Biên phòng - Chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số không những góp phần làm cho dân tộc đó trường tồn, mà còn làm cho nền văn hoá Việt Nam thêm phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Ở Lục Ngạn (Bắc Giang), trong khi chữ Hán - Nôm dân tộc Sán Dìu đang có nguy cơ bị mai một, thì tin vui đã đến với cộng đồng bà con nơi đây, khi có một lớp truyền dạy chữ Hán - Nôm Sán Dìu tại xã Quý Sơn đang hoạt động rất hiệu quả, thu hút đông đảo người dân tham gia.
![]() |
Kho sách quý của ông Hoàng Văn Dậu. |
Không quản ngại đường xa, anh Diệp Văn Bồ, Trưởng thôn Đồng Con 1, xã Tân Lập đều đặn 2 ngày nghỉ cuối tuần chạy xe hơn hai mươi cây số để đến lớp học. Anh tâm sự: Thôn Đồng Con 1 có 90% là người dân tộc Sán Dìu nhưng không ai còn biết đọc, viết được chữ Sán Dìu nữa. Khi biết tại xã Quý Sơn có lớp dạy chữ viết Hán - Nôm Sán Dìu anh phấn khởi lắm, quyết tâm theo học bằng được để sau này truyền dạy lại cho bà con trong thôn. Cùng suy nghĩ ấy, ông Chu Văn Thao (58 tuổi), ở xã Đông Hưng, huyện Lục Nam biết đến lớp học qua một người thân ở xã Quý Sơn giới thiệu, ông đã liên hệ xin được tham gia vào lớp học này. Ông nói: Cả làng hiện nay có gần 200 hộ là người Sán Dìu nhưng không ai còn viết và đọc được chữ viết dân tộc mình. Tham gia lớp học lần này ông sẽ cố gắng tiếp thu thật tốt để truyền dạy lại cho con cháu hiểu về nguồn cội dân tộc.
Anh Trần Văn Thành, công an xã Tân Mộc, lớp trưởng lớp học kể: Để được tham gia lớp học, các học viên phải tự đóng góp tiền mua bàn ghế, cùng các chi phí sinh hoạt khác. Vào những ngày mưa gió hay mùa vải thiều bận bịu là thế nhưng mọi người đều đến lớp rất đông đủ. Đồng bào coi việc học là quan trọng nên rất đam mê. Lớp học được tổ chức quy củ, có thầy giáo, lớp trưởng, lớp phó, kiểm tra, điểm danh và thi cử nghiêm túc. Đến nay, dù mới theo học được vài tháng nhưng đa phần các học viên đã có thể nhận biết được mặt chữ và phát âm tương đối chuẩn.
Ông Hoàng Văn Dậu, thôn Bắc 1, xã Quý Sơn - thầy dạy chữ Sán Dìu ở lớp học rủ rỉ: Ấp ủ ý tưởng mở lớp truyền dạy chữ dân tộc Sán Dìu cho bà con từ lâu, nhưng ngặt nỗi kinh phí eo hẹp nên chưa thể thực hiện được. Vừa qua, được Quỹ Bảo tồn nghệ thuật văn hoá dân gian hỗ trợ một phần kinh phí mở lớp học nên tôi đã nhận lời tham gia giảng dạy. Được biết, trong nhà ông Dậu hiện còn một số sách Hán - Nôm Sán Dìu, nội dung sách phần lớn liên quan đến tri thức dân gian, đạo đức, thiên văn, sách thuốc, dân ca và phong tục tập quán... Theo ông Dậu, học chữ Hán - Nôm đã khó, để hiểu, dịch nghĩa, phiên âm sang tiếng dân tộc Sán Dìu còn khó hơn, đòi hỏi người học phải chịu khó, đam mê mới có thể thành công... Học chữ Sán Dìu để hiểu về nhân nghĩa, gìn giữ nếp sống, phong tục tập quán đẹp, hiểu đạo lý làm người, giúp con người hướng thiện, tránh xa điều tà ác. Đây cũng là nội dung trong các bài giảng của ông Dậu trên lớp.
![]() |
Ông Hoàng Văn Dậu đang giảng bài cho các học viên. |
Ông Nguyễn Xuân Cần, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Giang cho biết: Dân tộc Sán Dìu hiện còn lưu giữ được nhiều di sản văn hoá khá phong phú, đặc biệt là sách Hán - Nôm. Trong số hơn 100 đầu sách đang được lưu giữ tại các kho gia thư của một số gia đình người Sán Dìu ở xã Quý Sơn đều là các tài liệu quý, giúp chúng ta hiểu về ngôn ngữ, chữ viết và văn hoá người Sán Dìu. Nhưng hiện nay, số lượng người biết đọc, biết viết và vận dụng kho sách ấy không nhiều. Với mục đích bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Trung tâm Trao đổi giáo dục với Việt Nam và Quỹ Hỗ trợ bảo tồn nghệ thuật văn hoá dân gian đã hỗ trợ địa phương gần 100 buổi học. Bên cạnh đó, Bảo tàng tỉnh đã hỗ trợ tài liệu, giáo án và giảng viên trong thời gian một năm, nhưng do kinh phí có hạn nên tiêu chuẩn hỗ trợ chỉ dành cho 20 người (mỗi buổi được 20 nghìn đồng/người). Tuy vậy, số lượng người tham gia vẫn tăng gấp đôi, đồng bào rất hào hứng học tập và sẵn sàng tự túc kinh phí. Hy vọng, sau khóa học này sẽ còn nhiều khóa học tương tự được tổ chức.