Biên phòng - Trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị BĐBP đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm qua biên giới, trong đó có tội phạm mua bán người. Từ thực tế thực hiện nhiệm vụ cho thấy, loại tội phạm này đang có nhiều diễn biến mới cả về đối tượng và nạn nhân, trong đó có cả các nạn nhân là người nước ngoài được BĐBP giải cứu.

Theo báo cáo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, trong 6 tháng đầu năm 2019, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người vẫn có diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động thành đường dây, tổ chức, xuyên quốc gia, với phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi, tính chất nghiêm trọng, được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Phổ biến nhất vẫn là việc các đối tượng lợi dụng công nghệ thông tin, điều kiện kinh tế khó khăn, nhu cầu việc làm để lừa gạt, lôi kéo bán nạn nhân qua biên giới. Đặc biệt, tội phạm mua bán người thông qua trên mạng xã hội như zalo, facebook; sử dụng hình ảnh đại diện của những người có vị trí trong xã hội để dụ dỗ, giả vờ yêu đương, rủ đi chơi, mua sắm tại các khu chợ giáp biên để lừa bán nạn nhân ra nước ngoài.
Một thủ đoạn mới của tội phạm mua bán người là móc nối với các đối tượng ở nước ngoài lừa gạt các nạn nhân đi tham quan, du lịch để thực hiện âm mưu của mình. Nạn nhân mắc bẫy chủ yếu vẫn là phụ nữ trẻ tuổi sinh sống ở các địa bàn khó khăn thuộc các tỉnh Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Nghệ An... Trong khi đó, hiện tượng mua bán sức lao động trên biển cũng xuất hiện với những thủ đoạn rất tinh vi, nhẫn tâm. Một số đối tượng lợi dụng sự thiếu hiểu biết của ngư dân, ép họ ký vào giấy vay nợ, rồi bán cho chủ các tàu khai thác hải sản trên biển...
Trước những diễn biến phức tạp của loại tội phạm mua bán người, Bộ Tư lệnh BĐBP đã chỉ đạo các đơn vị trên toàn toàn quốc triển khai các biện pháp đồng bộ để đấu tranh, ngăn chặn. Trên tinh thần đó, các đơn vị BĐBP đã tham mưu, phối hợp với cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về phòng, chống mua bán người. Đồng thời, triển khai các biện pháp nghiệp vụ xác lập chuyên án, vụ án đấu tranh ngăn chặn, bắt giữ, xử lí theo quy định của pháp luật.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, các đơn vị trong lực lượng BĐBP đã tổ chức 168 buổi tuyên truyền chuyên đề cho 3.950 lượt người tham gia, cấp phát 1.600 tờ rơi với nội dung tuyên truyền về phòng, chống mua bán người. Các đơn vị cũng đã tổ chức rà soát, điều tra cơ bản, bổ sung và mở hồ sơ quản lí nghiệp vụ 92 đối tượng, khai thác nghiệp vụ 26 đối tượng về mua bán người, để có kế hoạch đấu tranh. Trên cơ sở đó, đấu tranh 35 vụ, bắt giữ hàng chục đối tượng, giải cứu 65 nạn nhân, trong đó có 13 nạn nhân người nước ngoài; phối hợp với các lực lượng trong và ngoài nước giải cứu 18 vụ/21 nạn nhân, tiếp nhận 9 vụ/15 nạn nhân liên quan đến tội phạm mua bán người.
Điển hình, ngày 21-5, Đồn Biên phòng cửa khẩu Ma Lù Thàng, BĐBP Lai Châu đã phát hiện, bắt giữ đối tượng: Đoàn Xuân Vinh, sinh năm 1999, trú tại xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai khi đang dẫn 4 phụ nữ sang Trung Quốc để bán vào các cơ sở mại dâm. Qua lời khai của Vinh, BĐBP Lai Châu tiếp tục bắt giữ 3 đối tượng: Lý Chín Hùng, sinh năm 1990, xã Ma Ly Pho, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; Lê Trọng Phúc, sinh năm 1993, dân tộc Kinh, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai và Lò Thị Hương, sinh năm 2000, dân tộc Khơ Mú, hộ khẩu thường trú ở bản Púng Giắt, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên vì hành vi mua bán người qua biên giới.
Mới đây, ngày 4-7, Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, BĐBP Tây Ninh đã phát hiện, tạm giữ một đối tượng, giải cứu 2 cô gái Liao Xin Xin và Lin Yan Qing (cùng sinh năm 2004, thường trú tại huyện An Khê, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc) khi đang bị đưa sang Campuchia trái phép...
Theo dự báo của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP, thời gian tới, tình hình hoạt động của tội phạm mua bán người vẫn có những diễn biến hết sức phức tạp. Đặc biệt, khi một số quốc gia trong khu vực thiếu hụt nguồn lực lao động, sự mất cân bằng về giới tính tạo điều kiện để tội phạm mua bán người hoạt động, đặc biệt là những đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Nạn nhân được xác định chủ yếu vẫn là người dân ở những vùng nông thôn, vùng núi khó khăn thiếu công ăn việc làm ổn định, gặp trắc trở trong cuộc sống...
Trước tình hình đó, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm BĐBP chỉ đạo các đơn vị tiếp tục tăng cường các biện pháp ngăn chặn, đấu tranh, bắt giữ. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền phòng, chống mua bán người sâu rộng trong nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng vùng miền, tập trung vào nhóm nguy cơ cao.
Các đồn Biên phòng tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, quản lý chặt chẽ số đối tượng trong quản lý nghiệp vụ, xây dựng các chuyên án, vụ án đấu tranh; tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát biên giới, cửa khẩu, làm tốt công tác nắm tình hình địa bàn, đối tượng, kịp thời phát hiện các hoạt động xuất nhập cảnh để đưa người bán ra nước ngoài.
Bên cạnh đó, BĐBP sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân mua bán người, phối hợp với tổ chức quốc tế giải cứu nạn nhân...
Viết Lam