Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Thứ sáu, 09/06/2023 05:59 GMT+7

Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII:

Hoàn thiện các quy định liên quan đến xuất, nhập cảnh

Biên phòng - Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam sẽ được hoàn chỉnh và trình Quốc hội thông qua theo chương trình tại kỳ họp này. Tại phiên thảo luận cuối cùng, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xác đáng nhằm hoàn thiện các qui định liên quan đến xuất, nhập cảnh. Báo Biên phòng xin trích dẫn một số ý kiến rất đáng quan tâm:

281x292_6c-1.jpg
Đại biểu Nguyễn Thái Học
(Phú Yên). Ảnh: Trần Đức
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên): "Tôi thấy quy định tại Khoản 4 là "Người bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng thì chưa cho nhập cảnh" và thẩm quyền chưa cho nhập cảnh trong trường hợp này được quy định tại khoản 1, Điều 22, đó là "Người đứng đầu cơ quan Công an cửa khẩu, người đứng đầu đơn vị Biên phòng cửa khẩu", tôi thấy băn khoăn về thẩm quyền này. Bởi vì, người đứng đầu cơ quan Công an cửa khẩu, người đứng đầu đơn vị Biên phòng cửa khẩu không có điều kiện, phương tiện để xác định người bị mắc bệnh tâm thần và bệnh truyền nhiễm gây nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng để quyết định chưa cho nhập cảnh. Tôi đề nghị nghiên cứu để xác định lại thẩm quyền chưa cho nhập cảnh trong Khoản 4, Điều 21".

263x308_6a-1.jpg
Đại biểu Bùi Đức Hạnh (Lào Cai). Ảnh: Trần Đức
Đại biểu Bùi Đức Hạnh (Lào Cai): "Trong Điều 22, thẩm quyền quyết định chưa cho nhập cảnh, quy định "Người đứng đầu cơ quan Công an cửa khẩu và người đứng đầu đồn, đứng đầu đơn vị Biên phòng cửa khẩu" là chung chung, chưa rõ thuộc cấp nào (cấp đồn hay cấp trạm). Qui định như trên rất dễ lạm quyền, khó cho tổ chức thực hiện, lại cần phải có một văn bản hướng dẫn dưới luật. Căn cứ vào văn bản pháp luật hiện hành, thực tiễn đang thực hiện ở đơn vị cơ sở hiện nay, tôi đề nghị quy định cụ thể là: "Đồn trưởng đồn Biên phòng cửa khẩu, đồn trưởng đồn Công an cửa khẩu có quyền quyết định chưa cho nhập cảnh...".

Điều 34 quy định "Người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam phải thông báo cho cơ quan tạm trú khai báo với công an xã, phường, thị trấn, đồn và trạm công an nơi cư trú, nơi cơ sở lưu hành" đã không đề cập tới đồn Biên phòng, trạm Biên phòng. Trong khi đó, theo văn bản hiện hành, lực lượng chủ trì an ninh chính trị, trật tự an toàn ở khu vực biên giới hiện nay là BĐBP, mà người nước ngoài vào khu vực đó lại không khai báo cho đồn Biên phòng, cho trạm Biên phòng là thiếu. Đề nghị bổ sung thêm vào trong Điều 34: "Người nước ngoài tạm trú ở Việt Nam phải thông báo cho cơ quan, cơ sở lưu trú, khai báo tạm trú cho đồn Công an xã, phường, thị trấn, đồn, trạm Công an và đồn, trạm Biên phòng nơi có cơ sở lưu trú".

Hiện nay, trên lãnh thổ Việt Nam có hai Bộ quản lý các cửa khẩu. Bộ Quốc phòng quản lý tất cả cửa khẩu trên đường bộ, đường sắt và đường biển. Bộ Công an quản lý cửa khẩu đường hàng không. Để các văn bản ban hành liên quan đến xuất nhập cảnh gắn với thực tiễn ở đơn vị cơ sở, tạo thuận lợi cho thực hiện sau này, tôi đề nghị Bộ Công an chủ trì và phối hợp với Bộ Quốc phòng để soạn thảo văn bản này trình các cơ quan có thẩm quyền.

Tôi đề nghị bổ sung vào Khoản 4, Điều 48 là "Trách nhiệm của Bộ Công an kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh tại các cửa khẩu do Bộ Công an quản lý", để không chồng chéo với Bộ Quốc phòng và thống nhất với Khoản 3, Điều 50: "Trách nhiệm của Bộ Quốc phòng là kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam tại các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý".

268x285_6b-1.jpg
Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh). Ảnh: Trần Đức
Đại biểu Nguyễn Hoài Phương (Tây Ninh): "Tại Điểm d, Khoản 1, Điều 37 quy định "Người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam tham quan, du lịch, thăm thân không phải xin phép, trường hợp vào khu vực biên giới, khu vực cấm phải được phép của cơ quan quản lý khu vực đó", theo tôi, chưa rõ ràng và chưa chặt chẽ đối với khu vực biên giới. Theo Nghị định 34/2014/NĐ-CP về khu vực biên giới đất liền và Nghị định 161/2003/NĐ-CP về khu vực biên giới biển, tôi thấy việc này phải quy định lại cho phù hợp ở khoản này đối với người nước ngoài thường trú, tạm trú ở Việt Nam khi đến xã, phường, thị trấn giáp biên giới hoặc ra vào các khu vực quần đảo, đảo, trừ khu vực du lịch dịch vụ, khu vực kinh tế cửa khẩu có quy chế riêng phải có giấy phép của Công an từ cấp tỉnh trở lên và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền. Theo tôi, nên chỉnh theo hướng: "Người nước ngoài đang cư trú hợp pháp tại Việt Nam được đi lại trên lãnh thổ Việt Nam tham quan, du lịch, thăm thân không phải xin phép. Trường hợp vào khu vực biên giới, khu vực cấm phải được phép và chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền".

Điểm c, Khoản 2, Điều 43 của dự thảo Luật quy định về trách nhiệm của UBND cấp huyện, xã trong việc xử lý vi phạm về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại địa phương quy định chưa rõ ràng. Bởi vì, nếu UBND cấp huyện, xã chỉ có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh (Cục Quản lý xuất, nhập cảnh và cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh Công an các tỉnh, thành phố) trong việc xử lý vi phạm của người nước ngoài tại địa phương, thì đối với các cơ quan khác có thẩm quyền xử lý vi phạm về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài (BĐBP), UBND cấp huyện, xã có trách nhiệm phối hợp không? Đặc biệt là đối với các huyện có biên giới, các xã nằm trong khu vực biên giới, nơi vùng sâu, vùng xa thì việc UBND cấp huyện, xã phối hợp với cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh để xử lý vi phạm của người nước ngoài tại địa phương lại càng hết sức khó khăn. Vì vậy, tôi đề nghị thay cụm từ "cơ quan quản lý xuất, nhập cảnh" bằng cụm từ "cơ quan có thẩm quyền" để xác định đầy đủ hơn chủ thể phối hợp của UBND cấp huyện, xã trong xử lý vi phạm về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại địa phương.
Long Ngũ (Thực hiện)

Bình luận

ZALO