Biên phòng - Chính phủ khẳng định, những kết quả đạt được trong công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 đã có tác động mạnh mẽ, cảnh tỉnh, răn đe, ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, góp phần làm trong sạch bộ máy Đảng và Nhà nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường an ninh - quốc phòng, đối ngoại, củng cố niềm tin của nhân dân.
Nhận định trên được dẫn chứng bằng những con số về xử lý tham nhũng đang tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong xã hội. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ phát hiện 435 vụ việc vi phạm, số người vi phạm là 377 người, kiến nghị xử lý kỷ luật 85 người, kiến nghị thu hồi và bồi thường 87,4 tỷ đồng; Cơ quan công an đã thụ lý điều tra 378 vụ án, 770 bị can phạm tội về tham nhũng.
Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 313 vụ với 774 bị cáo, xét xử sơ thẩm 157 vụ, 398 bị cáo về các tội danh tham nhũng. Trong đó, tỷ lệ tội phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm 49,5%, có 9 bị cáo bị tuyên phạt mức án tử hình, tù chung thân.
Tuy nhiên, theo nhận định của các ngành chức năng, số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng. Chất lượng và tiến độ điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án tham nhũng chưa đạt yêu cầu; tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng có tiến bộ đáng kể nhưng còn thấp hơn nhiều giá trị tài sản bị chiếm đoạt, gây thiệt hại (thiệt hại trong các vụ án đang thụ lý là hơn 8.800 tỷ đồng, mới thu hồi trên 2.200 tỷ đồng). Bên cạnh “tham nhũng vặt” thì các vụ tham nhũng lớn dưới hình thức “nhóm lợi ích”, doanh nghiệp “sân sau”, “công ty gia đình”... đang dần bộc lộ, cần được nhận diện, đánh giá để có giải pháp phòng, chống tương xứng. Công tác tự phát hiện tham nhũng trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn là khâu yếu nhưng chưa có giải pháp khắc phục.
Việc đánh giá công tác phòng chống tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn và thiếu toàn diện, chưa đáp ứng được yêu cầu lấy kết quả phòng chống tham nhũng là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu. Thế nhưng, chỉ có 56 người đứng đầu đã bị xử lý hoặc đang được xem xét để xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng. Số người đã kê khai, công khai tài sản, thu nhập đạt tỷ lệ 99,8% nhưng chỉ phát hiện 6 trường hợp vi phạm... Điều này cho thấy xác minh tài sản, thu nhập chưa thực sự là biện pháp hiệu quả trong phòng chống tham nhũng.
Mặt khác, dư luận không khỏi bức xúc trước tình hình khiếu nại, tố cáo của công dân diễn biến phức tạp và gay gắt (tăng 41,1% số đơn và 16,3% số vụ việc so với năm 2017). Tình trạng công dân tụ tập đông người lên Trung ương khiếu kiện gia tăng, trong đó có những vụ việc đã được nhiều cơ quan giải quyết nhưng công dân không đồng ý, tiếp tục khiếu nại với thái độ bức xúc. Đáng chú ý, một số thế lực đã lợi dụng tình hình khiếu nại, tố cáo để lôi kéo, kích động công dân tụ tập đông người hoặc có hành vi quá khích làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự và tác động tiêu cực vào tâm lý của cán bộ, nhân dân.
Có thể nói, tham nhũng vẫn đang là thách thức và là một trong những vấn đề bức xúc nhất của xã hội hiện nay. Dự báo từ Chính phủ là trong thời gian tới, công tác phòng chống tham nhũng sẽ tiếp tục đạt được nhiều kết quả toàn diện, tích cực, rõ rệt. Tuy nhiên, để tham nhũng từng bước được kiềm chế và thuyên giảm, giải pháp cấp bách hiện nay là sớm hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong công tác phòng chống tham nhũng và nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra về công tác cán bộ.
Thanh Thảo