Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ bảy, 23/09/2023 12:44 GMT+7

Học tiếng "đồng bào" để quân dân thêm gắn kết

Biên phòng - Trong tiết trời se lạnh của miền biên giới A Lưới, tỉnh Thừa Thiên Huế, theo chân các học viên Biên phòng đang theo học tiếng dân tộc Pa Kô, Tà Ôi đi thực tế tại địa phương, tôi mới hiểu hết được giá trị của việc thông thạo ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Vừa thấy chúng tôi dừng xe ở bản Ki Ré, xã Hồng Thượng, người già, trẻ em đã ùa ra đón chúng tôi như đón người thân đi xa trở về. Mặc dù không hiểu tiếng Pa Kô, Tà Ôi, nhưng qua cử chỉ, thái độ của người dân, tôi dễ dàng nhận thấy, bà con dành rất nhiều niềm tin yêu cho người chiến sĩ Biên phòng đang làm nhiệm vụ nơi đây.

l8i1_4a
Học viên lớp học tiếng dân tộc Pa Kô, Tà Ôi do Bộ Chỉ huy BĐBP Thừa Thiên Huế tổ chức, đi thâm nhập thực tế tại cơ sở. Ảnh: Hồ Việt

Điều kiện để hiểu dân, gần dân hơn

Thiếu tá Hoàng Văn Khương, cán bộ Biên phòng tăng cường xã, hiện đang giữ chức danh Phó Bí thư Đảng ủy xã Hồng Thượng, thành viên trong chuyến đi thực tế cơ sở cho chúng tôi biết, nhờ học tiếng Pa Kô, Tà Ôi, anh đã nói chuyện, gần gũi và hiểu bà con hơn. Người dân địa phương thấy cán bộ nói được tiếng của đồng bào mình, càng thêm tin yêu và đồng thuận với những thông tin, hướng dẫn của bộ đội. Hiệu quả của việc nắm tình hình và vận động quần chúng nhờ đó tăng lên rõ rệt.

Được biết, huyện A Lưới có 84km đường biên giới, trải dài qua 12 xã biên giới, có 2 cửa khẩu chính là Hồng Vân và A Đớt thông thương với nước bạn Lào và nhiều đường tiểu ngạch qua biên giới. Dân cư sinh sống tại đây chủ yếu là đồng bào dân tộc Pa Kô, Tà Ôi. Người dân hai bên biên giới có quan hệ thân tộc, thường xuyên qua lại quan hệ làm ăn, buôn bán, thăm thân. Đời sống vật chất, tinh thần, trình độ dân trí của đồng bào còn thấp, cơ sở hạ tầng và kinh tế chậm phát triển, một số tập tục lạc hậu chưa được xóa bỏ.

Đại tá Lê Văn Nguyên, Chính ủy BĐBP tỉnh khẳng định: "A Lưới là một địa bàn trọng điểm, chiến lược của tỉnh và là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ về hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép chất ma túy, buôn bán phụ nữ, trẻ em, khai thác lâm khoáng sản trái phép, di cư tự do và hoạt động tôn giáo trái phép. Để giải quyết có hiệu quả các vấn đề này, chúng tôi vẫn thường nhấn mạnh với cán bộ, chiến sĩ, nhất là 4 đồn BP tuyến A Lưới về quan điểm "được lòng dân, làm gì cũng thuận". Và hiểu được tiếng của đồng bào DTTS là con đường ngắn nhất để được lòng dân... Vì vậy, Đảng ủy, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp với Trung tâm giáo dục thường xuyên hướng nghiệp dạy nghề huyện A Lưới mở lớp dạy tiếng dân tộc năm 2016 cho 21 cán bộ đang công tác tại 4 đồn BP tuyến A Lưới".

Trong 4 tháng, các học viên được truyền đạt những kiến thức cơ bản về từ ngữ, chữ viết, cách giao tiếp, phong tục tập quán của đồng bào dân tộc Pa Kô, Tà Ôi; kết hợp vừa học trên lớp, vừa tổ chức các buổi đi thực tế xuống cơ sở theo chủ đề đã học, qua đó nâng cao khả năng giao tiếp với đồng bào DTTS.

Bảo tồn giá trị văn hóa ở cơ sở

Thượng úy Lê Anh Tuấn, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn BPCK Hồng Vân cho biết: "Trên địa bàn đơn vị đóng quân có trên 90% đồng bào dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, các cán bộ mới về nhận công tác, nếu không biết tiếng, biết chữ và hiểu phong tục tập quán của đồng bào sẽ hết sức khó khăn. Do vậy, sau lớp học này, chúng tôi sẽ vận dụng vào thực tiễn công tác, vận động bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế, góp phần xóa đói, giảm nghèo. Đồng thời, tham gia bảo tồn phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào cũng như vận động nhân dân bảo tồn chữ viết của mình để lưu truyền cho thế hệ mai sau. Tôi thấy việc học tiếng, học chữ của đồng bào DTTS là hết sức cần thiết, giúp cán bộ gần dân, hiểu dân hơn".

Ông Hồ Xuân Trăng, Bí thư Huyện ủy A Lưới nhấn mạnh: Việc tổ chức dạy học tiếng đồng bào DTTS cho cán bộ Biên phòng công tác ở vùng DTTS, miền núi là chủ trương rất đúng đắn và rất sâu sát của Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh, qua đó, nhằm giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Pa Kô, Tà Ôi, làm giàu thêm kho tàng di sản văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Bí thư Huyện ủy Hồ Xuân Trăng cho biết thêm, hiện nay, trên địa bàn huyện, nhiều người dân tộc Pa Kô, Tà Ôi biết nói tiếng dân tộc mình, nhưng chưa biết sử dụng chữ viết mà cha ông họ đã sáng tạo ra.

Bởi vậy, việc mở lớp học tiếng và chữ dân tộc Pa Kô, Tà Ôi là cơ hội tốt giúp những người lính Biên phòng tiếp thu những vấn đề cơ bản về tiếng nói, chữ viết, phong tục tập quán, đời sống văn hóa của dân tộc Pa Kô, Tà Ôi. Tôi hy vọng rằng, sau lớp học, BĐBP không chỉ thành thạo tiếng nói, mà còn sử dụng được chữ viết của dân tộc Pa Kô, Tà Ôi để tìm hiểu, bảo tồn ngôn ngữ, phát huy và làm giàu thêm những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần mở rộng giao lưu, quảng bá, giới thiệu bản sắc văn hóa dân tộc Pa Kô, Tà Ôi.

Có thể thấy rằng, việc tổ chức lớp học tiếng đồng bào DTTS cho cán bộ Biên phòng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng, xây dựng cơ sở chính trị địa bàn, giúp nhân dân phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh, tăng cường mối đoàn kết gắn bó quân - dân và thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

Hồ Việt

Bình luận

ZALO