Đường dây nóng: 0912011882 - (024) 39364407Chủ nhật, 28/05/2023 07:00 GMT+7

Hoàn cảnh thương tâm của một gia đình ngư dân

Biên phòng - Hằng ngày, ngư dân Phạm Phông chỉ biết quanh quẩn trong căn nhà nhỏ rồi ra bờ biển nhìn về phía đường chân trời. Anh mơ ước được nối nghiệp cha vùng vẫy trên biển, nhưng rồi lại mắc bệnh hiểm nghèo nên tạm gác giấc mơ vươn khơi...

58e45da3f9ff19b4e9001f03
Ngư dân Phạm Phông bên 3 tấm di ảnh của người thân. Ảnh: Lê Văn Chương

Tại dốc thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi có một ngôi nhà nhỏ vắng bóng người. Ngôi nhà nhỏ cũ và càng thêm buồn, bởi trên bàn thờ giữa nhà đặt di ảnh của 3 người thân của Phông. Cả 3 cha con cùng chung một ngày giỗ vì đã ăn cá nóc độc. Phạm Phông buồn rầu kể chuyện cũ: "Ba và chị chết trên đường đi cấp cứu. Lên tới bệnh viện tưởng cứu sống được bé út, nhưng rồi cuối cùng cũng mất luôn".

Ông Năm là một ngư dân lăn lộn sóng gió và nhiều lần đối mặt với  bão tố. Có lần, thanh niên trong xóm nghịch ngợm, buộc quả đạn cối với lựu đạn mang ra quăng cá. Một tiếng nổ vang trời đã khiến vài người chết và bị thương. Ông Năm đứng gần đó nhưng chỉ bị một miếng nhỏ găm vào người. Ông Năm cười khà khà và bảo "con trời, dễ gì chết". Cái lý "con trời" đó đã làm cho ông Năm trở thành ngư dân gan dạ hơn, cứ thấy bà con mở biển là nhảy lên tàu đi bạn.

Cái tính mạnh bạo đó đã giúp ông Năm kiếm thêm tiền mang về cho vợ nuôi 5 đứa con. Mỗi khi đi biển về, ông Năm không quên cất vài con mực, cá khô để mang cho anh em Biên phòng ở địa bàn và nói: "Mấy chú đem về nướng ăn đỡ buồn, ở trên Đồn BP Bình Hải nghe nói khổ lắm". Cá tôm ở vùng biển luôn sẵn có, nhưng ông Năm muốn chia sẻ với mọi người như cách sống tốt bụng của mình. Đời thật trớ trêu, người tốt nhưng cuối cùng lại gặp đại họa.

Năm xảy ra đại tang của gia đình, cậu bé Phạm Phông mới 9 tuổi, em gái là Phạm Thị Bích Phượng 5 tuổi. Chị Phạm Thị Hồng, mẹ của Phông bắt đầu với đoạn trường thay chồng gánh vác cả gia đình. Chị không còn thấy nụ cười hiền cùng hình bóng cần cù của anh. Từ sáng tới tối mịt, chị chạy ra biển mua cá đi bán, tới mùa cá cơm thì đi làm thuê trong các lò hấp. Khi ngư dân Châu Thuận Biển được mùa ruốc thì chị lại chen lấn ra biển để mua đi bán lại. Làm việc vất vả để có thêm tiền lo cho con ăn học. Nhưng làm việc như vậy cũng chẳng giúp chị quên đi nỗi đau đè nặng trong lòng.

5 năm sau ngày cha mất, cậu bé Phông đã 14 tuổi và quyết định đi biển để giúp mẹ. So với bạn cùng lứa, Phạm Phông có vẻ già dặn hơn, tính cách thể hiện là cậu thiếu niên dám xả thân để lăn lộn trên biển như người cha. Trên khuôn mặt của anh luôn hiện ra nét u buồn. Nhiều người bảo, do Phông mất cha từ lúc còn bé, do hàng ngày sống trong ngôi nhà có 3 tấm ảnh thờ, nếu người cứng rắn tới đâu cũng không tránh khỏi nỗi buồn đeo đẳng đến hết cuộc đời.

Các chủ tàu ở địa phương, rất nhiều người biết ngư dân Nguyễn Năm. Vì vậy, khi cậu học trò xin xuống đi biển thì các chủ tàu đều gật đầu và dành cho cậu sự thương cảm vì hoàn cảnh gia đình quá khổ đau. Phông nhanh chóng trở thành ngư dân đi biển giỏi. Phông có mặt trên tàu của các ngư dân khá nổi tiếng, đó là tàu của ông Thạch A, Chánh A. Tàu ra vùng biển Hoàng Sa đánh bắt rồi lại xuôi vào quần đảo Trường Sa. Tàu làm nghề lặn ốc, hải sâm dưới rạn san hô, vì vậy cậu học trò mới rời nhà trường, sách vở đã nhanh chóng trở thành một cậu ngư dân trẻ có nước da đen, láng. Đi biển, cậu ghét nhất là tàu tuần tra Trung Quốc cứ bám theo như đỉa, chờ cơ hội là xông vào uy hiếp bà con ngư dân đang đi trên con tàu gỗ nhỏ bé và không bao giờ chấp nhận hạ cờ.

Phạm Thị Bích Phượng, em gái của Phạm Phông hằng ngày đến trường và được anh động viên cố gắng học tập tốt. Làng chài còn thiếu giáo viên mầm non, thiếu y sĩ, Phông mong muốn em gái sẽ học hành thành đạt và quay về quê làm việc. Chị Hồng vui mừng vì thấy con trai đã nhanh chóng thay cha làm trụ cột để gánh vác gia đình và lo cho em. Ngôi nhà cũ rộng khoảng 30 mét vuông đã quá chật hẹp với 3 người. Phông quyết tâm làm biển và giúp mẹ xây thêm gian nhà dưới. Cậu còn dự định đến một ngày nào đó sẽ trở thành thuyền trưởng cầm lái con tàu xuôi ngược ở Hoàng Sa.

Mọi sự giúp đỡ xin được gửi về chị Bùi Thị Hồng, địa chỉ: Thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Số điện thoại của ngư dân Phạm Phông: 01645162694

Nhưng rồi tai ương bất ngờ lại ập đến đã cuốn đi ước mơ của 2 anh em Phông. Cách đây chưa lâu, cậu thấy cơ thể không bình thường nên đi khám và được bác sĩ chẩn đoán bị suy thận mạn. Căn bệnh quái ác đã khiến cơ thể cậu mau chóng bị suy kiệt. Đứa em gái gạt nước mắt và tạm gác ước mơ để lên thành phố Quảng Ngãi làm thuê, kiếm tiền phụ giúp cho anh chạy thận. Hàng tuần, Phông phải ra Đà Nẵng để truyền dịch qua bụng, mỗi tháng tốn thêm 3 triệu đồng.

Chiều buông xuống, Phông cắm cành hoa lên bàn thờ, rồi ra bến nhìn ngư dân lục đục xuống thuyền đi biển. Cậu rơi nước mắt khi nghe tiếng mái chèo khua nước chở các ngư dân ra thuyền để đi biển. Nối nghiệp cha và mang theo ước mơ trở thành thuyền trưởng Hoàng Sa, nhưng rồi mọi cái đành dang dở, trong khi cậu còn quá trẻ.

Lê Văn Chương

Bình luận

ZALO