Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 10/06/2023 08:10 GMT+7

Hội nghị An ninh Munich 2017: Thừa hoài nghi, thiếu ấn tượng

Biên phòng - Không nằm ngoài dự đoán, toàn bộ chương trình nghị sự tại Hội nghị An ninh Quốc tế ở Munich (Đức) năm nay đều tập trung vào “mổ xẻ” mối quan hệ châu Âu và Mỹ, trong khi các vấn đề như chiến tranh Syria, hay cuộc chiến chống khủng bố lại không được chú ý đúng mức.

b4zxy6tpmd-59090_1156691326778851298_gtypence1er170218_12x5_1600
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich 2017. Ảnh: Reuters

Trấn an đồng minh

Trong suốt hơn nửa thế kỷ qua, Hội nghị An ninh Munich là một trong những diễn đàn về chính sách đối ngoại và an ninh quan trọng nhất thế giới. Năm nay, hội nghị diễn ra trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang trở nên bấp bênh sau khi Tổng thống mới của Mỹ Donald Trump tuyên bố trên tờ “The Times” rằng NATO - vốn luôn được xem là trụ cột cho an ninh châu Âu trong suốt 7 thập kỷ qua - nay đã trở nên “lỗi thời”, cũng như chỉ trích các nước thành viên đã không đóng góp phù hợp để duy trì hoạt động. Ông Trump muốn ám chỉ rằng kể từ Hội nghị thượng đỉnh ở xứ Wales năm 2014, các quốc gia thành viên NATO đã thống nhất tăng chi tiêu quốc phòng lên 2%, song có rất ít quốc gia đáp ứng yêu cầu này.

Chủ đề chính của sự kiện năm nay là chính sách đối ngoại của chính quyền mới ở Mỹ và tình hình ngân sách quốc phòng của NATO. Việc chưa xác định được rõ những nội dung cơ bản của hai vấn đề chủ chốt này khiến cho sự thiếu tin tưởng của Brussels và các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) ngày một gia tăng trong bối cảnh họ đang phải giải quyết một nhiệm vụ không hề đơn giản: phát triển một chính sách an ninh và quốc phòng châu Âu thống nhất tiến tới thành lập một quân đội riêng.

Châu Âu đang trong tình trạng hỗn loạn sau “sự cố” Brexit (việc Anh rời khỏi EU), khiến cho cuộc khủng hoảng di cư thêm trầm trọng và làm gia tăng tâm lý hoài nghi châu Âu ở nhiều quốc gia. Những yếu tố này có thể tác động đáng kể đến các cuộc bầu cử lập pháp ở Hà Lan và Đức cũng như bầu cử Tổng thống ở Pháp trong năm nay. Đầu năm 2017, tình hình ở miền Đông Ukraine diễn biến xấu đi và tiến trình thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minsk trên thực tế đang đi vào ngõ cụt. Chủ nghĩa khủng bố, chiến tranh phức hợp, tội phạm mạng tiếp tục là bài toán nan giải.

Không phải ngẫu nhiên mà trong số hơn 500 đại biểu tham dự Hội nghị Munich 2017 có tới gần 300 người là lãnh đạo các quốc gia, 80 người đứng đầu Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng các nước. Trong bài phát biểu được trông đợi tại hội nghị, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã thể hiện lập trường của chính quyền mới ở Mỹ về một loạt vấn đề, đặc biệt là chính sách của Mỹ đối với NATO và EU. Tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục ủng hộ và sát cánh với NATO và châu Âu được cho là bức thông điệp trấn an từ chính quyền Trump dành cho các đồng minh.

Trong khi tuyên bố tiếp tục duy trì các cam kết với NATO, nhân vật số 2 Nhà Trắng cũng yêu cầu phải có sự chia sẻ công bằng hơn trong việc gánh vác trách nhiệm chung trong NATO và cho rằng việc các quốc gia thành viên NATO không tăng chi tiêu quốc phòng có thể làm xói mòn những giá trị cốt lõi của khối hiệp ước quân sự này. Ông Pence cũng không quên đề cập mối quan hệ với Nga, quốc gia đang giữ vai trò ngày càng nổi bật trong các vấn đề quốc tế. Ông khẳng định chính quyền mới tại Mỹ vẫn đang tìm kiếm các biện pháp mới để thống nhất lập trường chung với Nga.

Bên cạnh việc trấn an các đồng minh về vấn đề NATO và mối quan hệ với Nga, Phó Tổng thống Pence cũng tìm cách xóa tan những lo ngại xung quanh ý kiến cho rằng nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump đang xa rời các giá trị dân chủ. Tuy nhiên, những tuyên bố của ông Pence vẫn chưa thực sự làm các đồng minh châu Âu hết lo ngại. Nhiều quan chức châu Âu băn khoăn liệu nước Mỹ có thực sự đồng hành với châu Âu trong mọi vấn đề. Ruprecht Polenz, cựu Chủ tịch Hội đồng Đối ngoại thuộc Quốc hội Đức, nhận định bài phát biểu của Phó Tổng thống Pence không hề có bất kỳ triển vọng nào cho việc hợp tác trong tương lai.

Kết quả thiếu ấn tượng

Trước Hội nghị An ninh Munich đã diễn ra cuộc gặp giữa các bộ trưởng quốc phòng NATO, song không mấy ai kỳ vọng vào những tín hiệu ấm lên ở hội nghị này. Trên thực tế, diễn đàn Munich đã đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ:

Thứ nhất, phái đoàn Mỹ đã đưa ra các tín hiệu trấn an các đồng minh và đối tác châu Âu. Họ đã đảm bảo chính sách của Mỹ đối với sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương và các giá trị chung sẽ không thay đổi, tuy nhiên họ lại không mang tới một tương lai rõ ràng và chắc chắn về chính sách ngoại giao của nước Mỹ. Câu hỏi về việc Mỹ sẽ làm gì nếu các đối tác châu Âu không thực hiện đủ các nghĩa vụ về gia tăng ngân sách chi tiêu quân sự cho đến năm 2024 vẫn còn để ngỏ.

Thứ hai, các chính trị gia châu Âu (chủ yếu là từ Đức) đã cố gắng chuyển tải đến Tổng thống Trump những quan ngại của họ về tương lai chính sách ngoại giao của Mỹ. Các chính trị gia châu Âu tỏ ý sẵn sàng tăng chi tiêu quân sự, nhưng những triển vọng về chính sách quốc phòng châu Âu và mối liên hệ của chính sách đó với chiến lược của NATO đã không được cụ thể hóa.

Thứ ba, không ai đặt câu hỏi về mục đích tăng chi tiêu quân sự của các quốc gia thành viên NATO (hiện ở mức hơn 800 tỷ USD) và về nội dung chất lượng chính sách quốc phòng cũng như chính sách an ninh tương lai của tổ chức này trong bối cảnh xuất hiện nhiều thách thức mới.

Thứ tư, Nga vẫn được coi là thách thức và mối đe dọa cơ bản đối với NATO và một số thành viên của khối này, chủ yếu là các quốc gia Baltic, liên quan đến tình hình xung quanh bán đảo Crimea.

Thứ năm, hội nghị một lần nữa trở thành diễn đàn để cáo buộc Nga gây ra cuộc khủng hoảng ở Ukraine và không thực thi trách nhiệm trong khuôn khổ thỏa thuận Minsk. Hội nghị cũng không ghi nhận những nỗ lực thảo luận ở cấp chuyên gia về nguyên nhân cuộc khủng hoảng ở miền Đông Ukraine, các cơ chế thực tế để thoát khỏi khủng hoảng, và khả năng sẵn sàng của các bên liên quan, nhất là chính quyền Ukraine, trong việc đảm bảo tiến độ ổn định để thực thi tiến trình Minsk.

Thứ sáu, một số các nhà lãnh đạo phương Tây đã cho thấy sự cần thiết phải duy trì và tái thiết lập quan hệ với Nga, song vẫn dựa trên cơ sở tiếp tục duy trì áp lực trừng phạt.

Thứ bảy, ngoại trừ việc công nhận vai trò của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria, các cuộc thảo luận về những vấn đề liên quan đến khu vực Trung Đông cơ bản đã thất bại.

Như Lan

Bình luận

ZALO