Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 30/09/2023 06:20 GMT+7

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ:

“Hội nghị bàn tròn” tiếp cận vốn ở Quảng Ngãi

Biên phòng - Sáng 11-9, tại Quảng Ngãi diễn ra hội nghị với sự tham dự của đại diện các Ngân hàng thương mại, Ngân hàng Nhà nước cùng các cơ quan liên quan nhằm bàn cách gỡ khó cho ngư dân trong việc tiếp cận nguồn vốn đóng tàu theo Nghị định 67 của Chính phủ. Tất cả các ý kiến sẽ được trình UBND tỉnh Quảng Ngãi để ra quy định thống nhất. Xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến đáng chú ý. 

101-1.JPG
Ông Trần Luyện, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Quảng Ngãi:

Quan trọng nhất trong hồ sơ vay vốn của ngư dân là phải chứng minh được phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả. Phương án này có sự kiểm soát của chính quyền địa phương, vì nếu ngư dân vi phạm thì địa phương kiểm soát được. Chúng ta không được bỏ phương án sản xuất kinh doanh, nếu như vậy là vi phạm pháp luật. Hiện nay, nếu chúng ta bỏ phương án kinh doanh, thì đối tượng cò mồi sẽ lợi dụng để trục lợi. Nguồn vốn Nhà nước, chúng ta không thể để thất thoát.

Ông Lê Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Ngãi:

UBND cấp xã, huyện, tỉnh chỉ nghiên cứu hồ sơ và phê duyệt đối tượng, tại sao lại đi phê duyệt phương án sản xuất kinh doanh? Nếu như thế là chúng ta vi phạm pháp luật. Bảo hiểm thì quy định mua bảo hiểm tai nạn phải có thẻ thuyền viên, trong khi Nhà nước đã cải cách thủ tục hành chính, bãi bỏ thẻ thuyền viên mấy năm nay. Các ngân hàng chưa có sự thống nhất trong việc thực hiện, mỗi ngân hàng quy định một cách khác nhau. Có ngân hàng cho vay vốn, đóng mới, nâng cấp nhưng không cho cải hoán, vậy là làm khó cho ngư dân. Tỉnh Quảng Ngãi triển khai cho ngư dân đóng 20 tàu vỏ thép, số tàu này đi trước lộ trình ban hành Nghị định 67, vậy chúng ta có nên khoanh lại và cho bà con hưởng chính sách của Nghị định 67 không?

438x356_102-1.JPG
Ông Nguyễn Khê, đại diện Ngân hàng Agribank - Chi nhánh Quảng Ngãi:

Về việc các ngân hàng chưa thống nhất trong cách hiểu, cách thực hiện Nghị định 67 và Thông tư 22 hướng dẫn thi hành. Cái nào chưa rõ thì điện lên trên hỏi rõ. Mọi tổ chức và cá nhân phải thực hiện đúng tinh thần của văn bản pháp luật đã quy định.

Hiện nay có 4 ngân hàng được chỉ định cho vay theo Nghị định 67, vậy 4 ngân hàng không thể đi giành khách hàng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phải báo cáo UBND tỉnh để thông qua Ngân hàng Nhà nước phân bổ nguồn vốn, số lượng tàu. Bởi ngân hàng làm theo Luật Tổ chức tín dụng. Cần quan tâm các thuyền trưởng giỏi có đủ năng lực đánh bắt và ưu tiên cho họ vay vốn để không còn cảnh đi làm thuê cho chủ tàu, giúp người làm thuê trở thành ông chủ.

103-1.JPG
Ông Tôn Long Thanh, đại diện Ngân hàng Vietcombank - Chi nhánh Quảng Ngãi:

Danh sách ngư dân đã được các cấp xét duyệt rồi, nhưng khi gửi qua ngân hàng thẩm định phương án sản xuất kinh doanh không đủ điều kiện thì ngân hàng không cho vay. Ví dụ, anh đang là đối tượng nợ nhóm 2 thì làm sao có thể tiếp tục vay tiền? Hiện nay, các chủ tàu đang đóng tàu trước khi có Nghị định 67 ra đời, đó là những người thật sự có năng lực, có tâm huyết, có năng lực tài chính. Chúng tôi rất an tâm khi cho số ngư dân này được vay.

Điều 4, khoản 3, Nghị định 67 quy định về chính sách cho vay vốn lưu động đối với chủ tàu khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản. Gói vay này không được hưởng ưu đãi. Lãi suất gói vay này 7%/năm. Tuy nhiên, các ngư dân vẫn phải đăng ký làm nhiều thủ tục theo Nghị định 67.

104-1.JPG
Ông Võ Đình Trà, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi:

Quan điểm của chúng tôi là nên tổ chức cho ngư dân đóng tàu thí điểm, sau đó nhân rộng, không làm tràn lan gây thất thoát tiền của Nhà nước. Chúng ta muốn đẩy nhanh tiến độ thực hiện Nghị định 67, trong khi chưa có sự nhất quán. Đề nghị phải có một bộ hồ sơ thống nhất ,rõ ràng về ngân hàng và các thủ tục hành chính.

Huyện Bình Sơn đã xét duyệt 48 trường hợp ngư dân được đóng tàu, nhưng có một số ngư dân không đủ năng lực. Ông Chủ tịch xã cứ thương bà con và cứ ký vào hồ sơ cho vay thì phải chịu trách nhiệm. Mà chúng ta phải xem xét ngư dân đó có đủ năng lực hay không?

105-1.JPG
Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Giám đốc BIDV Quảng Ngãi:

Tại Hội nghị triển khai Nghị định 67, ngư dân đã ý kiến về việc thuyền trưởng có năng lực đánh bắt rất tốt; biết cách tổ chức thực hiện chuyến biển thành công; đủ điều kiện đối ứng vốn, nhưng nhiều năm nay chỉ đi làm thuê cho các chủ tàu.

Vậy các thuyền trưởng này có thể được tiếp cận gói tín dụng 15.000 tỷ đồng của Ngân hàng BIDV không? Tôi khẳng định rằng, thuyền trưởng giỏi sẽ được vay tiền để đóng tàu vỏ thép. Và đây chính là cơ hội để thuyền trưởng giỏi không phải đi làm thuê...

Triển khai Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, từ nay đến năm 2016, tỉnh Quảng Ngãi sẽ đóng mới gần 189 tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.600 tỷ đồng. Số vốn này dự tính sẽ đóng mới 72 tàu vỏ gỗ và 117 tàu vỏ thép (bao gồm cả tàu khai thác và tàu dịch vụ hậu cần nghề cá). Riêng trong năm nay, tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu hoàn thành đóng mới 20 tàu.
Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO