Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:14 GMT+7

Học Bác cách viết báo chân thực, giản dị, dễ hiểu nhất

Biên phòng - Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập và chỉ đạo nền báo chí cách mạng Việt Nam. Trong suốt cuộc đời của mình, Người đã viết hàng ngàn bài báo hướng đến các đối tượng khác nhau. Phong cách làm báo giản dị, dễ hiểu và hiệu quả của Người luôn là đích hướng đến của những người làm báo cách mạng Việt Nam nói chung và những nhà báo quân hàm xanh nói riêng.

Thiếu tá Nguyễn Thị Bích, phóng viên Báo Biên phòng (đứng giữa) tác nghiệp tại xã biên giới Ka Lăng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Hoàng Mai

Người dạy viết sao cho dễ hiểu

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn coi báo chí là vũ khí sắc bén của cách mạng, là đội xung kích trong công tác tư tưởng. Người khẳng định: “Báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”, “Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được”. Chính vì vậy, điều đầu tiên mỗi khi cầm bút viết, Người yêu cầu: “Bao giờ cũng phải tự hỏi: Viết cho ai xem, nói cho ai nghe?”. Yêu cầu này là kim chỉ nam, ngọn đuốc soi đường, chỉ lối cho mọi hoạt động tác nghiệp báo chí của những người làm báo cách mạng Việt Nam.

Là người thầy của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trực tiếp viết hàng nghìn bài báo với nhiều cách thức thể hiện dành cho nhiều đối tượng khác nhau. Các tác phẩm báo chí do Bác viết đều giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Người đã để lại nhiều lời dạy sâu sắc cho mỗi người làm báo như: “Viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực. Sao cho mỗi đồng bào, chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”. Đó chính là điểm nổi bật trong phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh mà mỗi người làm báo cách mạng Việt Nam đều cố gắng học hỏi và thực hành mỗi ngày qua mỗi bài báo, trang viết.

Cùng với hướng dẫn, chỉ dạy kỹ năng làm báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng công tác bồi dưỡng đạo đức cách mạng cán bộ hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Người nhấn mạnh: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Theo Bác, mỗi cán bộ báo chí không chỉ cần có bản lĩnh chính trị vững vàng, mà còn cần tu dưỡng đạo đức cách mạng, nắm chắc chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước để tuyên truyền, giải thích cho người dân hiểu. Nhà báo cũng phải sâu sát đời sống của người dân để phản ánh chân thực, sinh động cuộc sống cũng như tâm tư nguyện vọng của nhân dân.

Nhà báo quân hàm xanh sẵn sàng vượt khó

Học tập phong cách làm báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những nhà báo - chiến sĩ quân hàm xanh của BĐBP đã luôn nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đưa những thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với cán bộ, chiến sĩ (CBCS) BĐBP và đồng bào các dân tộc nơi biên giới; đưa tin, phản ánh mọi mặt đời sống xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo; cổ vũ gương người tốt, việc tốt. Đồng thời, tích cực đấu tranh, phản bác những luận điệu xuyên tạc, sai trái, tiêu cực; góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Làm theo lời Bác, những người làm báo BĐBP luôn thể hiện bài viết của mình bằng ngôn ngữ trong sáng, giản dị, dễ hiểu. Đề tài phản ánh trong các bài viết của nhà báo - chiến sĩ quân hàm xanh luôn gần gũi, liên quan trực tiếp đến đời sống của người dân khu vực biên giới và CBCS BĐBP.

Những người làm báo BĐBP luôn sẵn sàng xách ba lô lên và đi, chấp nhận gian khổ, vất vả, lăn lộn trên biên giới, bởi đối tượng phản ánh của họ chủ yếu là đồng bào các dân tộc sinh sống ở khu vực biên giới và CBCS BĐBP. Muốn có thông tin, tài liệu chân thực, những người làm báo trong BĐBP phải thường xuyên vượt những cung đường đèo dốc, xa xôi, hiểm trở tìm gặp mặt nhân vật của mình.

Chúng ta đều biết, đặc thù của BĐBP là đóng quân ở vùng núi cao, biên giới, hải đảo, nơi có điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt, giao thông khó khăn, thông tin liên lạc hạn chế và thường xuyên phải hứng chịu các loại hình thiên tai nguy hiểm như bão, lũ quét, sạt lở đất... Điều kiện khách quan đó đã tạo nên những thử thách đòi hỏi những người làm báo BĐBP phải vượt qua chính mình, vượt qua những gian lao, vất vả để đến được với vùng đất, con người mà họ muốn phản ánh.

Thực tế, nhiều năm qua, lớp lớp thế hệ những người làm báo của BĐBP nói chung và cán bộ, phóng viên Báo Biên phòng nói riêng đã không quản ngại gian khổ, nguy hiểm, dũng cảm thâm nhập thực tế, đưa tin về các sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc trong xã hội ở khu vực biên giới như mua bán người, hoạt động của các loại tội phạm... Chúng ta dễ dàng nhìn thấy hình ảnh nhà báo Nguyễn Viết Lam, Lê Văn Chương... xông pha trong bão lũ, vượt qua những đoạn đường sạt lở, lầy lội, phản ánh chân thực nhất sự tàn phá của thiên tai, những mất mát, đau khổ mà người dân phải gánh chịu, cũng như tinh thần dũng cảm, không quản ngại gian khó ứng cứu dân của BĐBP.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhà báo Nguyễn Đăng Bảy, Lê Văn Luận, Thái Kim Nga, Lê Văn Chương sẵn sàng đi vào tâm dịch, có mặt ở những “chiến tuyến” chống dịch đầu tiên, ghi lại thông tin, hình ảnh CBCS BĐBP dựng nhà bạt, đóng trại trong rừng sâu, núi cao canh gác biên giới, ngăn chặn người xuất nhập cảnh trái phép, phòng chống dịch Covid-19. Với niềm say mê nghề, nữ nhà báo Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Bích đã tới những nơi xa nhất, hẻo lánh nhất để thực hiện các bài viết về cuộc sống của người dân biên giới và việc thực hiện nhiệm vụ của BĐBP...

Ngoài cán bộ, phóng viên công tác tại các cơ quan báo chí (Báo Biên phòng, Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng, Tạp chí Khoa học Giáo dục Biên phòng), đội ngũ những người làm báo BĐBP còn có sự góp mặt của các cán bộ phụ trách công tác tuyên truyền tại Bộ Chỉ huy BĐBP các tỉnh, thành phố. Có thể kể đến các đồng chí với các bút danh quen thuộc, thường xuyên xuất hiện trên Chuyên mục “Vì chủ quyền an ninh biên giới quốc gia” phát sóng trên các kênh truyền hình các tỉnh, thành biên giới; trên các báo chí Trung ương, địa phương và các ấn phẩm của Báo Biên phòng như: Hải Thượng, Lê Thạch (BĐBP Nghệ An), Hoàng Ngọc Bình, Võ Tiến (BĐBP Thừa Thiên Huế), Trung Dũng (BĐBP Lào Cai), Thế Mạnh (BĐBP Hà Tĩnh), Lê Khoa (BĐBP Cà Mau), Nguyễn Ngọc Lân (BĐBP Đắk Lắk), Đức Duẩn (BĐBP Lai Châu), Anh Dũng (BĐBP Điện Biên), Văn Tánh (BĐBP Quảng Ngãi), Châu Thành (BĐBP Quảng Bình)...

Các anh đã cùng với cán bộ, phóng viên của Báo Biên phòng, Điện ảnh - Truyền hình Biên phòng, Tạp chí Khoa học Giáo dục Biên phòng đưa thông tin, hình ảnh của đồng bào các dân tộc và BĐBP lan tỏa rộng rãi tới bạn đọc cả nước qua các ấn phẩm báo chí trong và ngoài Quân đội, góp phần tô thắm thêm hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ, người lính quân hàm xanh trong lòng nhân dân cả nước.

Trong những năm qua, thực hiện lời dạy của Bác Hồ, lãnh đạo, chỉ huy các cấp trong BĐBP bên cạnh việc rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, còn tăng cường bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ những người làm báo, cán bộ hoạt động báo chí của lực lượng. Nhiều cán bộ đã được tạo điều kiện thuận lợi đi học văn bằng 2 về báo chí tại Học viện Quốc phòng, khoa báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Huế..., cử đi tập huấn tại các lớp do Báo Quân đội Nhân dân và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức. Điều đó đã góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo và cơ quan báo chí của BĐBP.

Xuân Hương

Bình luận

ZALO