Biên phòng - Trong những năm qua, đấu tranh phòng, chống tham nhũng (PCTN) và bảo vệ môi trường luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, tham nhũng được nhận diện là một quốc nạn, một trong 4 nguy cơ làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ XHCN; công tác PCTN được xác định là cuộc đấu tranh lâu dài, khó khăn và phức tạp.

Thực tế cho thấy, công tác PCTN ở nước ta đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận; nạn tham nhũng đã từng bước bị ngăn chặn, đẩy lùi; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước được nâng lên. Mặt khác, vấn đề chủ động bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm nguồn nước, không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu ngày càng được Đảng, Nhà nước quan tâm đúng mức hơn.
Tuy vậy, bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTN ở Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền, giáo dục về PCTN hiệu quả chưa cao, hiện tượng phải hối lộ, bôi trơn hoặc tác động bằng hình thức khác để được thuận lợi hơn trong giải quyết công việc còn phổ biến; một số cơ chế, chính sách còn thiếu chặt chẽ, chưa phù hợp với thực tiễn; thực thi pháp luật có lúc, có nơi chưa nghiêm. Công tác tổ chức, cán bộ, kiểm soát tài sản, thu nhập còn nhiều hạn chế, vướng mắc; vấn đề phát hiện, xử lý tham nhũng chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là tự phát hiện, xử lý tham nhũng trong nội bộ... Từ thực trạng đó, để nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong thời gian tới, Đảng ta cần tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, phải giữ vững nền tảng tư tưởng xuyên suốt trong việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ và yêu cầu đặt ra đối với cán bộ, đảng viên trong từng giai đoạn cách mạng. Vì chỉ có nắm vững chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cách mạng của Đảng mới bảo đảm cho cán bộ, đảng viên xác định đúng mục tiêu, lý tưởng, trung thành tuyệt đối với Đảng, Tổ quốc và nhân dân.
Hai là, coi trọng giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Nói như vậy là bởi có thấm nhuần đạo đức cách mạng, cán bộ, đảng viên mới giữ gìn được lối sống trong sạch, kiên quyết đấu tranh với chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng và mọi tệ nạn xã hội. Chính phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là sức “đề kháng” mạnh mẽ chống lại mọi suy thoái, biến chất.
Ba là, xác định tiêu chí và thực hiện có hiệu quả nội dung xây dựng Đảng về đạo đức, kết hợp hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI, khóa XII) gắn với việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.
Bốn là, các cấp ủy, tổ chức Đảng cần chú trọng công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện cam kết của cán bộ, đảng viên ở địa phương, cơ quan, đơn vị. Từng tổ chức cơ sở Đảng cần hoàn thiện và thực hiện nghiêm quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là của bí thư cấp ủy các cấp. Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ; đề cao tinh thần tự phê bình và phê bình, khắc phục tình trạng nể nang, né tránh, ngại đấu tranh với những biểu hiện vi phạm. Đồng thời, có cơ chế bảo vệ, khuyến khích người dám đấu tranh, bảo đảm ngăn chặn kịp thời mọi biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ngay từ cơ sở.
Năm là, phát huy vai trò tích cực của báo chí, truyền thông, kiểm soát, quản lý tốt các hoạt động báo chí, xuất bản, internet và mạng xã hội. Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan báo chí, truyền thông trong đấu tranh với các luận điệu thù địch, sai trái, phòng, chống “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.
Sáu là, hoàn thiện chính sách tiền lương và chế độ đãi ngộ để từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và lợi ích thiết thân của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Bảo đảm thu nhập, tiền lương tương xứng với sự đóng góp, phù hợp với công sức, trí tuệ của mỗi người đã cống hiến; đẩy mạnh cải cách tiền lương, thu nhập, chính sách nhà ở bảo đảm cuộc sống cho cán bộ, đảng viên, công chức để góp phần PCTN.
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025) là chủ động bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm nguồn nước, không khí, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường đã được Đảng và Nhà nước quan tâm chỉ đạo, là một trong 3 trụ cột phát triển bền vững, đã tạo được sự chuyển biến và đạt được một số kết quả bước đầu quan trọng. Tuy nhiên, ô nhiễm môi trường vẫn tiếp tục gia tăng, xảy ra nhiều sự cố gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất của nhân dân.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ môi trường hết sức nặng nề, nhiều vấn đề môi trường tích tụ chưa được giải quyết, áp lực lên môi trường ngày càng lớn, nguy cơ nước ta trở thành bãi rác thải công nghệ lạc hậu, các loại hình sản xuất ô nhiễm môi trường đang hiện hữu; biến đổi khí hậu diễn biến nhanh, phức tạp, đặt ra nhiều thách thức lớn đối với công tác bảo vệ môi trường.
Để khắc phục những hạn chế, chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và giảm thiểu ô nhiễm, tạo bước chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, tôi xin kiến nghị tăng cường bổ sung các nội dung biện pháp chủ yếu như sau:
Thứ nhất, các cấp, các ngành của cả hệ thống chính trị cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa thân thiện với môi trường, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về môi trường.
Thứ hai, tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về môi trường, trong đó, rà soát, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật môi trường của các khu đô thị, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao và các đô thị đông dân cư, khu vực có hệ sinh thái nhạy cảm cần được bảo vệ. Đồng thời, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo vệ môi trường theo hướng ngăn chặn các dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, loại hình sản xuất có nguy cơ cao gây ô nhiễm môi trường.
Thứ ba, nâng cao trách nhiệm, năng lực thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Kiểm tra, đôn đốc chủ dự án, nhà đầu tư tuân thủ các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và thực hiện các công trình bảo vệ môi trường phục vụ vận hành dự án. Bên cạnh đó, kiểm tra, rà soát các báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, các công trình, biện pháp bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư để có điều chỉnh kịp thời.
Thứ tư, tăng cường điều tra, kiểm kê nguồn thải, kiểm soát các hoạt động nhập khẩu phế liệu làm nguyên liệu sản xuất, hoạt động vận chuyển và xử lý chất thải; trang bị và cập nhật kiến thức pháp luật cho cán bộ các ngành, các cấp có liên quan trong công tác thanh, kiểm tra và kịp thời kiên quyết xử lý các sai phạm.
Thượng tá Trương Tất Thắng - Hải đoàn trưởng Hải đoàn 18 BĐBP