Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:24 GMT+7

Hội Nhà báo Việt Nam công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo

Biên phòng - Chiều 25-12, Hội Nhà báo Việt Nam chính thức công bố Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam.

i7hyg91kt4-8897_f_jq3qbbud2_IMG_7853
Ông Hồ Quang Lợi trả lời phỏng vấn báo chí xung quanh bản quy tắc. Ảnh: TTH

Theo đó, thực hiện Điều 8 Luật báo chí năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng Quy tắc sử dụng mạng xã hội của người làm báo Việt Nam trên cơ sở các quy định của Luật Báo chí và 10 điều Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam. 

Bản Quy tắc gồm 3 chương và 7 điều, được áp dụng với tất cả người làm báo Việt Nam, bao gồm hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, người đã được cấp Thẻ nhà báo, người chưa được cấp Thẻ nhà báo đang làm việc tại các cơ quan báo chí, cộng tác viên các cơ quan báo chí và người hoạt động trong lĩnh vực báo chí nói chung. Quy tắc này có hiệu lực từ ngày 1-1-2019.

Trong thời đại ngày nay, mạng xã hội phát triển phổ rộng, trở thành diễn đàn tự do với các thông tin đa chiều giúp dư luận xã hội có cái nhìn khách quan, toàn diện. Tuy nhiên, mặt trái của nó cũng ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống báo chí. Nhiều nhà báo, hội viên bị chi phối bởi áp lực tin bài, thời gian, đã bỏ qua khâu kiểm chứng độ xác thực của thông tin, đã phát ngôn trên mạng xã hội. Điều này gây hệ luỵ không nhỏ tới ổn định xã hội, làm suy giảm lòng tin đối với báo chí và đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Hồ Quang Lợi khẳng định, Quy tắc này đã cụ thể hoá Luật Báo chí và Quy định đạo đức nghề nghiệp, do đó mỗi nhà báo, hội viên sẽ dựa vào đó để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, cũng như xác định rõ hơn trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ của mình khi tham gia mạng xã hội. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí cũng có thêm công cụ để quản lý phóng viên của mình khi tham gia mạng xã hội.

Quy tắc sử dụng mạng xã hội yêu cầu người làm báo cần sử dụng tài khoản mạng xã hội của cá nhân mình để tương tác, chia sẻ, đăng tải, cung cấp, định hướng thông tin có ích cho xã hội và đất nước; bình luận, ý kiến nhận xét đúng mực, có văn hóa, có trách nhiệm về những vấn đề mà dư luận xã hội quan tâm, thông báo cho cơ quan có thẩm quyền những thông tin sai sự thật bị phát tán trên mạng xã hội có ảnh hưởng xấu, gây tổn hại đến lợi ích của cộng đồng, đất nước, uy tín của tổ chức, cá nhân; đồng thời, phát hiện, khai thác có kiểm chứng, có chọn lọc thông tin về những vấn đề mới của xã hội để phục vụ tác nghiệp báo chí.

Bên cạnh đó, có 8 việc/điều người làm báo Việt Nam không được vi phạm về các quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên mạng; các quy định về bảo mật dữ liệu, tài liệu, quy định về bảo vệ bí mật thông tin riêng, thông tin cá nhân của công dân và các quy định khác của pháp luật; đăng tải, gỡ bài viết, hình ảnh, âm thanh trên mạng xã hội vì mục đích tống tiền hoặc các mục đích không trong sáng khác...

Quy tắc có cụ thể các điều khoản cần làm và không được làm. Các cơ quan báo chí có trách nhiệm tổ chức học tập bộ quy tắc này và giám sát hoạt động mạng xã hội của người làm báo, giám sát lẫn nhau và có cơ chế khen thưởng, kỷ luật phù hợp.

TTH

Bình luận

ZALO