Đường dây nóng: 0983449277 - 0913303903 - 0912325336Thứ bảy, 27/07/2024 08:44 GMT+7

Hoa vẫn nở giữa xứ ngàn sương

Biên phòng - Qua khỏi cổng, chiếc xe từ từ leo một đoạn dốc rồi dừng lại trước nhà làm việc của Chỉ huy Đồn Biên phòng Xuân Trường, BĐBP Cao Bằng. Biết có khách hẹn, chỉ huy đồn trong trang phục chỉnh tề ra tận cửa xe đón chào theo lễ tiết lực lượng vũ trang, bắt tay từng người. Trong cái lạnh thấu xương của xứ Đồng Mu, chúng tôi cảm nhận được hơi ấm từ nụ cười và cái bắt tay của những người lính mang quân hàm xanh đã gây được ấn tượng từ phút gặp gỡ ban đầu. Thượng tá Hoàng Văn Lợi, Chính trị viên vui vẻ mời chúng tôi vào phòng tiếp khách của chỉ huy.

bidr_16a
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Xuân Trường giúp dân thu hoạch lúa mùa. Ảnh: Phan Nguyệt

Sau những lời chào hỏi xã giao, chỉ huy đồn dẫn chúng tôi đi tham quan đơn vị. Đồn được xây dựng bên sườn đồi thuộc xóm Thua Tổng. Từ sân đồn có thể phóng tầm mắt quan sát rõ cánh đồng mà theo tiếng Tày quen gọi là Tổng Mủ, phiên âm sang tiếng Việt thành Đồng Mu. Đây được coi là vựa lúa của huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. Điều làm tôi ấn tượng nhất là 4 cây đào cổ thụ trước sân đồn đang độ nở rộ giữa sương mù càng tạo thêm nét độc đáo cho hình ảnh của những người chiến sĩ luôn giữ gìn mùa xuân cho quê hương.

Mặc dù địa thế ở đây không thuận lợi cho việc tổ chức tăng gia trồng rau màu để cải thiện bữa ăn chiến sĩ, nhưng các anh cũng tận dụng mọi khoảng trống để làm ao thả cá, bên bờ ao là những luống rau mùa nào thức nấy. Bên đồi kia còn có cả một trại chăn nuôi dê, ngoài ra còn có chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà và có cả vườn thuốc đông y. Ngắm cảnh khuôn viên trụ sở cũng đủ hiểu phần nào công việc hằng ngày của cán bộ, chiến sĩ.

Trở về phòng làm việc của chỉ huy, Thượng tá Lợi nói như tâm sự:

- Anh em mình cũng đã từng có dịp làm việc với nhau rồi, em cũng có duyên làm việc với văn nghệ sĩ. Lần gặp nhau gần nhất là khi em còn làm ở Đồn Biên phòng Pò Peo thuộc huyện Trùng Khánh. Hôm ấy, văn nghệ sĩ và lính Biên phòng say mê hát cho nhau nghe suốt cả buổi trưa, trước khi các anh chị đi Đồn Biên phòng Lý Quốc.

Nghe Lợi nói, tôi chợt nhớ cuộc gặp ấy mà còn ấn tượng mãi hình ảnh vị chỉ huy có giọng hát khá truyền cảm và hát say mê làm cánh văn sĩ chúng tôi cũng phải nể phục.

Thiếu tá, Đồn trưởng Ngô Thanh Tụng mặc dù rất bận công việc, nhưng vẫn kịp về đơn vị để cung cấp những thông tin liên quan đến những công việc đơn vị. Anh cho biết, Đồn Biên phòng Xuân Trường quản lý địa bàn 2 xã Xuân Trường và Khánh Xuân có chiều dài đường biên giới hơn 20 cây số, nằm trên toàn địa hình núi đá vôi hiểm trở rất khó khăn cho công tác tuần tra. Để làm tốt nhiệm vụ, đồn phải bố trí thành nhiều tổ công tác độc lập cắm tại các địa bàn trọng điểm mà ở đó mỗi cán bộ, chiến sĩ muốn hoàn thành tốt nhiệm vụ phải thường xuyên gắn bó với nhân dân.

Nhiều năm qua, Đồn Biên phòng Xuân Trường đã phát huy được truyền thống đoàn kết gắn bó, giữ nghiêm kỷ luật Quân đội, làm tốt công tác vận động quần chúng, đặc biệt là phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới đã thu được nhiều kết quả đáng khích lệ.

Đêm cuối năm ở xứ lạnh thấu xương này thật yên tĩnh. Tôi nghe rõ tiếng lá cờ Tổ quốc bay phần phật. Trong giấc ngủ chập chờn mà tôi cứ mông lung nghĩ về kỷ niệm cách đây 30 năm khi được về chứng kiến một sự kiện quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng đất này: Đó là một ngày cuối năm, huyện Bảo Lạc long trọng tổ chức lễ thông đường từ Lũng Pán, xã Huy Giáp vào Đồng Mu, xã Xuân Trường. Ngay từ sáng sớm, dân khắp các bản làng đã về hội tụ ở trung tâm trụ sở xã để chứng kiến sự kiện.

Hồi đó, vì đường sá đi lại khó khăn, từ tỉnh lỵ đi ô tô vào Bảo Lạc cũng mất cả ngày đường. Khách đến dự lễ phải vào tập kết tại huyện. Mờ sáng hôm sau mới hành trình từ huyện về Đồng Mu. Nhiều khách là chỉ huy Quân khu 1, Quân đoàn 26, Lữ đoàn Công binh thuộc Quân khu 1, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ban, ngành trong tỉnh. Người dân ở đây lần đầu tiên được chứng kiến sự “có mặt” của rất nhiều xe ô tô. Vị lãnh đạo cao nhất về dự lễ khai thông tuyến đường này là Thượng tướng Đàm Quang Trung, Tư lệnh Quân khu 1.

Mặc dù không lường trước được tầm quan trọng của sự kiện, nhưng tôi cũng mang theo sẵn cả máy ảnh, máy ghi âm để tác nghiệp. Tôi trực tiếp gặp Thượng tướng Đàm Quang Trung tìm hiểu thì được biết, Quân khu quyết định đầu tư xây dựng tuyến đường này với lý do làm đường tuần tra biên giới, mặt khác, đây cũng là ý tưởng tri ân liệt sĩ Xuân Trường - người bạn thân cùng quê của ông từ thuở nhỏ.

Liệt sĩ Xuân Trường lớn lên được giác ngộ cách mạng đã gia nhập lực lượng Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, trực tiếp tham gia trận đánh Đồn Đồng Mu và anh dũng hy sinh, trở thành người liệt sĩ đầu tiên của QĐND Việt Nam. Để làm con đường này, Quân khu 1 đã tiến hành khảo sát, thiết kế và giao cho lực lượng công binh Quân khu 1 trực tiếp thi công. Đến cuối năm 1986, chặng đường dài 19,6km mới được hoàn thành. Lễ khánh thành tuyến đường được tổ chức với nghi thức long trọng ngay tại sân của UBND xã dưới nắng nhạt chiều Đông. Tuyến đường dài 19,6km qua địa hình núi đá hiểm trở nối Lũng Pán với Xuân Trường đã hoàn thành mở ra triển vọng lớn cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng đất này.

Bình minh ở vùng Đồng Mu thật muộn màng. Trời sáng từ lâu mà bản làng vẫn chìm trong sương mù. Từ sân đồn nhìn xuống, xa xa ẩn hiện những căn nhà mái tôn màu xanh, màu đỏ đã thay dần những mái ngói nhà sàn xưa tạo diện mạo mới cho một vùng quê đang đổi thay từng ngày. Trung tâm buôn bán Đồng Mu luôn đầy ắp các loại hàng hóa đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của nhân dân.

Hàng hóa nông sản của người dân làm ra cũng được lưu thông nhanh chóng trên thị trường, thậm chí người nông dân đã biết tiếp cận các hình thức bán buôn. Các loại vật tư nông nghiệp cũng được đưa về phục vụ tận nơi. Đó cũng là yếu tố để người dân thêm yêu và có ý thức xây dựng quê hương giàu đẹp. Người dân ở đây mãi không quên sự khởi đầu của mọi đổi thay từ buổi thông đường Lũng Pán vào Đồng Mu. Bây giờ, đường đi Bảo Lạc dù phải qua 14 tầng dốc Mẻ Pia thì cũng đã được Nhà nước đầu tư trải nhựa, người đi đường không còn lo gặp “ma quỷ”. Đường về thành phố Cao Bằng qua Thông Nông vượt qua đèo Khau Dựa cũng không ngại gặp “chựa chòi”.

Phút chia tay với những người lính Biên phòng không khỏi bùi ngùi lưu luyến. Biên giới đã bình yên, nhưng sự hy sinh thầm lặng của người lính mang quân hàm xanh vẫn cần sự sẻ chia, đồng cảm của cả cộng đồng. Mọi sự động viên dù nhỏ cũng là cho người chiến sĩ vơi đi nỗi niềm cô đơn để tiếp thêm nghị lực hoàn thành nhiệm vụ.

Phan Nguyệt  

Bình luận

ZALO