Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:18 GMT+7

Hoạt động sản xuất kinh doanh chuyển biến tích cực

Biên phòng - Qua hơn 1 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ quy định tạm thời về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, tình hình kinh tế - xã hội (KT-XH) của nước ta đã khởi sắc trở lại với nhiều điểm sáng. Hiện các địa phương và các bộ, ngành vẫn đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội đồng thời tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội.

Nhiều đề xuất về chính sách tài khóa và tiền tệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội đã được đưa ra tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021. Ảnh: CTV

Kinh tế - xã hội khởi sắc

Sau nhiều tháng thực hiện giãn cách xã hội, triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP, nhiều tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước đã xây dựng và triển khai Kế hoạch an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid -19 để từng bước phục hồi, phát triển KT-XH trong trạng thái mới. Với những biện pháp linh hoạt, phù hợp điều kiện thực tế, tận dụng tốt các nguồn vốn đầu tư, KT-XH của nhiều địa phương có dấu hiệu phục hồi tốt.

Mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19 nhưng với sự nỗ lực cố gắng của cả hệ thống chính trị, sau gần 2 tháng thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP, tình hình KT-XH của Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi sắc, đóng góp tích cực vào kết quả phát triển KT-XH năm 2021 của địa phương này. Theo đó, có 5/9 ngành dịch vụ tăng trưởng khá, huy động vốn tăng 7,5%, giải quyết việc làm tăng 101%, thu hút đầu tư nước ngoài đạt 5,8 tỷ đô la, tăng 11%, tổng thu ngân sách ước đạt 370.483 tỷ đồng, đạt 101,3% dự toán năm 2021. Cùng với tập trung phục hồi và phát triển KT-XH, Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo cho người dân khó khăn, người dân bị ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Tại thành phố Đà Nẵng, ngay sau khi dịch bệnh trên địa bàn cơ bản được kiểm soát, UBND thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp để khôi phục các hoạt động sản xuất kinh doanh sớm nhất và nhanh nhất. Nhờ đó, một số ngành, lĩnh vực kinh tế quan trọng vẫn giữ mức tăng trưởng; hoạt động xuất khẩu tăng trưởng cao trên 12% so với năm 2020. Đến đầu tháng 12-2021, công tác thu ngân sách của Đà Nẵng đạt trên 97,9% dự toán. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) năm 2021 ước tăng 0,18% so với năm 2020. Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

Còn tại Bình Dương, hầu hết các doanh nghiệp đã trở lại sản xuất trong trạng thái bình thường mới. Đến nay đã có hơn 422.000 lao động trở lại làm việc tại các khu công nghiệp, đạt 87% tổng số lao động trước khi xảy ra dịch bệnh Covid-19. Để đảm bảo phòng chống dịch trong khi duy trì sản xuất, tỉnh Bình Dương đã triển khai rất nhiều mô hình như: “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến”, “Nhà máy xanh, nhà trọ xanh, công nhân xanh”. Các khu công nghiệp đều thành lập và vận hành các Trạm y tế lưu động để chăm sóc sức khỏe và phối hợp điều trị người lao động bị nhiễm Covid-19. Bên cạnh đó, 100% người lao động, kể cả lao động từ các địa phương trở lại làm việc trong doanh nghiệp được tiêm vắc xin đầy đủ.

Sau thời gian trở về trạng thái bình thường mới, tính từ ngày 15-9 đến đầu tháng 12-2021, Bình Dương đã thu hút thêm 14 triệu USD vốn đầu tư FDI. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 và 11 đều tăng. Tính chung cả năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tăng 4,5% so với năm trước; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 31,5 tỉ USD tăng 13,5% so với năm trước.

Bức tranh kinh tế đang tươi sáng trở lại

Thực hiện Nghị quyết 128, nhiều địa phương chủ động trao quyền lựa chọn phương án sản xuất cho doanh nghiệp theo các mô hình linh hoạt và chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn trong sản xuất. Đồng thời tích cực thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp gồm liên kết vùng, kết nối cung cầu, tổ chức các chương trình kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ tổ chức sản xuất kinh doanh, tìm kiếm thị trường…

Bộ Công thương cho biết, hoạt động sản xuất, nhất là tại các tỉnh, thành phố tập trung phần lớn các hoạt động sản xuất công nghiệp quan trọng của cả nước như: Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh,... đã có những chuyển biến tích cực. Tại hầu hết các địa phương, sản xuất đã khôi phục trở lại, các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất để kịp giao hàng theo các hợp đồng đã ký kết.

Nhiều trung tâm công nghiệp lớn của cả nước đã hoạt động trở lại. Ảnh: TTXVN

Hoạt động sản xuất công nghiệp trong tháng 11 tại nhiều địa phương đã có những dấu hiệu phục hồi nhanh so với những tháng trước đó điển hình như: Chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 11 của Quảng Ninh ước tăng 19,17%; Thanh Hóa tăng 15,1%; Quảng Ngãi tăng 16,11%; Thừa Thiên Huế tăng 9,12%; Cần Thơ tăng 6,77%; Đồng Nai tăng 6,9%... đã góp phần vào sự phục hồi sản xuất công nghiệp của cả nước. Theo Tổng cục Thống kê, IIP cả nước trong tháng 11 ước tính tăng 5,5% so với tháng trước, tăng 5,6% so với cùng kỳ. Tính chung 11 tháng năm 2021, IIP của toàn ngành công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước.

Cùng với sản xuất công nghiệp, hoạt động xuất khẩu phục hồi và có sự tăng trưởng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 11 ước tính đạt 29,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với tháng trước (tháng 10 tăng 6,8% so với tháng 9) và tăng 18,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 11 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu ước tính đạt hơn 299 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa tháng 11 tiếp tục có sự cải thiện khi xuất siêu 100 triệu USD.

Tìm giải pháp phục hồi và phát triển kinh tế bền vững

Dịch Covid-19 được nhận định là còn tiếp tục diễn biến phức tạp với sự xuất hiện của biến chủng Omicron nên không thể lơ là, chủ quan. Trong bối cảnh mới hiện nay, nhiệm vụ trọng tâm là phải bám sát tình hình, chủ động, tập trung triển khai đồng bộ, hài hòa giữa phòng chống dịch, phục hồi KT-XH và bảo đảm an sinh xã hội.

Được biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã xây dựng và đang tham vấn các bộ ngành, tổ chức quốc tế, chuyên gia kinh tế để sớm hoàn thiện Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Trong đó, Chương trình tập trung vào ba mục tiêu chính: Khôi phục nhanh các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động và thúc đẩy các động lực tăng trưởng, phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5-7%/năm, đồng thời giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn trong trung và dài hạn; Phục hồi, phát triển nhanh sản xuất kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng; Bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Các giải pháp chính được đưa ra là: Thực hiện lộ trình mở cửa nền kinh tế gắn với phòng chống dịch; đảm bảo an sinh xã hội và hỗ trợ việc làm; Hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh; Phát triển kết cấu hạ tầng, khơi thông nguồn lực xã hội cho đầu tư, phát triển; Hoàn thiện cơ chế, chính sách, cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO