh Hàng Trống chỉ đủ cho Hà Nội và không thích hợp với nông dân cả về thẩm mỹ và túi tiền nên họ quyết tâm tạo ra dòng tranh mới kết hợp cả hai kỹ thuật Đông Hồ và Hàng Trống. Hai dòng họ Nguyễn Sỹ và Nguyễn Thế đi đầu trong việc tổ chức vẽ và in tranh.

Tranh Kim Hoàng cũng đủ loại như tranh thờ cúng, chúc tụng, sinh hoạt như một số dòng tranh khác cùng thời (Đông Hồ, Hàng Trống), nhưng tranh Kim Hoàng lại là sự kết hợp nhiều ưu điểm của hai dòng tranh đó. Tranh Kim Hoàng có nét khắc thanh mảnh, tỉ mỉ hơn tranh Đông Hồ, màu sắc tươi như tranh Hàng Trống. Chính vì thế, dòng tranh này mang những giá trị riêng. Về màu, các nghệ nhân tranh Kim Hoàng dùng mực tàu làm màu đen, màu trắng là từ thạch cao, phấn; màu chàm, xanh chàm là từ mực tàu hòa với nước chàm và các màu khác.

Tranh Kim Hoàng không sử dụng giấy điệp như tranh Đông Hồ hay giấy dó như tranh Hàng Trống mà in trên nền giấy đỏ, giấy hồng điều hoặc giấy vàng tàu nên còn gọi là tranh “Đỏ”. Trong quá trình làm tranh Kim Hoàng, các nghệ nhân chỉ sử dụng một bản khắc để in nét đen lên giấy rồi dựa vào đó mà tự do chấm phá màu sắc theo cảm xúc riêng của mỗi người. Vì thế, mỗi bức tranh có sự phóng khoáng và diện mạo riêng, dù cùng in ra từ một bản khắc. Đây là điểm tiến bộ được ưa chuộng nhất ở tranh Kim Hoàng.

Tranh Kim Hoàng còn có thêm đặc điểm mà hai dòng tranh Đông Hồ và Hàng Trống không có, đó là những câu thơ chữ Hán được viết theo lối chữ thảo in ở góc của mỗi bức tranh. Cả thơ và hình ảnh đã tạo cho bức tranh một chỉnh thể chặt chẽ, cân đối. Người ngắm tranh có thể cảm nhận được ý tình, hồn điệu của câu chuyện hay thông điệp trên mỗi bức tranh. Đây là những nét độc đáo, đặc sắc giúp tạo nên giá trị riêng cho dòng tranh dân gian Kim Hoàng.

Thế kỷ XIX, tranh Kim Hoàng phát triển mạnh mẽ. Mỗi năm, người Kim Hoàng làm tranh từ rằm tháng 11 âm lịch đến giáp Tết. Đầu tiên cúng tổ nghề. Các ván in do một ông chủ phường có tài năng vẽ và khắc. Sau ngày giỗ tổ mới phát cho các gia đình. Trong quá trình in, họ trao đổi ván cho nhau. Hết mùa tranh, họ lại giao ván cho các chủ phường cất giữ.

Ông Nguyễn Thế Nhuận, 92 tuổi, nguyên Trưởng ban quản lý di tích đình Kim Hoàng cho biết: “Những ngày tháng làm tranh, không khí cả làng vô cùng sôi nổi, tấp nập. Không chỉ có người lớn, trẻ em cũng tham gia làm tranh. Tranh được in, vẽ trong mọi nhà, phơi ở khắp nơi: Mái hiên, sân nhà, bờ rào, bờ giậu... đỏ rực cả một vùng. Các lái buôn từ xa đến làng mua tranh cũng làm cho không khí nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Cứ như vậy, trong hơn một thế kỷ, nghề làm tranh Kim Hoàng được truyền từ đời này qua đời khác, đưa làng Kim Hoàng trở thành một trung tâm lớn về tranh ở phía Bắc, sánh ngang với hai trung tâm lớn khác về tranh là Đông Hồ và Hàng Trống.

Tuy nhiên, trận lụt lớn năm 1915 đã cuốn trôi rất nhiều ván in tranh, làng mạc bị ngập trắng, tiếp theo là mất mùa, đói kém, nghệ nhân làm tranh làng Kim Hoàng ngày một thưa thớt. Cuộc sống khó khăn khiến thú chơi tranh của người dân dần mai một. Đến năm 1945 thì tranh này hoàn toàn không còn được sản xuất nữa. Chỉ còn vài mẫu tranh có bản in lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.

Người phụ nữ nhỏ bé “gánh vai” phục dựng làng tranh

Trước nguy cơ tranh dân gian Kim Hoàng thất truyền khi những “báu vật sống” không còn, với tình yêu di sản, đau đáu với việc phục dựng lại dòng tranh một thời của Thăng Long ngàn năm văn hiến, nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội đã bỏ công sức hơn 3 năm qua để phục hồi lại làng tranh.

Năm 2014, bà Nguyễn Thị Thu Hòa đã bắt đầu triển khai Dự án Khôi phục làng nghề Kim Hoàng. Dự án đã được nhân dân làng Kim Hoàng ủng hộ nhiệt tình. Tháng 11-2016, một số bản tranh của làng Kim Hoàng đã được xuất hiện trở lại trên thị trường vào dịp Tết Đinh Dậu 2017 và được công chúng đón nhận, các nhà chuyên môn đánh giá cao.

Theo bà Nguyễn Thị Thu Hòa, phục hồi dòng tranh dân gian đặc sắc này là vô cùng khó khăn. Bà Hòa cho biết: “Sau năm 1945, không một nghệ nhân nào theo nghề, chỉ còn lại những bức tranh và bản khắc được lưu giữ ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và đặc biệt là trong một cuốn sách của nhà nghiên cứu người Pháp xuất bản năm 1960. Việc khôi phục những bản khắc gỗ của tranh Kim Hoàng được thực hiện dựa trên những hiện vật ít ỏi đó”.

exd1_18a
Nhà nghiên cứu Nguyễn Thị Thu Hòa tìm đến nghệ nhân nghiên cứu phục chế tranh Kim Hoàng. Ảnh: Thanh Thuận

Việc phục chế bản khắc đòi hỏi nhiều sự kỳ công. Để có được những bản khắc tranh hiện có, nhóm nghiên cứu của bà Hòa phải nhờ cậy trên 30 nghệ nhân đến từ các làng tranh dân gian truyền thống nổi tiếng từ Bắc chí Nam như: Đông Hồ (Bắc Ninh), Hàng Trống (Hà Nội), Làng Sình (Thừa Thiên, Huế)...  Hiện, dự án mới khôi phục được khoảng 30 mẫu tranh trong tổng số 100 mẫu. Bên cạnh đó, bà Hòa cũng lựa chọn một số người trong làng có tố chất phù hợp làm tranh, cử người đi học các lớp mỹ thuật, Hán Nôm, tìm hướng mở rộng mặt bằng sản xuất, tổ chức các lớp học in ấn tranh ngoại khóa cho thanh, thiếu niên ở địa phương...

Trước tấm lòng với di sản của bà Hòa, ngoài đình làng Kim Hoàng, bà Hòa đã được chính quyền và nhân dân xã Vân Canh cho mượn địa điểm để làm nơi sản xuất, truyền dạy nghề làm tranh. Sau nhiều công sức bỏ ra, lần đầu tiên sau gần một thế kỷ, người dân Thủ đô đã được chiêm ngưỡng dòng tranh dân gian này tại “Triển lãm 12 dòng tranh dân gian tiêu biểu Việt Nam” được tổ chức tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam hồi tháng 8-2016. Tết Đinh Dậu 2017, tranh Kim Hoàng đã xuất hiện tại thị trường, được công chúng đón nhận và được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Quầy tranh Tết của bà Hòa tại Văn Miếu Quốc Tử Giám và các hội chợ đã bán sạch các bản tranh Kim Hoàng mang đến. Tháng 11-2017, nghệ nhân của làng tranh Kim Hoàng đã sang Hàn Quốc để giới thiệu với bạn bè quốc tế.

Dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, bà Hòa đã cho in mẫu tranh Kim Hoàng lên phong bao lì xì để đa dạng hóa sản phẩm từ tranh dân gian. Bà Hòa cũng đưa mẫu Nghê - linh vật Việt mà bà đã khôi phục ra mắt và hoàn thiện bộ 12 con giáp của Kim Hoàng, nhằm góp phần lan tỏa hơn sự trở lại của dòng tranh độc đáo tưởng đã thất truyền của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Thanh Thuận

Bình luận

ZALO