Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 24/03/2023 04:41 GMT+7

Hồi phục và phát triển

Biên phòng - Năm 2023 được giới chuyên gia quốc tế nhận định sẽ là một năm có những bước tiến quan trọng trong hành trình hồi phục phát triển. Bởi, trong ít nhất 3 năm qua, toàn cầu liên tục phải đối diện với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, tạo ra những động lực đổi mới chưa bao giờ mạnh mẽ đến thế.

Quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Bugey ở Saint-Vulbas, miền Đông nước Pháp. Ảnh: AFP

Cần nguồn lực mạnh giải quyết khủng hoảng năng lượng, khí hậu

Cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất trong năm 2022 là khủng hoảng năng lượng, phủ bóng khắp phương Tây lo sợ, tạo ra nỗi lo sợ cùng một lực đẩy mạnh mẽ trong việc đổi mới. Nỗ lực tìm kiếm những nguồn cung năng lượng mới xuyên suốt năm qua hầu như chưa phải là giải pháp mang tính căn cơ, nhiều nước châu Âu hiện nay đã tính đến phát triển điện hạt nhân ở khu vực. Theo đó, Pháp, Thụy Điển, Ba Lan, Hà Lan hiện nay đang hy vọng sẽ hồi sinh mạnh mẽ loại hình năng lượng này trong thời gian tới nhằm cải thiện sự phụ thuộc nguồn cung năng lượng từ bên ngoài.

Theo nhận định của Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire, bối cảnh hiện nay cho thấy, các nước công nghiệp lớn ở châu Âu sẽ sớm quay trở lại với năng lượng hạt nhân. Thời điểm cuối năm, Hà Lan và Thụy Điển cũng liên tiếp công bố các dự án mới về xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tuyên bố, việc bổ sung điện hạt nhân sẽ làm giảm lượng khí thải CO2 liên quan đến sản xuất điện và bớt phụ thuộc vào các quốc gia cung cấp nhiên liệu hóa thạch.

Giới quan sát khu vực cho biết, hàng loạt quốc gia châu Âu đã có những động thái hướng tới việc sử dụng loại năng lượng này. Điều này đánh dấu sự đảo ngược sâu sắc trong chính sách năng lượng của các nước đối với năng lượng hạt nhân.

Bên cạnh khủng hoảng năng lượng, biến đổi khí hậu cũng là vấn nạn lớn hàng đầu của nhân loại. Giáo sư kinh tế vĩ mô Roel Beetsma tại Đại học Amsterdam (Hà Lan) nhận định, trong bối cảnh đa khủng hoảng hiện nay, biến đổi khí hậu chính là cuộc khủng hoảng lớn nhất. Đây là một cuộc khủng hoảng lâu dài và cần phải có hành động đủ mạnh để gây ảnh hưởng ở quy mô chưa từng có tiền lệ.

Tại Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) ở Ai Cập, tháng 11/2022, các chính phủ nhất trí tạo một quỹ nhằm bù đắp tổn thất mà những nước đang phát triển phải hứng chịu do thảm họa thiên nhiên. Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, COP27 đã kết thúc mà không có các cam kết mới nhằm loại bỏ dần việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch, bất chấp tính cấp thiết của cắt giảm khí thải nhà kính và làm chậm quá trình nóng lên toàn cầu.

Theo nghiên cứu mới đây của Ủy ban Cứu hộ quốc tế (IRC), biến đổi khí hậu sẽ khiến các cuộc khủng hoảng nhân đạo trên toàn thế giới trở nên nghiêm trọng hơn trong năm 2023. Năm qua, biến đổi khí hậu là yếu tố chủ chốt góp phần làm tăng tình trạng khẩn cấp về nhân đạo, điển hình như: Mưa kéo dài đã gây ra tình trạng mất an ninh lương thực tại Somalia và Ethiopia; mưa lũ cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người tại Pakistan… Trước thực trạng này, IRC đã kêu gọi toàn cầu đẩy mạnh đầu tư vào ngăn ngừa và giảm nhẹ tác hại của tình trạng biến đổi khí hậu.

Xu hướng tất yếu của thời cuộc

Tiếp nối năm 2022 với hàng loạt lễ nhậm chức, năm 2023 được xem là năm có nhiều cuộc bầu cử quan trọng. Những làn gió mới về chính trị được giới chuyên gia nhìn nhận là động lực có thể thay đổi đáng kể thế giới trong năm nay. Điển hình nhất là tại Nigeria, Argentina, Pakistan, Thổ Nhĩ Kỳ, Bangladesh, Tunisia… Những quốc gia này đều đang có những vấn đề nghiêm trọng trong nội tại và có những ảnh hưởng nhất định tới cả khu vực.

Người dân xếp hàng nhận đồ ăn từ thiện miễn phí tại Thủ đô Budapest, Hungary vào cuối tháng 12/2022. Ảnh: REUTERS

Nhận định về bối cảnh an ninh chung của thế giới trong năm 2023, các chuyên gia thuộc Công ty đánh giá rủi ro International SOS trụ sở tại Anh mới đây đưa ra một danh sách những nơi nguy hiểm nhất trên thế giới năm 2023 đối với kinh doanh và lữ hành. Theo đó, những quốc gia vô vùng rủi ro trong năm 2023 bao gồm Afghanistan, Syria, Somalia, Mali, Iraq. Giới chuyên gia lý giải, việc nhóm quốc gia này ở mức vô cùng rủi ro là bởi chính phủ không có nhiều sự kiểm soát tại các khu vực rộng lớn, đồng thời, người dân và khách du lịch có nhiều rủi ro bị tấn công bởi các nhóm vũ trang.

Theo giới chuyên gia an ninh quốc tế, năm 2023 sẽ là năm mà an ninh mạng trở thành nền tảng của mọi hoạt động trong tương lai. Trên thực tế, những năm gần đây, bức tranh toàn cảnh về an ninh liên tục thay đổi. Trong đó, các công nghệ mới liên tục được nâng cao khiến các mối đe dọa trên không gian mạng trở thành thách thức an ninh lớn nhất của toàn thế giới. Hiện nay, quá trình chuyển đổi số đang ngày càng đi sâu vào từng “ngóc ngách” đời sống chính trị, kinh tế, xã hội khiến việc đảm bảo hoạt động an toàn trên không gian mạng là ưu tiên số 1 ở mọi nơi. Tuy nhiên, thực tế, phần lớn hoạt động đảm bảo an ninh mạng hiện nay vẫn thực hiện theo chu kỳ, thủ công. Xu hướng chuyển sang an ninh mạng tự động là tất yếu và sẽ được đẩy mạnh trong những năm tới theo hướng tích hợp vào mọi hoạt động.

Cũng theo giới chuyên gia, năm 2023 cũng sẽ là năm bản lề của các bước đột phá về an ninh mạng. Ước tính đến năm 2024, các chính phủ đại diện cho 3/4 dân số thế giới sẽ đưa ra hoặc triển khai luật bảo vệ dữ liệu và các tổ chức lớn dự kiến sẽ dành ngân sách nhiều hơn cho các khoản đầu tư vào công nghệ bảo mật.

Năm 2022 được xem là năm khởi đầu mạnh mẽ nhất của khái niệm đa khủng hoảng và chắc chắn, năm 2023, tình trạng này vẫn sẽ tiếp diễn, thậm chí có thể lên một “nấc thang” mới. Giới chuyên gia chính trị nhận định, kể từ khi đại dịch Covid-19 xuất hiện vào năm 2020, số lượng các cuộc khủng hoảng đã tăng lên, tạo ra thời cuộc phức tạp nhất kể từ Chiến tranh thế giới lần thứ hai.

Dẫu vậy, sau 3 năm, dù muôn vàn khó khăn đã xuất hiện, song, con người đã từng bước tìm thấy những giá trị trân quý để cùng nhau khắc phục và đi lên. Năm 2023 cũng vậy, dù bầu không khí u ám chắc chắn vẫn sẽ bao trùm, nhưng xu hướng đoàn kết quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, tạo ra niềm tin to lớn về một cuộc sống tốt đẹp hơn.

Thanh Trúc

Bình luận

ZALO