Biên phòng - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho trẻ em tình yêu thương và sự quan tâm đặc biệt. Người là tấm gương sáng về việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Học Bác ở tình yêu thương đối với trẻ em, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập, BĐBP Sơn La đã triển khai có hiệu quả nhiều mô hình, chương trình hướng về các em học sinh ở khu vực biên giới, trong đó có mô hình “Ươm mầm xanh biên giới-vững bước tới tương lai”.

Đại úy Cầm Bá Thành, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập cho biết: Trên địa bàn đơn vị đóng quân có nhiều học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vất vả. Nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực trong tương lai được xác định là biện pháp căn bản cho giảm nghèo bền vững đối với vùng đồng bào dân tộc. Ý nghĩ đó đã thôi thúc cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập và Ban điều hành Quỹ Khai trí, Công ty cổ phần tập đoàn Apec triển khai mô hình “Ươm mầm xanh biên giới-vững bước tới tương lai” từ tháng 9/2021.
Mô hình có mục tiêu đỡ đầu các em học sinh dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn ở khu vực biên giới thuộc 2 xã Lóng Sập, Chiềng Khừa (huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) - địa bàn Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập phụ trách, giúp các em theo học đến hết lớp 12 và học lên cao đẳng, đại học hoặc học nghề. Để triển khai mô hình, Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập và Công ty cổ phần tập đoàn Apec đã phát động toàn thể cán bộ, chiến sĩ của đồn và cán bộ, nhân viên của công ty cũng như các nhà hảo tâm, các đơn vị thiện nguyện tham gia hỗ trợ kinh phí đỡ đầu các em học sinh.
Đến nay, mô hình “Ươm mầm xanh biên giới-vững bước tới tương lai” đã đỡ đầu 25 em học sinh người dân tộc thiểu số. Trong số các em học sinh được đỡ đầu, em Vi Thị Trà My, sinh năm 2008, học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Lóng Sập, người dân tộc Thái, ở bản Phát, xã Lóng Sập có hoàn cảnh khá đặc biệt. Trà My không rõ cha mình là ai, mẹ đã lấy chồng khác và lao động tự do ở tỉnh Sóc Trăng. Từ lúc 9 tháng tuổi, Trà My đã sống cùng ông ngoại là Vi Văn Pấng.
Ông Pấng năm nay đã gần 70 tuổi, làm nghề nông. Quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, vất vả mưu sinh, hơn ai hết, ông thấy rõ được lợi ích của việc học tập có thể thay đổi cuộc đời một con người nên vẫn luôn tạo mọi điều kiện cho Trà My đến trường như bao học sinh cùng trang lứa khác. Ông Pấng cho biết: “Thương hai ông bà đều già cả nên Trà My đã tự lập từ nhỏ. Cháu không chỉ giúp đỡ chúng tôi việc nhà, mà còn tự giác học tập và luôn đạt được thành tích tốt. Tôi rất mong cháu tiếp tục được học và có một tương lai tươi sáng hơn”.
Mong muốn của ông Pấng cũng là mục tiêu của mô hình “Ươm mầm xanh biên giới-vững bước tới tương lai”. Cách đây 1 năm, Trà My được Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập và Quỹ Khai trí, Công ty cổ phần tập đoàn Apec đỡ đầu trong mô hình này. Mỗi tháng, Trà My được hỗ trợ 300.000 đồng.
Ông Pấng chia sẻ: “Khi biết Trà My được đỡ đầu trong mô hình “Ươm mầm xanh biên giới-vững bước tới tương lai”, tôi và gia đình đều rất vui mừng, phấn khởi và vô cùng xúc động. Tổng thu nhập 1 tháng của gia đình tôi dao động từ 700.000-800.000 đồng và phải chi trả cho tất cả các khoản trong gia đình từ lương thực, thực phẩm, thuốc điều trị... cho đến việc học của Trà My. Số tiền được mô hình hỗ trợ hằng tháng rất có ý nghĩa với gia đình tôi, giúp tôi chi trả chi phí cho việc nuôi dưỡng, học tập của cháu gái. Từ khi được nhận đỡ đầu, Trà My càng quyết tâm phấn đấu học thật giỏi để sau này có được một công việc tốt. Không chỉ hỗ trợ tiền, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập còn thường xuyên đến thăm, động viên, tặng quà cho gia đình”.
Theo Đại úy Cầm Bá Thành, ngoài số tiền hỗ trợ 300.000 đồng/tháng/học sinh, mô hình còn tạo điều kiện cho các em được tham gia chương trình đào tạo khai trí cùng các hướng đạo sinh qua các chương trình đào tạo của Quỹ Khai trí để rèn luyện “Đạo đức - nghị lực - trí tuệ”. Đồng thời, chúng tôi phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức trại Hè, liên hoan, gặp mặt, tuyên dương, biểu dương, khen thưởng các em học sinh vượt khó học giỏi hoặc có thành tích tiêu biểu, xuất sắc... Sau khi các em học sinh kết thúc năm học lớp 12, căn cứ kết quả học tập và nguyện vọng của từng em, chúng tôi phối hợp định hướng tương lai cho các em; cùng tìm kiếm, kêu gọi các trường cao đẳng, đại học và các cơ sở dạy nghề tiếp nhận các em, đồng thời, hỗ trợ các em tìm công việc ổn định, có nguồn thu nhập để tự chăm lo cho cuộc sống trong tương lai.
Thầy Hà Tiến Thành, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở xã Lóng Sập cho biết: “Ươm mầm xanh biên giới-vững bước tới tương lai” là mô hình thiết thực, phù hợp với học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới có hoàn cảnh khó khăn. Hằng quý, đại diện Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập trao kinh phí hỗ trợ đến tận tay các em học sinh. Số tiền đó giúp các em học sinh mua sách vở, đồ dùng học tập, chăm lo bữa cơm của các em... Qua mô hình đã động viên tinh thần, vật chất để các em tới trường đều đặn hơn, góp phần nâng cao hiệu quả học tập. Tôi mong muốn, mô hình tiếp tục được nhân rộng, phát triển để có thêm nhiều học sinh yên tâm đến trường”.
“Hằng năm, đơn vị sẽ phối hợp khảo sát, lựa chọn bổ sung từ 5 đến 10 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn để Quỹ Khai trí và các nhà tài trợ nhận đỡ đầu. Chúng tôi đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến hết năm 2026, có ít nhất 50 em học sinh được đỡ đầu; 100% các em đều tốt nghiệp trung học phổ thông, 70-85% trong số đó tiếp tục theo học các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, số còn lại được đào tạo tại các cơ sở dạy nghề; 100% các em tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp hoặc trường dạy nghề và sau khi ra trường, tìm kiếm được công việc phù hợp” - Đại úy Cầm Bá Thành chia sẻ.
Thùy Trang