Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ hai, 09/09/2024 02:54 GMT+7

Hoàn thiện bảo hiểm bắt buộc ô-tô, xe máy nhằm bảo vệ lợi ích công cộng

Biên phòng - Chính phủ và bộ ngành đang tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới nhằm mang lại nhiều thuận lợi hơn cho người dân. Theo đó, để đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 và các điều ước quốc tế về vận tải đường bộ mà Việt Nam là thành viên, các quy định mới sẽ được triển khai như tiếp tục đơn giản hóa thủ tục bồi thường, giảm phí, thu hẹp việc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, tăng tỷ lệ hỗ trợ nhân đạo…

Các doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp vào Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới để hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật. Ảnh: minh họa

Giảm phí và thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm

Ngày 15/1/2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 03/2021/NĐ-CP hiệu lực từ ngày 1/3/2021 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, đẩy nhanh tiến độ giải quyết bồi thường bảo hiểm, tạm ứng bồi thường, tăng mức bồi thường bảo hiểm, đơn giản hóa hồ sơ bồi thường bảo hiểm, tăng mức chi hỗ trợ nhân đạo...

Hiện Chính phủ đang dự thảo Nghị định mới nhằm đồng bộ với Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 trên cơ sở vừa kế thừa các quy định đổi mới về bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ xe cơ giới đã quy định trong Nghị định số 03, vừa tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định nhằm giải quyết những vấn đề còn băn khoăn liên quan sản phẩm này.

Theo quy định hiện hành, mức phí bảo hiểm (chưa bao gồm VAT) với xe máy dưới 50cc, xe máy điện là 55.000 đồng, xe máy trên 50cc là 60.000 đồng và không có quy định về giảm phí với bất kỳ trường hợp nào. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định đề xuất giảm phí 15% đối với các xe có lịch sử bồi thường thấp để tạo chủ động của doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm trong việc đánh giá rủi ro.

Đặc biệt, Dự thảo Nghị định cũng đề xuất thu hẹp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo hướng chỉ loại trừ trách nhiệm bảo hiểm trong trường hợp lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức trị số bình thường theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Theo quy định tại Nghị định số 03/2021, lái xe điều khiển xe cơ giới mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn gây tai nạn sẽ không được bồi thường bảo hiểm).

Cắt giảm nhiều thủ tục hành chính khi bồi thường

Dự thảo Nghị định cũng đã kế thừa quy định về hồ sơ bồi thường bảo hiểm tại Nghị định số 03/2021/NĐ-CP, theo đó cắt giảm 2/5 chứng từ, tài liệu chứng minh thiệt hại về sức khỏe, tính mạng; chỉ thu thập tài liệu của cơ quan Công an có thẩm quyền trong trường hợp tử vong, đồng thời quy định rõ thời hạn cơ quan có thẩm quyền phải cung cấp tài liệu cho doanh nghiệp bảo hiểm; bổ sung biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất được thống nhất giữa doanh nghiệp bảo hiểm và chủ xe, người lái xe quy định nhằm đẩy nhanh tốc độ giải quyết bồi thường bảo hiểm.

Đặc biệt, dự thảo Nghị định cũng đề xuất tăng tỷ lệ chi hỗ trợ nhân đạo từ 25-30% tổng quỹ bảo hiểm xe cơ giới nhằm tăng cường hơn nữa chi hỗ trợ nhân đạo trong trường hợp tai nạn thuộc loại trừ trách nhiệm bảo hiểm hoặc không thuộc phạm vi bồi thường.

Tại Nghị định 03, trong các trường hợp không xác định được xe gây tai nạn, xe không tham gia bảo hiểm và các trường hợp loại trừ trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Điều 13 Nghị định này (trừ hành động cố ý gây thiệt hại của chủ xe cơ giới, người lái xe hoặc của người bị thiệt hại) thì nạn nhân sẽ thuộc đối tượng hỗ trợ nhân đạo của Quỹ Bảo hiểm xe cơ giới do các doanh nghiệp đóng góp. Theo đó, mức hỗ trợ nhân đạo là 30% mức trách nhiệm bảo hiểm và 10% mức trách nhiệm đối với trường hợp tổn thương được điều trị cấp cứu (Mức trách nhiệm bảo hiểm là 150 triệu đồng/người/vụ, không hạn chế số người trong 1 vụ). Đây là việc làm ý nghĩa đối với gia đình nạn nhân tai nạn giao thông do xe cơ giới gây ra thể hiện chính sách đúng đắn của luật pháp đối với việc chi hỗ trợ nhân đạo cho người gặp nạn.

Bảo Nguyên

Bình luận

ZALO