Biên phòng - Gắn công tác đào tạo của Học viện sát thực tiễn biên cương là toàn bộ nội dung xuyên suốt của Hội thảo “Chất lượng đào tạo tại Học viện Biên phòng (HVBP) là khả năng sẵn chiến đấu, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia của các đơn vị BĐBP” được tổ chức tại HVBP vào sáng 29-6.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam dự, phát biểu tại hội thảo. Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc HVBP chủ trì hội thảo.
Theo báo cáo đề dẫn tại hội thảo, thời gian qua, tình hình biên giới biển đảo còn nhiều diễn biến phức tạp, các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng vấn đề dân tộc tôn giáo, những thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của lực lượng chức năng để chống phá Đảng, Nhà nước và quân đội. Hoạt động quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia còn nhiều bất cập... Do đó, với vai trò là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học của BĐBP, 58 năm qua, Học viện đã đào tạo hàng vạn cán bộ cho BĐBP và Bộ Công an. Các thế hệ học viên được đào tạo tại học viện ra trường đều yên tâm, phấn khởi thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.
HVBP đã thực hiện có hiệu quả nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ “Học thật, thi thật, nhân tài thật” và phương châm của Bộ Quốc phòng “Chất lượng đào tạo của Nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị”. Với tư duy và cách làm sáng tạo, HVBP đã có những chủ trương hợp lý, đưa phương châm của Bộ Quốc phòng vào thực tiễn dạy và học của Học viện như chủ trương “Dạy thật, học thật, thi thật, rèn thật, kỷ luật thép”, “Biên giới trong lòng học viện”…
Qua đó đã phát huy hiệu quả và tạo sức lan tỏa sâu, rộng, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo, đáp ứng yêu cầu đào tạo đội ngũ cán bộ biên phòng chắc về năng lực, giỏi về nghiệp vụ và tinh thông về pháp luật, đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới.
Tại hội thảo, có 12 ý kiến phát biểu. Các ý kiến đều xoay quanh nội dung: Gắn công tác đào tạo của Học viện sát với thực tiễn biên cương. Các ý kiến phát biểu đã mạnh dạn chỉ rõ thực tế chất lượng giáo dục, đào tạo của HVBP trong thời gian qua, mục tiêu, chương trình, nội dung của nhiệm vụ giáo dục đào tạo; thực tiễn chất lượng của đội ngũ nhà giáo; công tác xây dựng đơn vị nền nếp chính quy; công tác xây dựng giáo trình tài liệu phục vụ nhiệm vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học...

Phát biểu tại hội nghị, Thiếu tướng Nguyễn Văn Oanh, Cục trưởng Cục Nhà trường, Bộ Tổng tham mưu QĐND Việt Nam biểu dương HVBP đã tiên phong trong tổ chức hội thảo đưa chủ trương của Bộ Quốc phòng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị. Đồng chí Cục trưởng Cục Nhà trường đã thông tin thêm về tình hình nhiệm vụ của Quân đội trên các mặt công tác và nhiệm vụ giáo dục - đào tạo của Nhà trường Quân đội trong thời gian tới. Đồng thời, nhấn mạnh, cần đưa chủ trương “Chất lượng đào tạo của Nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị” thành chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo của các học viện, nhà trường Quân đội nói chung và của HVBP nói riêng.
Kết luận hội thảo, Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp, Giám đốc HVBP đã lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của thủ trưởng Cục Nhà trường. Đồng thời, ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tham luận của cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trong toàn Học viện.
Thời gian tới, để phương châm của Bộ Quốc phòng được triển khai rộng khắp, Thiếu tướng Trịnh Hoàng Hiệp yêu cầu, cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đặc biệt là cấp ủy, chỉ huy 11 khoa giáo viên cần hiểu rõ nội hàm phương châm “Chất lượng đào tạo của Nhà trường là khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị”, gắn với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia; kết hợp các nội dung bài giảng với việc nâng cao ý chí quyết tâm, phương pháp tác phong công tác của từng học viên.
Các khoa cần tập trung chuyển đổi nội dung trang bị lý luận sang trang bị kỹ năng thực hành cho người học. Thường xuyên nâng cấp, bổ sung giáo trình tài liệu, sát với thực tiễn và những biến đổi trên các tuyến biên giới, tạo điều kiện để cán bộ, giảng viên có thêm thời gian thực tế, khảo sát, thu thập tài liệu trên các tuyến biên giới phục vụ nhiệm vụ giáo dục đào tạo của Học viện.
Mai Viết Nhân