Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Chủ nhật, 03/12/2023 02:04 GMT+7

Hoạch định chính sách dân tộc nên ưu tiên hỗ trợ theo vùng, thôn, bản

Biên phòng - “Trong 20 năm làm công tác dân tộc, tôi nhận thấy, đại bộ phận bà con sống ở vùng cao, vùng xa đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, hạn chế về hạ tầng cơ sở… Đó là nguyên nhân chính của cái đói nghèo, lạc hậu chứ không phải vì người dân tộc thiểu số (DTTS) nên mới nghèo. Vì vậy, định hướng của việc hoạch định chính sách dân tộc cần tập trung chủ yếu, ưu tiên hỗ trợ theo vùng, theo thôn, bản” - Tiến sĩ Bế Trường Thành, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân tộc chia sẻ.

Tiến sĩ Bế Trường Thành, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân tộc trong tư gia của ông. Ảnh: Ngọc Ánh

Về nghỉ hưu từ tháng 9/2011, nhưng Tiến sĩ Bế Trường Thành vẫn vô cùng bận rộn. Hiện ông là Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa 9; Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn dân tộc; Chủ tịch Hội Hỗ trợ Phát triển kinh tế miền núi, Trưởng Ban Liên lạc cán bộ hưu trí Uỷ ban Dân tộc… Công việc đang gánh vác khiến ông phải đi nhiều nơi, gặp gỡ, kết nối với nhiều doanh nghiệp để vận động, xây dựng quỹ hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào các DTTS ở một số vùng đặc biệt khó khăn phát triển kinh tế-xã hội.

Hiện nay, ông viết bài cho các ấn phẩm, tạp chí chuyên ngành công tác dân tộc, tham gia các công trình nghiên cứu khoa học cấp Bộ… Đối với ông, được lao động, nghiên cứu về lĩnh vực công tác dân tộc luôn là một niềm đam mê cháy bỏng trong trái tim.

Trên cương vị Chủ tịch Hội hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi khóa II, nhiệm kỳ 2021-2026, Tiến sĩ Bế Trường Thành đã có nhiều đóng góp vào những thành tựu của Hội hỗ trợ Phát triển Kinh tế miền núi như: Thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển miền núi; phối hợp với Hiệp hội Làng nghề Việt Nam xây dựng chương trình liên kết phối hợp hoạt động quảng bá sản phẩm của miền núi, tổ chức chương trình truyền thông, vinh danh các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội miền núi; phối hợp với một số tỉnh triển khai các Dự án phát triển kinh tế và an sinh xã hội, kêu gọi vốn đầu tư nước ngoài; quảng bá xúc tiến du lịch và giới thiệu tiềm năng phát triển du lịch các tỉnh miền núi; kết nối các nhà đầu tư với trường đại học Y - Dược Thái Nguyên để liên kết đào tạo Điều dưỡng viên cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ cho chương trình xuất khẩu lao động chất lượng cao đối với con em đồng bào miền núi; tiếp cận một số tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ để tìm kiếm nguồn viện trợ của nước ngoài hỗ trợ cho các chương trình an sinh xã hội tại các tỉnh miền núi; vận động tài trợ, hỗ trợ phát triển kinh tế miền núi; phối hợp xây dựng 20 dự án đầu tư các công trình an sinh xã hội tại 20 tỉnh miền núi...

Hồi tưởng lại “cơ duyên” đến với công tác dân tộc, Tiến sĩ Bế Trường Thành xúc động kể: “Năm 1991, tôi vừa đi làm nghiên cứu sinh từ Tiệp Khắc trở về Bộ Lâm nghiệp thì tình cờ gặp Bộ trưởng Hoàng Đức Nghi, Chủ nhiệm Văn phòng Miền núi và Dân tộc (tên của Ủy ban Dân tộc thời kỳ đó), bác Nghi bảo: Mời cậu về với tôi để đi vận động bà con giữ lại rừng, tôi nghe vậy thì cảm động lắm, tối về nhà cứ bắt tay lên trán suy nghĩ. Cuối cùng, tôi quyết định chuyển công tác sang Văn phòng Miền núi và Dân tộc làm thư ký giúp việc cho bác Cư Hòa Vần, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Miền núi và Dân tộc lúc bấy giờ”.

Trong ký ức của Tiến sĩ Bế Trường Thành vẫn in hằn bức tranh vùng đồng bào các DTTS ở Việt Nam những năm 90 của thế kỷ trước với bộn bề khó khăn, đói nghèo. Đặc biệt là tình trạng bà con dân tộc Mông ở vùng Tây Bắc, Tây Nghệ An trồng cây thuốc phiện trên những diện tích lớn, gây ra tệ nạn nghiện hút, tiêm chích và buôn lậu ma tuý gia tăng trong cả nước, gây ảnh hưởng xấu đến phát triển kinh tế-xã hội và tác hại đối với sức khoẻ của một bộ phận nhân dân.

Trong bối cảnh đó, Ủy ban Dân tộc miền núi được Chính phủ phân công nhiệm vụ là cơ quan đầu mối, chủ trì việc phối hợp hoạt động theo Chương trình Quốc gia phòng, chống và kiểm soát ma tuý; trực tiếp tổ chức thực hiện Chương trình "Chuyển hướng sản xuất thay thế cây thuốc phiện kết hợp với việc cai nghiện hút thuốc phiện" theo Quyết định số 69-CT ngày 4/3/1992 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng và Dự án "Xây dựng kế hoạch tổng thể kiểm soát ma tuý ở Việt Nam" (Dự án VIE/92/660) . Thời điểm đó, Tiến sĩ Thành tham gia vào Dự án VIE/92/660 với vai trò Phó Giám đốc Dự án. Đến năm 1995, với hàm Vụ trưởng (Vụ Chính sách Dân tộc), ông còn kiêm thêm nhiệm vụ Tổng Thư ký Chương trình Quốc gia về phòng chống ma túy (CTQG 06/CP).

Theo Tiến sĩ Bế Trường Thành, làm công tác dân tộc phải có niềm đam mê, tâm huyết và luôn suy nghĩ, trăn trở phải làm gì đó cho bà con DTTS. Nỗi trăn trở ấy cứ canh cánh theo ông, để rồi khi trở thành Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (1997-2011), ông đã mang hết cái tâm, cái tầm trí tuệ của một nhà nghiên cứu khoa học, một nhà quản lý Nhà nước về công tác dân tộc trực tiếp điều hành, chỉ đạo việc tham mưu giúp Chính phủ xây dựng, hoạch định các chính sách dân tộc hiệu quả, thiết thực.

“Trong 20 năm làm công tác dân tộc, tôi rút ra một điều, bà con đại bộ phận sống ở vùng cao, vùng xa đặc biệt khó khăn, giao thông cách trở, hạn chế về hạ tầng cơ sở… Đó là nguyên nhân chính của cái đói nghèo, lạc hậu chứ không phải vì là người DTTS nên mới nghèo. Vì vậy, định hướng của việc hoạch định chính sách dân tộc cần tập trung chủ yếu, ưu tiên hỗ trợ theo vùng, theo thôn, bản”- Tiến sĩ Bế Trường Thành chia sẻ.

Tiến sĩ Bế Trường Thành (bên phải) tham quan Triển lãm tại Báo Dân tộc và Phát triển (Ủy ban Dân tộc) nhân dịp kỷ niệm 20 năm thành lập Báo Dân tộc và phát triển ngày 27/10/2022. Ảnh: Ngọc Ánh

Quan điểm xây dựng chính sách của ông là không được chung chung mà phải cụ thể. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, nhân tố con người là quan trọng nhất. Chính sách dù hay đến mấy vẫn phải có con người tổ chức thực hiện và trước hết là ở cơ sở, nơi trực tiếp, sát dân nhất. Hiện nay, đội ngũ cán bộ cơ sở vẫn thiếu và yếu. Do đó, việc tập trung về công tác đào tạo, nâng cao trình độ năng lực cán bộ, củng cố hệ thống chính trị vùng dân tộc là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi cán bộ công chức, viên chức nâng cao nhận thức một cách toàn diện đầy đủ, trước hết về công tác dân tộc; phải sát cơ sở để tìm tòi, đề xuất cho lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ cụ thể, phát huy hiệu quả…

20 năm gắn bó với cơ quan Công tác dân tộc, Tiến sĩ Bế Trường Thành đã có đóng góp không nhỏ cho công tác dân tộc nói chung, chặng đường xây dựng và phát triển của cơ quan Công tác dân tộc nói riêng. Những đóng góp đó đã được Nhà nước ghi nhận bằng việc trao tặng nhiều Bằng khen và Huân, Huy chương lao động cao quý.

Ngọc Ánh

Bình luận

ZALO