Biên phòng - Đồn Biên phòng Lai Hòa, BĐBP Sóc Trăng có nhiệm vụ quản lý địa bàn 2 xã Lai Hòa và Vĩnh Tân, thị xã Vĩnh Châu với trên 10km bờ biển, có 3 dân tộc cùng sinh sống: Khmer, Kinh và Hoa (trong đó, người Khmer chiếm trên 70%). Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, cán bộ, chiến sĩ (CBCS) đơn vị đã vượt qua rất nhiều khó khăn, trong đó có trở ngại về ngôn ngữ để đến gần hơn với dân, góp phần xây dựng vững chắc thế trận lòng dân, xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Biên phòng trong lòng đồng bào các dân tộc nơi biên giới.

Ngôn ngữ là phương tiện giao tiếp quan trọng nhất của con người. Đóng quân ở địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, bên cạnh việc am hiểu phong tục tập quán của đồng bào thì việc học tiếng Khmer là vô cùng quan trọng, là cầu nối giữa CBCS với người dân, để “nghe dân nói, nói dân hiểu”, tạo được niềm tin yêu của quần chúng nhân dân với người lính quân hàm xanh. Xuất phát từ tình hình đó, để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Đồn Biên phòng Lai Hòa đã tổ chức mở lớp học tiếng dân tộc Khmer ngay tại đơn vị để giúp CBCS nghe, hiểu và nói thành thạo tiếng dân tộc. Thời gian học được bố trí vào chiều thứ 2 và thứ 6 trong tuần và tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ tại đơn vị.
Thầy giáo đứng lớp là Thiếu tá Huỳnh Nét, Đội trưởng tàu thuyền, là người địa phương thông thạo việc nói và viết chữ Khmer. Sau khi được đơn vị giao nhiệm vụ triển khai nội dung dạy tiếng Khmer cho CBCS đơn vị, Thiếu tá Huỳnh Nét soạn giáo án và trực tiếp giảng dạy. Để có được các bài giảng chất lượng, Thiếu tá Huỳnh Nét mất nhiều công sức chuẩn bị nội dung sao cho phù hợp với thực tế, gần gũi cuộc sống, giúp cho CBCS dễ hiểu nhất và sát với nhiệm vụ công tác của người cán bộ Biên phòng. Bởi vậy mà mỗi tiết học do anh đứng lớp đều gây hứng thú cho mọi người thay vì cảm thấy áp lực trong mỗi tiết học.
Trung úy Nguyễn Đăng Hoàng, Đội trưởng Đội Phòng chống ma túy và tội phạm, Đồn Biên phòng Lai Hòa chia sẻ: “Tôi là sĩ quan trẻ mới ra trường, quê ở Hà Tĩnh, nên khi được điều động vào nhận nhiệm vụ ở địa bàn có tỷ lệ đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, rào cản về ngôn ngữ khiến công việc gặp nhiều khó khăn. Với đặc thù công việc là thường xuyên bám địa bàn, bám dân thì việc nghe, hiểu và nói được tiếng dân tộc Khmer sẽ giúp được rất nhiều cho công việc của tôi. Sau khi học trên lớp, những lúc cùng sinh hoạt, lao động, chúng tôi thường sử dụng tiếng dân tộc vừa được học để dễ nhớ, dễ thuộc. Từ nào chưa biết, chưa hiểu thì hỏi nhau. Những lúc xuống tham gia lao động sản xuất, làm công tác vận động quần chúng cùng bà con, anh em tranh thủ học hỏi đồng bào. Cứ thế, người biết dạy cho người chưa biết, qua đó, tích lũy vốn từ và nâng cao trình độ giao tiếp tiếng địa phương. Đến giờ, tôi đã cơ bản nghe hiểu và giao tiếp thông thường với bà con bằng tiếng dân tộc”.
Việc mở lớp học tiếng Khmer tại Đồn Biên phòng Lai Hòa đã nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, tham gia xây dựng cơ sở chính trị địa phương, giúp nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh cũng như đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trên địa bàn. Ông Lý Phuông, Trưởng ban nhân dân ấp Prey Chóp B, xã Lai Hòa, thị xã Vĩnh Châu chia sẻ: “Ở địa phương, đồng bào dân tộc Khmer chiếm tỷ lệ cao, nếu BĐBP không học tiếng dân tộc Khmer thì khó tiếp cận được với bà con. Hiện nay, tôi thấy cán bộ Đồn Biên phòng Lai Hòa xuống địa bàn tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho bà con nhân dân đã nói và hiểu được tiếng dân tộc nên bà con dễ hiểu và cảm thấy gần gũi hơn nhiều”.
Trung tá Nguyễn Hữu Trạng, nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Lai Hòa đã có nhiều năm công tác gắn bó với bà con đồng bào Khmer, anh là một ví dụ tiêu biểu của tinh thần tự học tiếng dân tộc. Nhận thức được tầm quan trọng của việc học tiếng của bà con phục vụ công việc hằng ngày của mình, anh đã cố gắng tự học, học qua sách vở, qua đồng đội và qua thực tế những lần đi địa bàn tiếp xúc với bà con để nâng cao khả năng giao tiếp bằng tiếng địa phương. Đến nay, đồng chí Trạng đã nói thông thạo tiếng Khmer.
Anh chia sẻ: “Tôi luôn tự xác định, người cán bộ Biên phòng sống với đồng bào dân tộc trước hết phải nghe được dân nói, nói cho dân hiểu và làm cho dân tin. Muốn tuyên truyền, triển khai các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và địa phương đến người dân thì phải biết tiếng của đồng bào. Bằng sự cố gắng, khắc phục khó khăn của bản thân để tự học, đến nay, trong các buổi tuyên truyền và cuộc họp tại các địa bàn có đông đồng bào người Khmer, tôi sử dụng cả tiếng phổ thông và tiếng Khmer”.

Đại úy Huỳnh Lý Tưởng, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Lai Hòa cho biết: “Đơn vị quản lý địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống nên việc nghe, hiểu và biết nói tiếng Khmer sẽ giúp cho khoảng cách giữa cán bộ và người dân được rút ngắn. Để việc học của CBCS có hiệu quả tốt nhất, chúng tôi yêu cầu các tổ đội công tác, đặc biệt là Đội Vận động quần chúng phải nghe, hiểu và giao tiếp được bằng tiếng Khmer. Mục đích nhằm tuyên truyền, vận động bà con nhân dân vùng dân tộc thiểu số nắm được chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ trọng tâm là bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Ngoài việc học tiếng để phục vụ cho công tác thì nó còn giúp cho CBCS đơn vị hiểu rõ hơn về nét văn hóa và phong tục tập quán của đồng bào Khmer. Những lí do ấy đã trở thành động lực để mỗi CBCS trong đơn vị tích cực học tập”.
Học qua sách vở, học qua đồng nghiệp và học trong thực tế thực hiện nhiệm vụ chính là cách học tốt nhất của những người lính mang quân hàm xanh ở Đồn Biên phòng Lai Hòa. Khi tiếp xúc với người dân, hiểu và sử dụng ngôn ngữ của họ chính là cầu nối để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến gần với người dân hơn.
Văn Long