Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 22/09/2023 09:20 GMT+7

Hội nghị tiếp xúc cử tri lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam tại các địa phương

Biên phòng - Từ ngày 5 đến 7-5, tại các tỉnh Thanh Hóa, Cao Bằng, Quảng Trị và Sơn La đã diễn ra Hội nghị tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam trước kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Toàn cảnh hội nghị tại Quảng Trị. Ảnh: Phước Trung

Tại các hội nghị, lãnh đạo Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh đã báo cáo quá trình xây dựng Dự án Luật Biên phòng Việt Nam. Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam có 7 Chương, 33 Điều gồm: Những quy định chung; chính sách, nhiệm vụ Biên phòng, lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng; hợp tác quốc tế về biên phòng; lực lượng BĐBP; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng; điều khoản thi hành.

Nội dung cơ bản của Dự thảo Luật Biên phòng xác định rõ nhiệm vụ biên phòng; luật hóa quy định về hình thức quản lý, bảo vệ biên giới của BĐBP; luật hóa quy định nhiệm vụ quyền hạn của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng. Ngày 25-3-2020, tại Phiên họp Thứ 43, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí thông qua dự án Luật Biên phòng Việt Nam, giao cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến, hoàn thiện Dự án Luật Biên phòng Việt Nam để trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.

Tại hội nghị ở Quảng Trị, các đại biểu đều thống nhất việc cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia. Sau khi nghe các ý kiến của đại biểu, kết luận hội nghị, đồng chí Hoàng Đức Thắng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Trị khẳng định, việc ban hành Luật Biên phòng Việt Nam mới trên cơ sở Pháp lệnh BĐBP sẽ khắc phục được những bất cập, tồn tại và hạn chế đối với lực lượng BĐBP trong thực thi nhiệm vụ; đồng thời phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp, nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang, nhân dân là nòng cốt, BĐBP là lực lượng chuyên trách, cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số thành phần tiến thẳng lên hiện đại; xây dựng nền Biên phòng toàn dân, thế trận Biên phòng toàn dân vững mạnh, ổn định lâu dài trong nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ở khu vực biên giới vững chắc đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Cao Bằng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thế Tùng

Tại hội nghị ở Cao Bằng, các đại biểu đều nhất trí việc cần thiết ban hành Luật Biên phòng Việt Nam để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và tham gia nhiều ý kiến về các nội dung của dự thảo. Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Bế Minh Đức, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Cao Bằng, Ủy viên Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, đánh giá cao quá trình nghiên cứu, chuẩn bị và những ý kiến tham gia đóng góp có chất lượng, thiết thực của các đại biểu; đồng thời khẳng định, việc nâng cấp, ban hành Luật Biên phòng Việt Nam mới trên cơ sở Pháp lệnh BĐBP sẽ khắc phục được những bất cập, tồn tại và hạn chế đối với lực lượng BĐBP trong thực thi nhiệm vụ.

Đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực tỉnh ủy, Ủy viên Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị tại Sơn La. Ảnh: Mạnh Hùng

Tại hội nghị ở Sơn La, các đại biểu đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý về tên gọi và phạm vi điều chỉnh; tính thống nhất trong hệ thống pháp luật; giải thích và phân tích từ ngữ “Biên phòng”; nhiệm vụ biên phòng...

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Sơn La, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Sơn La, Ủy viên Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu nhằm góp phần hoàn thiện Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam; đồng thời khẳng định vai trò, sự cần thiết và tầm quan trọng của Dự án Luật Biên phòng Việt Nam đối với sự nghiệp xây dựng, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, xây dựng lực lượng chuyên trách, nòng cốt trong thực thi nhiệm vụ biên phòng; thể chế đầy đủ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới quốc gia, hợp tác quốc tế, trao đổi các thông tin về công tác đối ngoại quốc phòng, an ninh và đối ngoại biên phòng trong tình hình mới.

Đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Thủy

Tại hội nghị ở Thanh Hóa, đóng góp ý kiến cho dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam, các đại biểu nhấn mạnh về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Biên phòng Việt Nam, bởi hiện nay, nhiều lực lượng chức năng cùng hoạt động trên biên giới, khu vực biên giới, cửa khẩu với nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các văn bản pháp luật chuyên ngành, nhưng trong quá trình phối hợp công tác vẫn còn có những vướng mắc, nên cần có những quy định chung được luật hóa để tạo cơ sở pháp lý cho công tác phối hợp giữa các lực lượng được chặt chẽ và hiệu quả hơn. Thay mặt các ĐBQH tỉnh Thanh Hóa, đồng chí Đỗ Trọng Hưng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cảm ơn và tiếp thu những ý kiến của các cử tri đã đóng góp vào dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam; đồng thời nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác Biên phòng đối với chủ quyền và an ninh biên giới quốc gia.

Kết thúc hội nghị, Đoàn ĐBQH các tỉnh đã tiếp thu, ghi nhận các ý kiến và tổng hợp để báo cáo với Quốc hội tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV diễn ra trong thời gian tới. Bên cạnh đó, Đoàn ĐBQH các tỉnh đề nghị các đại biểu tiếp tục phổ biến, tuyên truyền, định hướng về dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam để nhân dân hiểu đúng, hiểu rõ, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

PV-CTV

Bình luận

ZALO