Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 09:22 GMT+7

Hoài bão có thật

Biên phòng - Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đang tận hưởng giai đoạn ổn định chính trị trong nước. Sau khi được tái cử trong cuộc bầu chọn Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) ngày 20-9 vừa qua, ông Abe sẽ phải củng cố vị thế của mình ở trong nước cho đến năm 2021, ổn định chính trị để giải quyết nhiều vấn đề bất ổn trong hệ thống quốc tế hiện hành. Liệu mục tiêu đó có thành hiện thực khi một trong những hoài bão của ông là nâng cao năng lực quốc phòng, sửa đổi Hiến pháp để mở rộng hơn nữa hoạt động quân sự của Nhật Bản ở nước ngoài.

xe7p_20a
Thủ tướng Nhật Bản Sin-dô A-bê duyệt đội danh dự Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (JSDF) tại căn cứ không quân Hi-a-ku-ri, Ô-mi-ta-ma, Đông Bắc Tô-ki-ô, tháng 10-2014. Ảnh: Reuters

Chuyện tiền lệ

Hiến pháp Nhật Bản, ban hành năm 1947, là Hiến pháp độc nhất chưa từng một lần sửa đổi. LDP cầm quyền thông qua Thủ tướng Sin-dô A-bê đã tuyên bố đang tìm cách sửa đổi Hiến pháp trong tương lai rất gần.

Trong khi các sửa đổi về cải cách giáo dục và phân bổ nghị sĩ ở Thượng viện đang được thảo luận, phần gây tranh cãi nhất của kế hoạch sửa đổi Hiến pháp chính là thay đổi Điều 9 và tác động của nó tới Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF). Những người phản đối cho rằng, Chính phủ Nhật Bản đã đi quá xa với việc diễn giải Hiến pháp và thông qua đạo luật về quyền phòng vệ tập thể hồi năm 2015, cho phép Quân đội Nhật tham chiến ở nước ngoài. Việc sửa đổi Hiến pháp sẽ càng mở rộng vai trò của quân đội ở nước ngoài. Từ thập niên 1950, Nhật Bản tiếp tục duy trì hoạt động của JSDF, dù trên thực tế nước này không có quân đội. Nhưng Thủ tướng Sin-dô A-bê muốn thay đổi, thúc đẩy theo hướng chính thức trao quyền cho lực lượng này.

Sửa đổi Hiến pháp có thể thành công rực rỡ đối với JSDF vốn phải thực thi nhiều nhiệm vụ, nhưng để đúng với thực tiễn quân sự lại là chuyện hoàn toàn khác. Tái vũ trang và cải cách JSDF đã luôn gắn với sửa đổi Hiến pháp. Thể thức của JSDF non trẻ khi họ được huy động vào lúc người Mỹ triển khai sang Triều Tiên, được định hình một phần nhờ nhu cầu dỡ bỏ những giới hạn Hiến pháp của Nhật Bản và thể thức đầu tiên JSDF áp dụng vẫn tồn tại theo nhiều cách cho tới ngày nay. Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản hiện vẫn tuyên bố "Các lực lượng trên bộ, trên biển và trên không, cũng như các lực lượng chuẩn bị chiến tranh, không bao giờ được phép duy trì". Như vậy, sửa đổi Hiến pháp là cách tốt nhất để thay đổi thể thức của JSDF và vì thế, thay đổi cả chức năng, nhiệm vụ của nó.

Hướng đi

Thủ tướng Sin-dô A-bê và LDP đang tìm cách hợp pháp hóa sự tồn tại của JSDF, dù Điều 9 của Hiến pháp nói rõ, cấm sở hữu trang thiết bị chiến tranh.

Kể từ năm 2012, một bản sao của Hiến pháp lý tưởng do LDP soạn thảo đã được công khai đưa lên trang mạng của họ, trong đó, Điều 9 được sửa đổi để trao lại quyền tham chiến cho Nhật Bản. Chương 2 của dự thảo này quy định việc thành lập các lực lượng vũ trang quốc gia và chỉ định Thủ tướng là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang. Dự thảo cam kết rằng lực lượng vũ trang này sẽ giúp bảo đảm an toàn và trật tự không chỉ ở Nhật Bản, mà còn trong cộng đồng quốc tế rộng hơn. Ở Chương 3, văn bản này rõ ràng trao quyền thành lập lục quân, hải quân, không quân và bất kỳ quân chủng nào khác như được quyết định thông qua quy trình pháp lý.

Bất cập

Dự thảo trên thực tế lại không khớp với thực trạng chính trị của Nhật Bản. Khi thời hạn sửa đổi Hiến pháp vào thời điểm Olympic Tô-ki-ô 2020 như Thủ tướng Sin-dô A-bê tuyên bố hồi tháng 5 năm ngoái đang đến gần, Chính phủ Nhật Bản và những người ủng hộ ông đã điều chỉnh những sửa đổi đề xuất cho Điều 9, như đơn thuần sửa đổi Hiến pháp để phù hợp hơn với hiện thực bằng cách chính thức hóa sự tồn tại và mục đích của JSDF.

Nhưng cả dự thảo năm 2012 lẫn kế hoạch của Thủ tướng Sin-dô A-bê đều không đề cập đến những thiếu sót và nhu cầu quân sự thực sự của JSDF. Những rắc rối của khu vực vẫn sẽ có dù sửa đổi có thành công hay không và việc tuyên bố JSDF là hợp pháp không thể thay đổi tình hình an ninh của Nhật Bản. Đây là lý do tại sao ông Sin-dô A-bê và đảng của mình hiếm khi đề cập dự thảo năm 2012 của họ.

5taj_20b
JSDF thực hiện nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn trong thảm họa sóng thần tại tỉnh Ốt-xu-chi, tháng 3-2011. Ảnh: Atlantic

Hướng đi đúng

Bất kỳ sửa đổi Hiến pháp nào có lợi ngay lập tức cho JSDF phải tính đến một hoặc cả hai lĩnh vực chính: Tính tổ chức và tính hợp pháp. Rõ ràng là những sửa đổi đề xuất của Thủ tướng Sin-dô A-bê sẽ nâng cao tính hợp pháp và sẽ có lợi lớn cho JSDF; nhưng lại khó đạt mục tiêu cải cách JSDF về mặt tổ chức. Những thay đổi có thể mở ra cơ hội tham chiến khi cần, thêm vào đó là không bị giới hạn tiến hành tập trận chung và tham gia hoạt động quân sự quốc tế, triển khai chiến đấu, các hoạt động chung chính thức và lên kế hoạch khẩn cấp cho chiến tranh. Cải cách về mặt tổ chức sẽ nâng cao hiệu quả cho JSDF hơn là đơn thuần chỉ đưa vào luật sự tồn tại của nó.

Một số chuyên gia cho rằng việc sửa đổi Hiến pháp sắp tới cần phải đặt văn bản này vào vị thế quyền lực cao nhất ở Nhật Bản. Trước đây, Hiến pháp là văn bản linh thiêng được các vị hoàng đế nắm giữ kể từ thời kỳ Minh Trị. Nhiều người Nhật Bản không bao giờ có thể tưởng tượng việc luận tội hoàng đế; thay đổi Hiến pháp cũng gây thất vọng tương tự cho đa số dân chúng thời hậu chiến. Thay đổi Hiến pháp cần phải được thực hiện chậm rãi, thận trọng và với sự tôn trọng vị thế của văn bản này.

Tuy nhiên, bất kể Hiến pháp sau khi được sửa đổi như thế nào, JSDF vẫn tồn tại nhiều vấn đề cũ như: Thiếu nhân lực cho các sứ mệnh cốt lõi của mình, tiếp tục được người dân Nhật Bản coi là một lực lượng cứu trợ thảm họa mặc quân phục hơn là quân đội, các chiến dịch chung còn trong trứng nước, tiếp tục dùng cấu trúc và thuật ngữ cấp bậc cũ kỹ và "có vẻ quân sự"; JSDF đang bị kéo căng và khó khăn tài chính kinh niên... Một sự sửa đổi Hiến pháp táo bạo có thể giúp cải tổ JSDF khi kết hợp với tính hợp pháp mới của nó. Nhưng nếu không cải tổ, những sửa đổi mới sẽ không đem lại những thay đổi thực sự mà chỉ đơn giản là “thùng rỗng kêu to”.

Hồng Ngọc

Bình luận

ZALO