Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ tư, 31/05/2023 03:04 GMT+7

Học tiếng Vân Kiều để hiểu và gần dân hơn

Biên phòng - Việc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập, BĐBP Quảng Trị học tiếng Vân Kiều không chỉ là thực hiện “Cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng tiếng nói dân tộc”, mà còn thể hiện sâu sắc hơn nữa phương châm sống “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” của cán bộ chiến sĩ BĐBP. Với sự linh hoạt trong thời gian giảng dạy, nội dung học thực tế đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập.

Thiếu tá Hoàng Xuân Biên, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Hướng Lập (thứ 2 từ trái sang) trong một lần "thực hành" tiếng Vân Kiều tại thôn Xà Đưng, xã Hướng Việt. Ảnh: Trúc Hà

Sáng thứ 6, sau khi kết thúc nội dung giao ban tuần, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập tiếp tục ở lại hội trường để Thiếu tá Hồ Văn Bình, Phó Đồn trưởng lên lớp giờ học tiếng Vân Kiều. Không khí học tập dần trở nên sôi nổi khi bài học là phần giao tiếp hàng ngày với những tình huống cụ thể. Mọi người cùng nhau phát âm pạ (bố), pỉ (mẹ), cha đôi (ăn cơm), ngọi đợ (uống nước)... Thiếu tá Hồ Văn Bình là người Vân Kiều, sinh ra và lớn lên ở xã Hướng Phùng (huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị), bởi vậy, khi đơn vị triển khai nội dung học tiếng dân tộc, anh là người soạn giáo án và trực tiếp giảng dạy. Để có được các bài giảng chất lượng, Thiếu tá Hồ Văn Bình mất nhiều công sức chuẩn bị nội dung sao cho gắn với thực tế, gần gũi cuộc sống và công tác của người cán bộ Biên phòng. Bởi vậy mà mỗi tiết học do anh đứng lớp đều gây hứng thú cho mọi người thay vì cảm thấy áp lực học... ngoại ngữ.

Tinh thần, trách nhiệm và ý thức học tập tiếng Vân Kiều của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập không chỉ là ghi chép cẩn thận, mỗi người còn hăng hái phát biểu, tạo các tình huống giao tiếp cũng như hỏi các vấn đề ngoài giáo trình. Sự tham gia của cán bộ, chiến sĩ là người Vân Kiều trong đơn vị đã hỗ trợ giáo viên nâng cao chất lượng giờ học. Đặc biệt, không chỉ cán bộ, chiến sĩ, mà chỉ huy đơn vị như Thiếu tá Hoàng Minh Thiết (Phó Đồn trưởng), Thiếu tá Hoàng Văn Biên (Chính trị viên phó) cũng rất nghiêm túc tham gia. Đối với chỉ huy cấp đội luôn coi đây là “chứng chỉ” đảm bảo hiệu quả công tác tại địa bàn. Thượng úy Dương Đăng Anh, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng chia sẻ: “Với đặc thù công việc là thường xuyên ở địa bàn thì việc nghe, nói được tiếng Vân Kiều sẽ giúp được rất nhiều cho công việc của tôi. Khi được quý mến, thì những gì bộ đội nói, làm, người dân sẽ tin, làm theo, thế nên ngoài việc học ở đơn vị, chúng tôi cũng tranh thủ học trong mỗi lần đi địa bàn”.

Nói về việc mở và duy trì nghiêm túc các tiết học tiếng Vân Kiều tại đơn vị, Trung tá Nguyễn Công Trình, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hướng Lập cho biết: “Gọi là lớp học, nhưng thực chất đây là giờ huấn luyện của đơn vị về tiếng dân tộc, mà cụ thể là tiếng Vân Kiều. Hơn 90% dân số trên địa bàn quản lý của đơn vị (là 2 xã Hướng Lập và Hướng Việt, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị) là người Vân Kiều, bởi vậy, qua công tác, cán bộ, chiến sĩ cũng đã tự học, có một số vốn từ đáng kể. Tại các giờ huấn luyện, tổ giáo viên tập trung củng cố thêm về ngữ pháp, phát âm để cán bộ tự tin hơn trong giao tiếp”. Cũng theo Trung tá Nguyễn Công Trình: “Để có hiệu quả tốt nhất, giờ huấn luyện cũng được tổ chức linh hoạt. Đặc thù của đơn vị là có các tổ công tác, trạm kiểm soát và Chốt quản lý, bảo vệ biên giới và phòng, chống dịch Covid-19, nên việc học thường được bố trí vào các lần sinh hoạt chi bộ, giao ban tuần, học nghị quyết. Tuy nhiên, các giờ học tiếng Vân Kiều vẫn phải đảm bảo về thời gian, chất lượng”.

Giờ huấn luyện học tiếng Vân Kiều của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập. Ảnh: Trúc Hà

Sự nghiêm túc của giáo viên, sự tích cực học tập của cán bộ, chiến sĩ đối với các giờ huấn luyện tiếng Vân Kiều đã đem lại hiệu quả thực tế. Trung tá Hồ Lê Luận, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hướng Lập chia sẻ: “Có thể, nhiều người nghĩ rằng, hiện nay, đồng bào nhiều người nói tốt tiếng phổ thông, nên việc học tiếng đồng bào không thật sự cần thiết. Tuy nhiên, trong thực tế, khi đi địa bàn, nếu biết nói tiếng Vân Kiều thì khoảng cách giữa cán bộ và người dân được rút ngắn. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn thật sự gần, hiểu dân hơn thông qua việc học tiếng, phong tục tập quán. Những lí do ấy đã trở thành động lực để mỗi cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị tích cực học tập”.

Quản lý địa bàn có đại đa số là người Vân Kiều nên việc thường xuyên tiếp xúc giúp cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Hướng Lập có cơ hội thực hành, sử dụng những điều đã học. Tinh thần nỗ lực, tự học ấy đã chiếm được cảm tình của người dân. Già làng Hồ Văn Đang (thôn Trăng Tà Puồng, xã Hướng Việt) cho biết: “Thấy các con Biên phòng học tiếng Vân Kiều, bố vui lắm. Lúc nào cũng lo cho dân, am hiểu phong tục, tập quán, giờ tiếng nói cũng biết thì BĐBP thực sự là người con, người anh em của bà con Vân Kiều rồi”.

Đầu năm 2022, Đồn Biên phòng Hướng Lập được mạnh thường quân tài trợ kinh phí để xây phòng khám và thư viện biên giới. Vị trí được chọn là khu vực đất rẫy của gia đình ông Hồ Văn Lờ và và Hồ Văn Vĩ, tại thôn Xà Đưng, xã Hướng Việt. Bà Hồ Thị Thanh (vợ ông Hồ Văn Vĩ) chia sẻ: “Thực lòng, ban đầu, tôi không ưng lắm vì điều kiện gia đình khó khăn. Với diện tích rẫy này, tôi có thể trồng sắn, ngô, bán đi cũng mang số tiền đáng kể. Tuy nhiên, qua nhiều lần bộ đội tới nói chuyện, tôi bỗng thấy thương, nhất là khi có những cán bộ người miền xuôi nhưng lại nói được tiếng Vân Kiều chúng tôi. Tôi thấy cán bộ Biên phòng thật sự lo cho dân, bởi vậy mà đến nay đã hoàn toàn ủng hộ việc hiến đất cho đồn Biên phòng xây phòng khám và thư viện biên giới”.

“Việc làm nhỏ, hiệu quả lớn” là đánh giá của nhiều người về những giờ huấn luyện tiếng Vân Kiều của Đồn Biên phòng Hướng Lập. Đây được coi là “chiếc cầu nối” giúp người lính Biên phòng đi nhanh hơn, đến gần hơn cũng như thấu hiểu hơn người dân trên địa bàn.

Trúc Hà

Bình luận

ZALO