Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:49 GMT+7

Hoạt động buôn bán, tiêu thụ động vật hoang dã trái phép không có dấu hiệu “giảm nhiệt”

Biên phòng - Đầu tháng 8-2021, cơ quan chức năng đã phát hiện và tịch thu được 24 cá thể hổ bị nuôi nhốt và vận chuyển bất hợp pháp tại 2 huyện Diễn Châu và Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Số lượng bắt giữ hổ nuôi trái phép kỷ lục này, theo các chuyên gia về bảo tồn động vật hoang dã, mới chỉ là một phần của bức tranh u ám về tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã bất hợp pháp tại Việt Nam. Thực tế là, trong những năm qua, tình trạng nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ hổ trái phép vẫn diễn biến phức tạp, không có dấu hiệu “giảm nhiệt”.

Các đối tượng buôn bán, vận chuyển hổ trái phép bị cơ quan chức năng bắt giữ năm 2020. Ảnh: ENV

Gia tăng vụ việc vi phạm

Hổ là một trong số các loài động vật hoang dã thuộc nhóm động vật nguy cấp cần được bảo tồn trên thế giới và ở Việt Nam. Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Điều tra xử lý vi phạm về lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Việt Nam hiện có 6 luật và 7 nghị định có những quy định liên quan đến bảo tồn động vật hoang dã.

Mặc dù là loài động vật hoang dã quý hiếm, nhưng những nỗ lực bảo vệ hổ của Việt Nam đang gặp rất nhiều thách thức, đặc biệt là những khó khăn trong giải quyết tình trạng nuôi nhốt, buôn bán, tiêu thụ hổ và các sản phẩm từ hổ trái phép. Ông Vương Tiến Mạnh, Phó Giám đốc Cơ quan Quản lý Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) Việt Nam cho biết: “Trước đây, hổ phân bố ở khắp các vùng rừng núi Việt Nam. Còn hiện tại, theo Liên minh Quốc tế bảo tồn thiên nhiên và tài nguyên thiên nhiên (IUCN), hổ Việt Nam không có quá 5 cá thể, tuy nhiên, không có một nghiên cứu nào khẳng định các con số này. Hình ảnh hổ cuối cùng ghi nhận được là cá thể hổ chụp bằng bẫy ảnh tại Vườn quốc gia Pù Mát, Nghệ An, năm 1999”.

Cũng theo ông Mạnh, thống kê sơ bộ cho thấy, Việt Nam hiện có hơn 300 cá thể hổ đang được nuôi nhốt hợp pháp tại các trang trại, cơ sở nuôi nhốt. Tuy nhiên, số lượng hổ thực tế đang được nuôi nhốt có thể lớn hơn nhiều con số được thống kê, bao gồm cả các cá thể bị gây nuôi bất hợp pháp. Vụ tịch thu 17 cá thể hổ tại 2 hộ dân ở xã Đô Thành vào sáng 4-8 và trước đó là vụ tịch thu 7 cá thể hổ con vận chuyển trái phép từ Hà Tĩnh sang Nghệ An tiêu thụ, có lẽ mới chỉ là một phần của bức tranh về tình trạng nuôi nhốt động vật hoang dã bất hợp pháp này.

Thực tế, đã có những bản án nghiêm khắc với các tội phạm liên quan đến hổ như vụ án xét xử đối tượng Hoàng Đình Quân (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) năm 2018. Quân bị Tòa án nhân dân thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh xử phạt 10 năm tù do vận chuyển trái phép 5 cá thể hổ con đông lạnh, một bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của hổ và nhiều sản phẩm khác của hổ cũng như của các loài động vật hoang dã khác. Năm 2020, đối tượng Nguyễn Hữu Huệ, ở huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An cũng bị Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội xử phạt 6 năm tù về hành vi vận chuyển 7 cá thể hổ con đông lạnh...

Tuy nhiên, các hoạt động buôn bán, nuôi nhốt, tiêu thụ hổ trái phép vẫn diễn biến phức tạp tại Việt Nam và không có dấu hiệu “giảm nhiệt” qua các năm, đặc biệt phổ biến là hoạt động quảng cáo buôn bán các sản phẩm từ hổ trên Internet. Bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục thiên nhiên (ENV) cho hay: Số vụ vi phạm về hổ trong giai đoạn 2016-2020 có xu hướng tăng lên, từ 182 vụ việc năm 2016 lên 390 vụ trong năm 2020.

Tang vật một vụ buôn bán hổ. Ảnh: CTV

Trong khi đó, số vụ án được cơ quan chức năng khám phá, xử lý hình sự còn khiêm tốn. Năm 2018, có 10/13 vụ việc được xét xử, trong đó, có 3 vụ phạt tù. Năm 2019, cơ quan chức năng phát hiện, xử lý 13/14 vụ, trong đó, 9 vụ được áp dụng bản án tù. Đến năm 2020, lực lượng chức năng phát hiện 4 vụ, 2 vụ được đưa ra xét xử đều nhận bản án tù treo.

Hổ nuôi nhốt không có giá trị bảo tồn

Theo bà Nguyễn Đào Ngọc Vân, Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF), bảo tồn trong tự nhiên là phương pháp bảo tồn hổ ít tốn kém nhất, hiệu quả nhất và đảm bảo được hệ sinh thái. Việc nuôi nhốt hổ trái phép không những không có giá trị về bảo tồn, mà còn làm hủy hoại những nỗ lực bảo tồn và thực thi pháp luật. Những cá thể hổ bị nuôi nhốt này không thể thả lại tự nhiên.

Các chuyên gia về động vật hoang dã cho rằng, Việt Nam cần tập trung đóng cửa các trại nuôi hổ bất hợp pháp và chấm dứt các cơ sở nuôi nhốt hổ không hỗ trợ gì cho mục đích bảo tồn loài hổ. Bà Bùi Thị Hà cho rằng, cần tập trung đầu tư thời gian, nguồn lực, xử lý nghiêm các đối tượng cầm đầu buôn bán, vận chuyển hổ trái phép.

Trong khi đó, ông Vương Tiến Mạnh nhấn mạnh, bảo tồn hổ là vấn đề toàn cầu, nên cần giải pháp mang tính toàn cầu, chứ không chỉ giải pháp riêng của Việt Nam. Trước hết, cần giảm nhu cầu tiêu thụ hổ và các sản phẩm của hổ; ngăn chặn các thông tin quảng cáo sai sự thật về công năng của các sản phẩm từ hổ trên các mạng xã hội. Đồng thời, truyền thông nâng cao nhận thức, đưa giáo dục bảo tồn đồng vật vào các cấp học. Đồng quan điểm, bà Ngọc Vân cho hay, cần tăng cường truyền thông thay đổi hành vi sử dụng sản phẩm hổ cho người dân. Xử lý tận gốc các vấn đề nuôi nhốt hổ trái phép, đặc biệt là ở Nghệ An để làm gương cho cả nước.

Còn theo Tiến sĩ Tuấn Bendixsen, Giám đốc Chương trình Việt Nam, Tổ chức Động vật châu Á, cơ quan chức năng đã làm rất tốt việc đấu tranh với tội phạm buôn bán, nuôi nhốt hổ. Việt Nam đã có chế tài tương đối đủ mạnh để xử lý các hành vi vi phạm về nuôi hổ trái phép. Vấn đề là, hiện nay ta chưa có nơi để đưa cá thể hổ về cứu hộ, chăm sóc, bảo tồn. Do đó, cần lập trung tâm cứu hộ hổ để không xảy ra lúng túng sau khi giải cứu hổ bị nuôi nhốt. Trung tâm này cũng là nơi để giáo dục tuyên truyền, bảo vệ, chăm sóc hổ sau khi được cứu hộ.

Thu Hằng

Bình luận

ZALO