Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:23 GMT+7

Học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số để gần dân, hiểu dân hơn

Biên phòng - Là lực lượng nòng cốt, chuyên trách trong bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia đoạn đi qua tỉnh Thừa Thiên Huế, từ lâu, BĐBP tỉnh Thừa Thiên Huế đã xây dựng được mối đoàn kết gắn bó mật thiết với đồng bào các dân tộc ở huyện biên giới A Lưới. Để đạt được mục tiêu đặt ra cho cán bộ BĐBP tỉnh công tác trên địa bàn này là phải “hiểu được đồng bào nói, nói cho đồng bào hiểu, làm cho đồng bào tin”, trong nhiều năm qua, BĐBP tỉnh đã chủ động tổ chức mở nhiều lớp học tiếng dân tộc thiểu số Pa Cô, Tà Ôi cho cán bộ Biên phòng đang công tác trên tuyến biên giới A Lưới. Đây là một việc làm thiết thực nhằm vừa phục vụ cho nhiệm vụ chính trị của BĐBP tỉnh, vừa đáp ứng yêu cầu xây dựng địa bàn biên giới vững mạnh.

bypc_9
Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP Thừa Thiên Huế trao giấy chứng nhận cho các học viên lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc thiểu số năm 2019. Ảnh: Mai Trí

Đại tá Lê Văn Nguyên, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy BĐBP tỉnh cho biết: “Việc tổ chức học tiếng dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo cho cán bộ Biên phòng phải giao tiếp được với đồng bào bản địa bằng chính ngôn ngữ của họ, hướng đến mục tiêu có thể giao tiếp thành thạo để phục vụ tốt hơn cho công tác bảo vệ biên giới. Đồng thời, thông qua các lớp học này nhằm giúp BĐBP tỉnh nắm được phong tục tập quán, những nét văn hóa truyền thống cần phát huy và những tập tục lạc hậu cần loại bỏ của các dân tộc thiểu số nơi địa bàn mình công tác”. 

Nói về việc tổ chức học tiếng dân tộc thiểu số của BĐBP tỉnh, đồng chí Nguyễn Thị Sửu, Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy A Lưới (là người đồng bào thiểu số bản địa) chia sẻ: “A Lưới là huyện biên giới duy nhất và cũng khó khăn nhất của tỉnh Thừa Thiên Huế, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh và môi trường sinh thái. Trong đó, địa bàn hoạt động của các đồn Biên phòng ở huyện A Lưới gồm 12 xã biên giới, có 4 đồn Biên phòng đóng quân; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 77,5% gồm các dân tộc Pa Cô, Tà Ôi, Ka Tu, Pa Hy, Vân Kiều và một số dân tộc ít người khác di cư đến. Việc BĐBP tổ chức mở được nhiều lớp học tiếng dân tộc thiểu số vừa mang ý nghĩa chính trị, vừa thể hiện tình cảm gắn bó của BĐBP đối với đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn”. 

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, các lớp học tiếng đồng bào dân tộc thiểu số do BĐBP Thừa Thiên Huế tổ chức được triển khai ngay tại doanh trại các đơn vị vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ. Các đồn Biên phòng cử những cán bộ là sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp  có thời gian công tác lâu năm tại đơn vị, gắn bó nhiều năm ở địa bàn, thành thạo ngôn ngữ của các tộc người bản địa làm giáo viên lên lớp. 

Trung tá Hồ Văn Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Hồng Vân (người dân tộc Pa Cô) là một trong những đồng chí đã có nhiều năm làm giáo viên trực tiếp đứng lớp, cho rằng: “Để khắc phục khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, chúng tôi đã phải dày công nghiên cứu tìm chọn những nội dung, từ ngữ cần thiết, thông dụng nhất để truyền đạt. Phương châm thực hiện của chúng tôi là người biết hướng dẫn cho người chưa biết, người biết nhiều trao đổi với người biết ít và người biết ít nói lại với người chưa biết. Ngoài việc học tập trung tại đơn vị, chúng tôi yêu cầu học viên những lúc xuống địa bàn hoạt động, đi họp, hay tham gia lao động, giao lưu, tuyên truyền, vận động quần chúng phải tranh thủ tiếp xúc với bà con để nâng cao khả năng giao tiếp và vốn từ vựng của ngôn ngữ các dân tộc bản địa”. Có thể thấy, đó là những cách thức học tập hiệu quả đã giúp cho đội ngũ cán bộ công tác ở các đồn Biên phòng dọc tuyến biên giới A Lưới có thể nghe, hiểu và trao đổi cơ bản được bằng tiếng của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn mình phụ trách, cũng như tiếng của đồng bào các dân tộc Lào địa bàn đối diện vốn có mối quan hệ bà con thân thiết với đồng bào các dân tộc ở A Lưới. Đặc biệt, hiện nay, có rất nhiều đồng chí nói và phiên dịch được tiếng Lào.

Trung úy Nguyễn Tống Thanh Tú, Trợ lý Phòng Trinh sát bộc bạch: “Nhờ được tham gia lớp học tiếng dân tộc đã giúp chúng tôi thuận lợi hơn rất nhiều trong việc tiếp xúc, gần gũi với đồng bào và hiểu, nắm bắt được nội dung khi họ “phát sóng ngắn” (nói chuyện với nhau) bằng ngôn ngữ của đồng bào”. 

Trước đó, ngày 25-8-2015, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có Kế hoạch số 2925/KH-BTL về việc xây dựng Đề án "Liên kết với chính quyền địa phương mở lớp học tiếng dân tộc cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP đang công tác vùng dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới”. Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thuộc huyện A Lưới tổ chức mở lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho cán bộ các đồn Biên phòng. Theo đó, trung tâm đã cử giáo viên trực tiếp đến phối hợp cùng với các đồng chí giáo viên của đơn vị tổ chức giảng dạy; tổ chức thi sát hạch, cấp chứng chỉ cho học viên Biên phòng. Qua tổng hợp của cơ quan chính trị BĐBP tỉnh, từ năm 2013 đến nay, BĐBP Thừa Thiên Huế đã tổ chức được 7 lớp học tiếng dân tộc Tà Ôi, Pa Cô cho 187 sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp của các đơn vị Biên phòng. Qua kiểm tra cuối các khóa, các lớp học đều đảm bảo hoàn thành nội dung, chương trình học tập, đạt được mục tiêu, yêu cầu đề ra, 100% học viên đạt loại khá và giỏi. Với kết quả từ các lớp học đó đã góp phần quan trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và bảo vệ biên giới của BĐBP tỉnh. 

Trao đổi về những kinh nghiệm trong việc tổ chức mở lớp, cũng như việc đổi mới phương pháp, hình thức giảng dạy, Thượng tá Phạm Tùng Lâm, Phó Chính ủy BĐBP tỉnh chia sẻ: “Trong những năm tới, để triển khai thành công Đề án 771 của Chính phủ về “Bồi dưỡng kiến thức dân tộc đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2018-2025”, BĐBP tỉnh sẽ tiếp tục phát huy kinh nghiệm, kết quả đã đạt được, mở thêm nhiều lớp dạy tiếng dân tộc thiểu số cho các đồng chí chưa được học. Tuy nhiên, các lớp học cũng cần nghiên cứu triển khai đa dạng hóa thêm các hình thức học tập; tăng cường khai thác ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, trình chiếu nội dung bài giảng tạo trực quan sinh động, dễ tiếp thu hơn. Đặc biệt là cần nghiên cứu xây dựng hệ thống bộ chữ viết để ghi lại cách phát âm, cấu tạo âm – vần của từng dân tộc và biên soạn thành tài liệu nghiên cứu, học tập lâu dài. Bên cạnh đó, người học phải tăng cường tiếp xúc, trao đổi thường xuyên hơn với đồng bào dân tộc thiểu số; theo dõi, cập nhật thêm các thông tin được phát sóng trên các chương trình truyền hình, truyền thanh bằng tiếng dân tộc thiểu số”.

Mai Trí

Bình luận

ZALO