Biên phòng - Những ngày cuối năm, khi cơn gió chướng xôn xao tìm về như báo hiệu một mùa xuân sắp đến, khi ấy lòng người như chộn rộn những cảm xúc bâng khuâng đến khó tả! Bởi trong những ngày tất bật tiễn đưa năm cũ để chào đón năm mới, lòng người như muốn chùn lại để nhìn về những tháng ngày đã qua... Nhìn xem một năm mình đã làm được những gì, và những gì chưa được...? Để rồi bất chợt, lại thấy lòng thêm xốn xang! Những hình ảnh về ngày Tết tuổi thơ tuy còn nghèo khó, nhưng lại làm lòng tôi cứ quay quắt mãi không thôi!
Thuở ấy, quê tôi chỉ là một xóm nhỏ đơn sơ. Nhà tôi khi đó là một trong những hộ còn nghèo nhất xóm. Cha mẹ tôi tháng ngày bộn rộn Tết đến, với cuộc mưu sinh, sớm hôm tần tảo cũng chỉ mong cho các con được ăn ngon, mặc đẹp... Nhất là mỗi độ xuần về nỗi lo ấy càng thêm trầy trật hơn trên đôi vai gầy của cha mẹ.
Tuổi thơ tôi cũng như bao nhiêu đứa trẻ khác. Cũng vô tư hồn nhiên, cũng biết nôn nao trông chờ khi cơn gió xuân chấp chới tìm về, cùng đàn én chao lượn giữa cánh đồng mênh mông lúa mới... Trong khoảnh khắc chuyển giao ấy càng làm cho lũ trẻ thêm xôn xao mong Tết! Mong Tết để được xúng xính quần áo mới, được thưởng thức những món bánh kẹo ngon, những thứ mà ngày thường có mấy khi được chạm tới... Và còn vui xiết bao khi sang nhà nội, nhà ngoại chúc Tết được mọi người trao cho những bao lì xì đỏ thắm.
Ngày còn nhỏ chưa hiểu chuyện, cứ nghĩ Tết về sẽ được ăn ngon, mặc đẹp, chứ đâu biết được rằng. Mỗi khi Tết về là trên mái tóc của mẹ bỗng thưa dần những sợi đen, chỉ có những sợi bạc trắng cứ từng ngày mọc nhiều thêm... Và những vết nhăn nheo của thời gian cũng chất đầy trên vầng trán nhô cao của cha. Đó là sự minh chứng cho những ngày gian lao vất vả...
Thế nhưng trong lòng lại thoáng buồn bâng khuâng khi vô tình nghe mẹ nói với cha: “Gần tới Tết rồi mà chưa có tiền sắm quần áo cho tụi nhỏ, tính sao đây ông?”. Nghe mẹ nói, nét mặt cha buồn bã, lặng im thả lên từng cụm khói thuốc trắng đục như màu thời gian đã phủ đầy trên tóc. Rồi cha quay ra phía ngoài nhìn vào đàn vịt trong chuồng: “Tôi định nuôi bầy vịt này cho kịp mùa Tết, ai dè bệnh hoài không lùa chúng đi ăn đồng xa được, nên chúng chậm lớn vậy. Thôi hỗng ấy để mai tôi lựa coi còn nào đủ ký rồi bà đem đi bán để mua đồ cho tụi nhỏ, chứ Tết tới rồi còn gì”. Nghe câu chuyện của cha mẹ, tôi vừa mừng, vừa lo vì không biết vịt có bán được không?
Qua ngày hôm sau, khi tôi đang vui chơi cùng lũ trẻ trong xóm, bỗng nghe tiếng mẹ gọi. Tôi vội chạy về và vỡ òa trong niềm vui sướng, khi nhìn những bộ quần áo mới mà mẹ vừa mua cho. Tôi thích thú mặc vào từng bộ để mẹ xem, mà quên đi những tảo tần, hôm sớm của cha mẹ để tôi có được niềm vui trọn ven...
Đến khi đêm xuống, cùng mẹ nằm trên chiếc võng kẻo cà, lắc lư. Tôi bỗng thảng thốt giật mình khi đặt tay lên má mẹ thì không sờ thấy đôi bông tai đâu nữa. Cứ tưởng mẹ đã làm rơi đâu đó, nhưng khi hỏi ra mới biết, vì số vịt bán không đủ tiền nên mẹ đã mang đôi bông tai đi cầm để mua đồ mới cho tôi. Nghe mẹ nói lòng tôi chợt xa xót không yên. Lần đầu tiên trong đời, một thằng bé như tôi đang cảm thấy mình có lỗi và càng thấy mình nhỏ nhoi trước tình mẹ bao la...
Theo tháng năm tôi cũng lớn khôn, và có cuộc sống đủ đầy hơn... Tất cả là nhờ sự vất vả, hy sinh thầm lặng của cha mẹ. Vì muốn các con không phải buồn lòng khi bước ra với đời, cha mẹ tôi đã quên đi cả tuổi thanh xuân của mình! Để giờ đây cuộc sống cũng tạm gọi là ổn, không còn những ngày chật vật như trước nữa. Nhưng, dẫu cuộc sống có giàu sang đến mấy thì cha mẹ tôi cũng chẳng thể nào buông bỏ được đôi quang gánh âu lo. Có lẽ đó là một thói quen đã theo cha mẹ từ những ngày khốn khó...
Bởi thế nên vào những ngày cận Tết, mẹ thường tính toán, chuẩn bị làm món ăn này, hoặc món bánh kia... để mâm cơm ngày Tết thêm đủ đầy. Và cũng để khi các con trở về sum họp luôn được thưởng thức những món bánh ngon, những món mà ngày ấu thơ được mẹ làm cho ăn... Thế nhưng giờ này tuổi mẹ đã cao, lại thêm bệnh hành hạ, nên chị em tôi khuyên mẹ đừng làm nữa vì thời buổi này thứ gì ngoài chợ cũng có bán.
Nhưng mỗi lần chị em tôi nói thế thì mẹ lại bảo: “Tết mà con, không làm gì thì buồn tay, buồn chân. Một năm chỉ có 3 ngày Tết làm cho nó vui nhà, vui cửa”. Biết mẹ có thói quen chăm chút cho gia đình vào ngày Tết, nên chúng tôi không ngăn cảng mẹ nữa, mà mỗi đứa cùng chia ra phụ mẹ làm. Đứa thì chặt dừa cho mẹ kho thịt. Đứa thì lau lá chuối cho mẹ gói bánh, rồi cùng ngồi nghe mẹ kể về những ngày ấu thơ bên ngoại...
Và năm nay cũng thế. Khi cơn gió chướng xôn xao giữa vòm trời quê. Vạt nắng xuân ấm áp chiếu gọi khắp muôn nơi. Chúng tôi lại có dịp tề tựu bên mẹ để cùng làm những món bánh ngon, cho ngày mùa xuân thêm đong đầy hạnh phúc, và cũng để cho lòng chúng tôi thấy an yên hơn khi mỗi độ xuân về còn có mẹ bên đời để chăm lo, nhắc nhở.
Nguyễn Minh Thuận