Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:10 GMT+7

Hội nghị các quan chức cao cấp về Quản lý thiên tai lần thứ 11

Biên phòng - Trong 2 ngày 21-22/9, tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Ủy ban Quốc gia APEC 2017 và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức Hội nghị lần thứ 11 các Quan chức cao cấp về quản lý thiên tai trong khuôn khổ các hoạt động của Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017.

sf8jwz6gxv-66882_84016764898382643_1
BĐBP Nghệ An kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú bão an toàn. Ảnh: Hải Thượng

Trong hai ngày đã diễn ra 5 phiên họp (2 phiên toàn thể và 3 phiên kỹ thuật) với hơn 20 báo cáo từ các nền kinh tế để chia sẻ thông tin về phát triển các hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và áp dụng các công nghệ mới để ứng phó với thiên tai “Bình thường mới”, khái niệm được sử dụng để phản ánh tình hình thiên tai hiện nay ngày càng trở nên phức tạp hơn và không thể dự đoán trước cả về tần suất, cường độ và mức độ tàn phá.

Hội nghị nhận định, các hoạt động kinh tế càng phát triển thì rủi ro do thiên tai gây ra có thể càng lớn, nhất là ở những nước có sự phát triển thiếu đồng bộ. Công tác phòng, chống thiên tai cần có kế hoạch tổng thể trên cơ sở các nguồn thông tin đa chiều. Hoạt động phòng, chống thiên tai cần được lồng ghép vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các cấp, các ngành và từng địa phương, đảm bảo phát triển bền vững và tránh gây ra những rủi ro mới, trong đó đặc biệt cần tăng cường vai trò, sự tham gia khối tư nhân và cả cộng đồng.

Hội nghị cũng đã chia sẻ nhiều giải pháp trong công tác điều hành ứng phó thiên tai được đúc rút từ kinh nghiệm thực tiễn tại các nền kinh tế, bao gồm cả giải pháp cứng và giải pháp mềm. Đặc biệt là, những thành công về ứng dụng công nghệ tiên tiến trong công tác phòng ngừa và kiểm soát thiên tai, nhu cầu cấp thiết trong việc phát triển các công cụ hỗ trợ dự báo, cảnh báo và quản lý thiên tai tổng hợp. Bên cạnh đó là các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực này.

Hội nghị đã cơ bản thông qua Bản khuyến nghị Vinh gồm 11 điểm của Hội nghị các quan chức cao cấp về Quản lý thiên tai lần thứ 11 để trình lên Hội nghị cấp cao của diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Việt Nam năm 2017, tập trung vào một số vấn đề chính như triển khai những giải pháp khoa học, công nghệ mới để hỗ trợ quá trình ra quyết định trong công tác phòng, chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng giảm thiểu các tác động của hiện tượng thiên tai "Bình thường mới", nhất là xói mòn bờ sông, bờ biển, mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, siêu bão, động đất, xâm nhập mặn. 

Tăng cường hợp tác xuyên APEC của các nền kinh tế về chia sẻ kiến thức về giảm thiểu rủi ro thiên tai để thực hiện Khung giảm thiểu rủi ro thiên tai phù hợp với các vấn đề an ninh lương thực, khoa học và công nghệ, biến đổi khí hậu, kế hoạch kinh doanh liên tục và giới....

Phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh: “Khu vực APEC của chúng ta sẽ tiếp tục phải đối mặt với những thách thức từ thiên tai và biến đổi khí hậu; dù muốn hay không muốn thì thiên tai vẫn đang là mối hiểm họa đối với con người và tài sản, môi trường sống cũng như môi trường sản xuất kinh doanh liên tục của các hoạt động kinh tế. Chúng ta cần ghi nhận và tiếp tục học hỏi, cùng nhau chia sẻ những sáng kiến từ các nền kinh tế, tiếp tục truyền tải các thông tin, bài học kinh nghiệm có giá trị, nhận thức rõ chỉ có khoa học công nghệ mới có thể giải quyết các vấn đề lớn mang tính liên vùng, liên khu vực".

Ông cũng bày tỏ hy vọng các nền kinh tế sẽ có bước tiến lớn hơn và tăng cường phối hợp hơn nữa trong trong hoạt động trao đổi thông tin khoa học, kỹ thuật và lồng ghép triển khai các khuyến nghị của Khung hành động Sendai với các kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội có liên quan; đồng thời mong rằng những thành tựu công nghệ đã chia sẻ tại Hội nghị sẽ tiếp tục được phát huy và lan tỏa trong cộng đồng APEC và đặc biệt giữa những thành viên Nhóm công tác EPWG nói riêng”.

B.P

Bình luận

ZALO