Biên phòng - Với những người lính Biên phòng, việc học tiếng dân tộc thiểu số (DTTS) cũng như học ngoại ngữ không chỉ là nhiệm vụ, mà còn là nhu cầu tự thân. Bởi có hiểu tiếng của đồng bào mới có thể làm tốt công tác vận động quần chúng, xây dựng nền Biên phòng toàn dân vững mạnh; biết được tiếng nước láng giềng mới làm tốt công tác đối ngoại biên phòng, góp phần quản lý, giữ gìn toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ an ninh biên giới quốc gia từ sớm, từ xa.

Gây dựng lòng tin nhờ biết nói tiếng của dân
Hơn 10 năm gắn bó với đồng bào khu vực biên giới phía Tây Nghệ An, Trung úy Đinh Bạt Đại, Đồn Biên phòng Tri Lễ, BĐBP Nghệ An hiểu hơn hết sự cần thiết của việc biết tiếng nói của bà con DTTS. Anh kể: “Khi còn là tân binh, tôi đi dã ngoại, giúp đỡ bà con người Mông ở bản Huồi Sơn, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương. Hôm đó, trời mưa, xe hỏng giữa đường, cả đoàn phải hành quân bộ hơn 26km. Đi tới quá trưa, khi bụng đói cồn cào, cổ họng khát khô, tôi cùng một số chiến sĩ khác mới gặp một nhà dân. Trong nhà chỉ có một cụ già người Mông, chúng tôi nói gì, bà đều không hiểu và ngược lại.
Sau lần đó, tôi có suy nghĩ đã là người lính Biên phòng có nghĩa là phải thường xuyên tiếp xúc với đồng bào DTTS, nếu không biết tiếng nói của dân thì không thể hiểu dân, mà không hiểu dân thì tuyên truyền, vận động việc gì cũng khó. Sau này, mỗi lần tiếp xúc nhiều với người dân, tôi đều để ý cách đồng bào nói chuyện với nhau và tự học tiếng của họ, mỗi ngày một ít”.
Đến bây giờ, Trung úy Đại đã thông thạo cả tiếng Mông và tiếng Thái. Dù vậy, khi Đồn Biên phòng Tri Lễ mở lớp học tiếng Mông, anh vẫn tới lớp đều đặn để “trau dồi kỹ năng giao tiếp cũng như hiểu được sâu hơn, rộng hơn ý nghĩa các từ hoặc câu nói của người Mông” như chia sẻ của anh.
Nói về lợi thế khi biết tiếng DTTS, anh Đại cho hay: “Việc biết tiếng DTTS giúp ích được rất nhiều cho chúng tôi, đặc biệt trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Có nhiều điều luật, thuật ngữ, chúng tôi phải sử dụng tiếng của đồng bào để diễn giải sao cho bà con dễ hiểu, dễ nhớ. Chẳng hạn trong đợt bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, nhiều bà con chưa hiểu hết thể lệ dẫn đến không biết phải làm thế nào với lá phiếu của mình, chúng tôi phải sử dụng tiếng dân tộc hướng dẫn cặn kẽ cho bà con để có thể lựa chọn đại biểu ưu tú nhất, xứng đáng đại diện cho tiếng nói của bà con”.
Tìm hiểu, chúng tôi được biết, xuất phát từ yêu cầu thực tế, năm 2019, Đồn Biên phòng Tri Lễ mở lớp học tiếng Mông cho cán bộ, chiến sĩ (CBCS) trong đơn vị và duy trì đến nay. Thượng tá Hồ Thanh Quang, Chính trị viên Đồn Biên phòng Tri Lễ cho hay: “Địa bàn đơn vị quản lý có 16 bản, trong đó, có 5 bản người Mông ở sát biên giới, tình hình an ninh chính trị còn phức tạp, nổi lên là hoạt động vượt biên trái phép, mua bán ma túy, khai thác gỗ trái phép. Trong những năm gần đây, còn nổi lên hiện tượng truyền đạo trái phép. Chúng tôi xác định biết tiếng nói của đồng bào là một lợi thế lớn để nắm chắc tư tưởng người dân, tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chính vì vậy, không chờ cấp trên xuống mở lớp, đơn vị đã chủ động mở lớp dạy tiếng Mông cho CBCS”.
Lớp tiếng Mông ở Đồn Biên phòng Tri Lễ duy trì học vào thứ 3 hàng tuần với khoảng 38-40 CBCS tham gia. “Thực tế, việc CBCS được học và sử dụng tiếng Mông phát huy hiệu quả rất tốt. Anh em tuyên truyền, vận động và phối hợp với đồng bào tốt hơn. Nhờ biết tiếng dân tộc nên anh em có thể dễ dàng hơn trong việc tiếp cận, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân. Trên cơ sở đó, chúng tôi có những tham mưu kịp thời cho chính quyền địa phương củng cố cơ sở chính trị, phát triển kinh tế. Việc giao tiếp bằng tiếng của đồng bào giúp chúng tôi gây dựng được lòng tin trong nhân dân, bà con đã cung cấp nhiều thông tin có giá trị để đơn vị đấu tranh phòng chống các loại tội phạm hiệu quả cũng như thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, giữ gìn an ninh biên giới quốc gia” - Thượng tá Hồ Thanh Quang chia sẻ.
Gắn kết hơn với quân, dân nước bạn
Cũng xuất phát từ nhu cầu của bản thân, Đại úy Nguyễn Thế Vinh, cán bộ Trạm kiểm soát Biên phòng cửa khẩu quốc tế (CKQT) Cha Lo, Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo, BĐBP Quảng Bình tự mày mò học tiếng Lào từ nhiều năm trước. “Công việc của tôi phải tiếp xúc với nhiều người dân và cán bộ bảo vệ biên giới của nước bạn Lào. Nếu mình không biết tiếng của họ thì rất hạn chế trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ, vì vậy, tôi tự học tiếng Lào trên kênh Youtube. Quá trình làm việc và trong cuộc sống thường ngày, tôi thường trò chuyện với người Lào để thực hành tiếng Lào. Khi tôi phát âm sai hoặc nói chưa đúng ngữ pháp, họ đều nhiệt tình sửa cho tôi. Nhờ đó, kỹ năng giao tiếp tiếng Lào của tôi được cải thiện rất nhanh” - Đại úy Vinh kể.

Sau này, khi đơn vị tổ chức các lớp bồi dưỡng, tập huấn tiếng Lào, Đại úy Vinh đều tham gia để củng cố và nâng cao kiến thức. Không chỉ nghe, nói, anh còn có thể đọc và viết bằng tiếng Lào.
Anh tâm sự: “Việc biết tiếng Lào giúp ích cho chúng tôi rất nhiều. Đơn vị chúng tôi quản lý khu vực biên giới giáp với nước Lào. Trên địa bàn có CKQT Cha Lo, lưu lượng người Lào qua lại nhiều. Công việc của tôi là kiểm tra, giám sát hàng hóa và người qua lại cửa khẩu. Nhờ biết tiếng Lào, tôi có thể giao tiếp với người Lào, nắm tình hình địa bàn, tìm hiểu hoạt động của các đối tượng tội phạm, nhất là tội phạm gian lận thương mại. Việc biết tiếng Lào cũng giúp tôi có nhiều thuận lợi trong thực hiện công tác giao lưu, đối ngoại biên phòng. Mỗi lần hội đàm, gặp gỡ, giao lưu với lực lượng chức năng phía bạn Lào, tôi có thể trò chuyện, tạo quan hệ gần gũi, thân mật hơn”.
Từ thực tế công tác, mỗi năm, Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng tiếng Lào cho CBCS kéo dài khoảng 6 tháng. “Hiện tại, lớp tập huấn có khoảng 80 CBCS tham gia do hai cán bộ phiên dịch tiếng Lào của đơn vị đứng lớp. Mục đích của lớp học là giúp cho CBCS có thể giao tiếp hàng ngày, đọc hiểu những từ ngữ cơ bản, thông dụng. Các CBCS đều rất hào hứng với việc học tiếng Lào bởi nó giúp ích cho mỗi cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như trong các buổi giao lưu, tuần tra song phương với lực lượng bảo vệ biên giới của Lào. Nhờ đó, mối quan hệ giữa lực lượng bảo vệ biên giới của hai nước gắn kết hơn” - Thiếu tá Trần Đức Hợp, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng CKQT Cha Lo cho hay.
Triển khai thực hiện Nghị quyết số 79-NQ/ĐU ngày 14/12/2020 của Đảng ủy BĐBP, Kế hoạch số 526/KH-BTL ngày 8/2/2021 của Bộ Tư lệnh BĐBP về việc học tập ngoại ngữ và học tiếng dân tộc, đến nay, các đơn vị BĐBP đã tổ chức cho hơn 5.000 CBCS học ngoại ngữ (tiếng Anh, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Nga và Pháp) ở các mức độ khác nhau và gần 8.400 đồng chí học tiếng DTTS (Mông, Tày, Bru Vân Kiều, Thái, Gia Rai, Xơ Đăng, Nùng, Ê Đê, Cơ Tu, Khơ Mú, Dao, Chứt, Pa Cô, Tà Ôi, Mường, M’Nông).
Nguyễn Bích