Biên phòng - Chủ tịch Hồ Chí Minh thấm nhuần quan điểm của Chủ nghĩa Mác - Lênin: Quần chúng là người sáng tạo ra lịch sử, cách mạng là sự nghiệp của quần chúng. Người có lòng tin vô tận vào quần chúng và luôn chăm lo tăng cường mối liên hệ với quần chúng, coi đó là nguồn sức mạnh tạo nên mọi thắng lợi của sự nghiệp cách mạng... Những hình ảnh, cử chỉ, giọng nói của Người khi tiếp xúc với nhân dân trong và ngoài nước đã tạo nên phong cách không thể pha trộn được - Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn yêu cầu cán bộ, đảng viên phải gần dân, phải thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân và Người là tấm gương sáng về phong cách gần dân. Sự gần gũi đó được thể hiện ngay từ giây phút đầu tiên khi Người ra mắt quốc dân (ngày 2-9-1945). Vừa đọc một đoạn Bản Tuyên ngôn Độc lập, Người đã dừng lại hỏi: “Tôi nói, đồng bào nghe rõ không?”. Câu hỏi rất bình dị, tự nhiên và rất đỗi thân thương ấy của vị lãnh tụ kính yêu đã truyền cảm xúc vô cùng to lớn, làm lay động lòng người. Và, “cả muôn triệu một lời đáp: Có! Như Trường Sơn say gió Biển Đông”...
Sự quan tâm đến mọi người và phong cách quần chúng rất giản dị của Bác đã chạm đến hàng triệu trái tim đồng bào. Từ đó, Hồ Chủ tịch được các thế hệ người Việt gọi bằng Bác Hồ hay Cụ Hồ một cách gần gũi, thân thương và đầy kính trọng. Buổi ra mắt quốc dân đồng bào đầu tiên của Bác đã tạo được niềm tin tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Hồ Chủ tịch...
Vì vậy, quần chúng nhân dân đã không quản hy sinh, gian khổ, sẵn sàng đi theo Đảng, làm cách mạng, góp phần dựng xây nên nước Việt Nam độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc, sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Quá trình lãnh đạo cách mạng, Bác luôn chăm lo đến công tác vận động quần chúng, làm cho nhân dân trong nước và kiều bào ở nước ngoài tích cực tham gia, ủng hộ cách mạng... Từ lời nói đến việc làm, trong công tác và cuộc sống, sinh hoạt của Bác luôn gần gũi, gắn bó với mọi tầng lớp nhân dân.
Trong từng giai đoạn cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm xây dựng lực lượng vũ trang và rèn luyện cán bộ, chiến sĩ (CBCS); đặc biệt, rèn luyện tác phong quần chúng cho bộ đội. Ngày 3-3-1959, tại Lễ thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) - nay là BĐBP, Bác đã đến dự và nói chuyện thân mật với CBCS. Bác yêu cầu: “Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là nhiệm vụ của Quân đội, của Công an nói riêng và toàn dân nói chung... Quân đội và Công an phải dựa vào nhân dân mới hoàn thành được tốt”.
Bằng hình ảnh đơn giản, lời văn mộc mạc, dễ hiểu, Bác đã khái quát đầy đủ vị trí, vai trò của quần chúng, mà mỗi cán bộ, chiến sĩ CANDVT không thể nào quên được: “Một vạn Công an thì chỉ có hai vạn tai, hai vạn mắt, hai vạn tay chân, nhưng nhân dân có hàng triệu tai, hàng triệu mắt, hàng triệu tay chân. Cho nên chúng ta phải dựa vào dân để hoạt động. Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được”. Bác thật gần gũi, yêu thương khi căn dặn: “Công an Biên phòng, ở những nơi đồng bào thiểu số, phải chú ý đến phong tục tập quán của đồng bào, luôn giúp đỡ giáo dục đồng bào, làm cho đồng bào tin yêu, phục cán bộ thì đồng bào sẽ hết sức giúp đỡ, có khi hy sinh cả cho ta”...
Suốt gần 60 năm qua, những lời dạy của Bác luôn là ngọn đuốc soi đường, dẫn lối cho cán bộ, chiến sĩ BĐBP trên con đường bảo vệ biên cương Tổ quốc, góp phần cùng quân dân cả nước giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, vững bước đi lên CNXH... Những thành tựu to lớn của BĐBP đều gắn liền với công tác vận động quần chúng. Hầu hết, CBCS đều thực hiện tốt phương châm: “cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào”, gần gũi, yêu thương, đùm bọc và giúp đỡ đồng bào các dân tộc thiểu số ở khu vực biên giới, nói đi đôi với làm... Hình ảnh “Thầy giáo quân hàm xanh”,“Thầy thuốc quân hàm xanh” và những tấm gương xả thân vì dân nơi chiến tuyến hoặc trong đấu tranh phòng chống tội phạm, phòng chống thiên tai là hình mẫu về tình quân dân gắn bó keo sơn, là sự phản ánh sinh động nhất phẩm chất, truyền thống cao đẹp "Bộ đội Cụ Hồ" nơi biên cương Tổ quốc.
Tuy nhiên, đây đó vẫn còn những CBCS, kể cả cán bộ lãnh đạo, chỉ huy thiếu mẫu mực, nói không đi đôi với làm, nói nhiều làm ít; thậm chí, có biểu hiện xa dân. Môt số cán bộ, đảng viên là cấp ủy viên, cán bộ giữ vị trí lãnh đạo, chỉ huy thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lười học tập, quan liêu, độc đoán, chuyên quyền, vì lợi ích cá nhân. Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) chỉ rõ: “Tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, tệ tham nhũng, lãng phí trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, kể cả ở cấp cao, chưa được đẩy lùi mà thậm chí ngày càng có chiều hướng nghiêm trọng hơn, làm xói mòn lòng tin đối với Đảng”.
Để khắc phục nguyên nhân đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác xây dựng Đảng, Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa XI) đã chọn ra 3 vấn đề thực sự cấp bách để lãnh đạo thực hiện, trong đó có “Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp”.
Vì thế, học tập và làm theo phong cách quần chúng của Bác đối với cán bộ, đảng viên trong BĐBP là hết sức cần thiết, nhất là đội ngũ chính ủy, chính trị viên. Trước hết, tấm gương của Người sẽ giúp cho chính ủy, chính trị viên nhìn vào đó để làm những điều đúng, điều thiện, chống thói hư, tật xấu. Học tập phong cách quần chúng của Bác giúp cho đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong BĐBP thực sự tiêu biểu về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, là người giữ vững định hướng chính trị, là trung tâm đoàn kết trong toàn đơn vị.
Sinh thời, Bác thường xuyên nhắc nhở: “Chính trị viên lãnh đạo bằng lời nói chưa đủ, phải lãnh đạo bằng hành động nữa. Mình chủ trương cho bộ đội làm việc gì thì mình phải làm trước, làm đúng, hết sức làm hơn ai hết... Gặp lúc gay go, nguy hiểm chừng nào thì người lãnh đạo càng xông pha trước chừng ấy mới kéo được người khác theo mình”. Việc học tập và làm theo phong cách quần chúng của Bác đối với chính ủy, chính trị viên trong BĐBP để củng cố lòng tin của CBCS và nhân dân đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo cũng như củng cố mối quan hệ giữa Đảng với dân, đồng thời giúp chính ủy, chính trị viên rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, nâng cao trình độ toàn diện trong lãnh đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chính trị của đơn vị.
Sự nghiệp quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới đòi hỏi chính ủy, chính trị viên trong BĐBP phải là người có kiến thức rất toàn diện (cả chính trị, quân sự, nghiệp vụ, pháp luật, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật...). Có như vậy, chính ủy, chính trị viên mới có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ là người chủ trì về chính trị, trực tiếp chỉ đạo và tổ chức tiến hành công tác Đảng, công tác chính trị và tham gia thực hiện mọi nhiệm vụ, công tác của đơn vị.
Thông qua các hoạt động của đơn vị, chính ủy, chính trị viên mới có điều kiện đi sâu, đi sát, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng và khả năng của từng CBCS. Đồng thời, thông qua cách ứng xử mẫu mực, sự gần gũi, chân thành của chính ủy, chính trị viên để cảm hóa, thuyết phục, giáo dục CBCS, trăm người là một, tạo thành khối thống nhất cả về ý chí và hành động, góp phần xây dựng trận địa chính trị tư tưởng vững chắc trong đơn vị, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.
Có thể nói, phong cách quần chúng của Bác là tài sản vô giá của Đảng, của dân tộc ta, mãi mãi vẫn nguyên giá trị và mang tính thời sự trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Để việc học tập và làm theo phong cách quần chúng của Bác thấm sâu, lan rộng trong thực tiễn đời sống, trở thành hoạt động thường nhật của đội ngũ chính ủy, chính trị viên trong BĐBP; mỗi chính ủy, chính trị viên phải coi đó là bổn phận, là danh dự và mệnh lệnh của chính mình. Đó là giải pháp hữu hiệu nhất để tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, xây dựng lối sống trong sạch lành mạnh và tác phong gần dân của mỗi chính ủy, chính trị viên... Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo “vừa hồng, vừa chuyên”, tâm huyết với Đảng, với dân là nhiệm vụ then chốt trong tình hình hiện nay nhằm củng cố lòng tin của dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN.
Thiếu tướng Đỗ Danh Vượng, Chính ủy BĐBP