Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 31/03/2023 07:15 GMT+7

Hoạt động tội phạm về tiền giả có diễn biến phức tạp

Biên phòng - Theo báo cáo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (PCMT&TP) BĐBP, trong năm 2017, các đơn vị BĐBP trên cả nước đã phát hiện và bắt giữ gần 50 vụ buôn bán, vận chuyển tiển giả qua biên giới; thu giữ số lượng tiền giả lên đến hơn 15 tỷ đồng. Chỉ riêng lực lượng BĐBP Lạng Sơn đã phát hiện và bắt giữ 7 vụ, với 8 đối tượng mua bán, vận chuyển tiền giả qua biên giới, thu hơn 2 tỷ đồng.

16ajjj
Đối tượng Chu Viễn Dũng và Nông Văn Toại bị lực lượng BĐBP Cao Bằng bắt giữ ngày 11-4-2018 khi vận chuyển gần 500 triệu đồng tiền giả. Ảnh: Hoàng Anh

Liên tiếp bắt giữ nhiều vụ với số lượng lớn

Chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay, lực lượng chức năng các tỉnh biên giới phía Bắc đã bắt và thu giữ một số lượng lớn tiền giả với nhiều loại mệnh giá khác nhau. Đơn cử, sáng 21-3-2018, thông qua công tác nghiệp vụ, Công an huyện Văn Lãng phối hợp với các cơ quan chức năng của Công an tỉnh Lạng Sơn bắt quả tang 2 anh em ruột: Phù Văn Bằng, sinh năm 1986 và Phù Văn Đồng, sinh năm 1988, đều trú tại Bản Tát, xã Thanh Long, huyện Văn Lãng đang cất giấu trong người hơn 194 triệu đồng tiền giả, loại mệnh giá 200 nghìn đồng có nhiều xê-ri trùng nhau. Tại cơ quan điều tra, 2 đối tượng khai nhận là đã bàn bạc và cùng nhau sang Trung Quốc mua số tiền trên để mang về Việt Nam bán lại kiếm lời, nhưng khi đến khu vực chợ Na Sầm, huyện Văn Lãng tìm mối tiêu thụ thì bị bắt giữ.

Trước đó, vào khoảng 16 giờ 30 phút, ngày 1-1-2018, tại khu vực biên giới thôn Cốc Nam, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, các trinh sát Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Lạng Sơn đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Huy Hoàng, sinh năm 1994, trú tại tổ 2, khối 7, phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long, Quảng Ninh khi đang vận chuyển tiền giả, tang vật thu giữ là 10 cọc tiền Việt Nam loại mệnh giá 200 nghìn đồng được Hoàng quấn quanh bụng bằng băng dính, tổng cộng số tiền thu được là 198 triệu đồng. Tại cơ quan Cảnh sát điều tra, đối tượng Hoàng khai nhận, đó là tiền Việt Nam giả, được một phụ nữ Việt Nam thuê sang Trung Quốc vận chuyển về Việt Nam với tiền công là 20 triệu đồng.

Mới đây nhất, vào ngày 11-4-2018, tại lối mở Nà Lạn, xã Đức Long, huyện Thạch An, lực lượng trinh sát Phòng PCMT&TP, BĐBP Cao Bằng chủ trì phối hợp với Đồn Biên phòng Đức Long và Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tà Lùng bắt quả tang Chu Viễn Dũng, quốc tịch Trung Quốc, sinh năm 1991, trú tại thôn Lương Trang, trấn Hạ Đông, Long Châu, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc và Nông Văn Toại, sinh năm 1992, trú tại xóm Pác Bó, xã Quốc Khánh, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn khi đang vận chuyển tiền Việt Nam giả qua biên giới. Qua khám xét, lực lượng phối hợp đã phát hiện và thu giữ 495 triệu 800 nghìn đồng tiền giả, tất cả là tiền mệnh giá 200 nghìn đồng.

Thủ đoạn tinh vi

Đại tá Bùi Văn Lua, Phó Cục trưởng Cục PCMT&TP BĐBP cho biết, do có lợi nhuận cao nên tội phạm mua bán, vận chuyển tiền giả không ngừng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, đa dạng hơn, làm phương hại đến nền kinh tế của đất nước, gây ảnh hưởng xấu trực tiếp đến trật tự xã hội và đời sống nhân dân. Đặc biệt, trong thời gian gần đây, tội phạm mua bán, vận chuyển tiền giả không chỉ xảy ra ở khu vực thành phố, thị xã, mà còn tiến tới các địa bàn như các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các chợ buôn bán tiền ở khu vực biên giới để hoạt động. Không chỉ tiền giả có mệnh giá lớn như 200 nghìn hay 500 nghìn  đồng, nhiều đối tượng còn thực hiện hành vi mua bán, tiêu thụ tiền giả với nhiều loại mệnh giá nhỏ khác nhau.

Vì vậy, người dân phải hết sức cảnh giác trong quá trình tiêu dùng, sử dụng tiền mặt. Đơn cử, vào hồi 20 giờ, ngày 23-8-2017, tại khu vực mốc 1106 thuộc địa phận xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn, 2 đối tượng là Lừ Văn Quang, sinh năm 1982 và Quàng Văn Ban, sinh năm 1968, cùng trú tại xã Chiềng Khoi, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La đang vận chuyển trái phép 588 triệu đồng tiền Việt Nam giả từ Trung Quốc vào Việt Nam thì bị Đội tuần tra của Đồn Biên phòng Tân Thanh, BĐBP Lạng Sơn bắt quả tang. Qua đấu tranh khai thác, các đối tượng khai nhận mua số tiền giả trên tại chợ Lũng Vài, Trung Quốc bằng 105 triệu đồng tiền Việt Nam, mục đích đem về các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Sơn La để tiêu thụ bằng cách mua các mặt hàng có giá trị nhỏ bằng tiền giả rồi nhận lại số tiền thừa bằng tiền thật hoặc mua trâu, bò, lợn, gà cũng như các loại nông sản của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số bằng tiền giả...

Phối hợp nâng cao sức mạnh phòng chống tội phạm

Trước tình hình tội phạm mua bán, vận chuyển tiền giả qua biên giới có diễn biến hết sức phức tạp với chiều hướng gia tăng, nhằm chủ động đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này, lực lượng BĐBP các tỉnh biên giới phía Bắc đã triển khai nhiều biện pháp hữu hiệu như tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát chặt chẽ khu vực cửa khẩu, lối mở, đường mòn qua lại biên giới; tập trung lực lượng trinh sát bám nắm địa bàn và sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ biên phòng nhằm kịp thời phát hiện, bắt giữ và xử lý các vụ buôn bán, vận chuyển tiền giả; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân khu vực biên giới nâng cao cảnh giác kịp thời phát hiện tiền giả, chủ động tố giác tội phạm...

Thực hiện “Quy chế phối hợp phòng, chống các hoạt động phạm tội về tiền giả” giữa Cục Phát hành và Kho quỹ (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), Cục An ninh tài chính, tiền tệ, đầu tư (Bộ Công an) và Cục PCMT&TP BĐBP, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tăng cường trao đổi thông tin, tình hình và thủ đoạn hoạt động của tội phạm về tiền giả. Nhờ đó, công tác đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động mua bán, vận chuyển, lưu hành tiền giả ngày càng đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, bằng nhiều con đường, tiền giả vẫn đang len lỏi, xâm nhập qua biên giới nước ta. Thiết nghĩ, để ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất các hoạt động phạm tội về tiền giả, cần có sự nhận thức đúng và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng cũng như quan hệ quốc tế để tạo ra các điều kiện thuận lợi cho công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm nghiêm trọng này. Mặt khác, xác định đúng nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm về tiền giả để hạn chế và xóa bỏ tội phạm này.

Trần Hoàng Anh

Bình luận

ZALO